Chương trình truyền hình thực tế “Giọng ca nhí – Hò xự xang xê cống” do công ty Truyền thông và Giáo dục Mặt Trời Hồng phối hợp với Đài Truyền hình Bạc Liêu thực hiện mới kết thúc trung tuần tháng 8 vừa qua nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng yêu nghệ thuật cả nước. Những màn trình diễn lôi cuốn của thí sinh nhí cho thấy, giới trẻ không quay lưng với nghệ thuật truyền thống và quảng bá nghệ thuật truyền thống qua truyền hình là một hướng đi mới rất cần được phát huy.
Bé Bảo Nghi trong trích đoạn cải lương “Phù Đổng Thiên Vương” trên sân khấu “Gương mặt thân quen nhí” 2014.
Giới trẻ không quay lưng với nghệ thuật truyền thống
Tôi cho rằng, những người trẻ không quay lưng với nghệ thuật truyền thống chỉ có điều cần phải có cách riêng để tiếp cận họ. Chương trình truyền hình thực tế “Giọng ca nhí - Hò xự xang xê cống” là một ví dụ. Những người làm chương trình chia sẻ rằng, họ muốn mang đến món ăn tinh thần mới, cảm xúc mới với khán giả cả nước, đặc biệt là khán giả phương Nam, nơi mà đờn ca tài tử đã trở thành máu thịt, gắn bó mật thiết với cuộc sống hàng ngày của họ. Tinh thần yêu đời, yêu ca hát của người dân Nam Bộ được tái hiện qua cuộc thi sẽ góp phần lưu giữ, truyền bá một di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Thông qua hình thức cuộc thi, các thí sinh nhí tham gia chương trình có điều kiện học hỏi, tiếp xúc với các nghệ nhân dân gian, qua đó hiểu sâu sắc hơn về đờn ca tài tử. 28 thí sinh đến từ khắp mọi miền đất nước đã được thử sức với nhiều chủ đề khác nhau như Điệu Lý, Điệu Bắc... Điều đặc biệt là, những Điệu Lý nổi tiếng nhất của dân ca Nam Bộ sẽ được viết phần lời mới cho phù hợp với lứa tuổi của các em. Với giọng ca ngọt ngào, truyền cảm, cách trình diễn tự tin, cô bé Trần Thị Mỹ Dung, 14 tuổi giành chiến thắng hoàn toàn thuyết phục. Qua cánh sóng truyền hình, hàng triệu khán giả, trong đó có nhiều khán giả trẻ sẽ thêm yêu đờn ca tài tử. Rõ ràng, truyền hình, với sự lan tỏa mạnh mẽ sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực, góp phần quảng bá nghệ thuật truyền thống đến với giới trẻ.
Trong nhiều chương trình truyền hình lên sóng thời gian gần đây, những tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống luôn tạo được dấu ấn riêng. Ngay từ vòng thi đầu tiên, Phương Mỹ Chi, Á quân “Giọng hát Việt nhí” 2013 đã tạo nên cơn sốt với những ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ. Những ca khúc như “Quê em mùa nước lũ”, “Sa mưa giông”, “Nhớ mẹ Lý mồ côi”, “Áo mới Cà Mau”... qua giọng hát ngọt ngào của Phương Mỹ Chi đã đánh thức tình yêu với dòng nhạc quê hương trữ tình trong lòng người hâm mộ. Sân chơi “Gương mặt thân quen”, “Gương mặt thân quen nhí” cũng xuất hiện nhiều tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống ấn tượng. Quán quân “Gương mặt thân quen” 2014 Hoài Lâm đã tỏa sáng trên sân khấu khi hóa thân rất “ngọt” thành nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu. Điệu xẩm thập Ân “Ngãi mẹ sinh thành” được Hoài Lâm thể hiện rất tốt gây xúc động mạnh cho khán giả. Sau tiết mục này, không ít bạn trẻ đã tìm hiểu để biết thêm về về nghệ nhân Hà Thị Cầu, về xẩm - một loại hình nghệ thuật dân gian đang cần được bảo tồn và phát huy. Tiếp sau đó, trong đêm chung kết cuộc thi, Hoài Lâm một lần nữa tỏa sáng khi hóa thân thành nghệ sĩ cải lương Thanh Nga. Âm nhạc truyền thống đã “lên ngôi” và Hoài Lâm nhận được “cơn mưa” khen ngợi từ ban giám khảo và khán giả.
