Hà Nội

Triết lý sống khỏe của kiện tướng làng chèo

30-08-2015 19:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Tôi biết ông từ những năm sức khỏe còn sung mãn, mỗi năm cho ra đời vài vở diễn. Nhưng cho cả đến lúc này, sau hơn chục năm chung sống với bệnh đái