Tương tự như vậy, tiết mục biểu diễn của bé Bảo Nghi hóa thân thành nghệ sĩ cải lương Quế Trân trong trích đoạn “Phù đổng Thiên Vương” trong cuộc thi “Gương mặt thân quen nhí” 2014 đã khiến bộ ba giám khảo Hoài Linh, Mỹ Linh, Hồng Vân xúc động mạnh. Bên cạnh chất giọng cao vút với những nốt luyến láy, động tác đặc trưng của bộ môn nghệ thuật cải lương, Bảo Nghi còn rất thuần thục khi trình diễn phần múa giáo. Cũng trong chương trình này, bé Anh Duy và ca sĩ Minh Thuận đã có phần biểu diễn xuất thần khi hóa thân thành những nghệ sĩ cải lương trong trích đoạn “Đời cô Lựu”. Bé Anh Duy chia sẻ rằng, “trước đây, con chỉ thích nhạc trẻ, hip hop và popping chứ không bao giờ quan tâm đến cải lương. Sau những ngày luyện tập để hóa thân thành NSƯT Minh Vương trong vở cải lương kinh điển “Đời cô Lựu”, con khám phá ra cải lương cũng là một bộ môn nghệ thuật rất có ý nghĩa, có thể nói là tuyệt vời”. Sự xuất hiện của ca nương Kiều Anh với những ca khúc dòng nhạc world music trên sân khấu “Việt Nam got talent” và “Giọng hát Việt” 2015 nhận được sự chú ý của công chúng. Những tiết mục múa dân gian dân tộc Việt, Thái, Tây Nguyên... cũng rất duyên dáng trên sân khấu “Thử thách cùng bước nhảy”…
Cần một chiến lược
Tôi cho rằng, truyền lửa nghệ thuật truyền thống qua truyền hình là một trong những cách làm hay để truyền bá và giáo dục lòng yêu mến, tự hào, tự bảo tồn và phát huy những di sản âm nhạc dân gian nói riêng, văn hóa dân gian nói chung cho thế hệ trẻ. Truyền hình đã cho nghệ thuật truyền thống chiếc áo mới, diện mạo mới để tiếp cận khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Trong chương trình truyền hình, những tiết mục dân gian được dàn dựng sáng tạo, kết hợp với hiệu ứng kỹ thuật sân khấu hiện đại có thể thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Bên cạnh đó, chính những tiết mục mang đậm bản sắc dân tộc sẽ giúp các chương trình truyền hình, dù được mua bản quyền từ nước ngoài sẽ có bản sắc riêng.
Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan thì nghệ thuật truyền thống trên truyền hình vẫn đang tồn tại ở những tiết mục đơn lẻ, góp phần đa dạng hóa, tạo điểm nhấn cho chương trình chứ chưa phải là một chiến lược truyền thông có mục đích. Những tiết mục nghệ thuật truyền thống trên truyền hình mới chỉ như những cơn gió thoảng qua, chưa đi vào chiều sâu đủ sức đánh thức niềm tự hào, tình yêu của công chúng với những môn nghệ thuật “kén” khán giả trẻ. Thiết nghĩ, cần phải có một chiến lược dài hơi phát triển nghệ thuật truyền thống trên nhiều phương diện, trong đó truyền hình là một kênh quảng bá hiệu quả. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác giáo dục nghệ thuật truyền thống trong các nhà trường, để mỗi người, ngay từ tấm bé đã được tiếp cận với văn hóa dân tộc, qua đó khơi gợi tình yêu, niềm tự hào với nghệ thuật truyền thống.
Phạm Thiên Giang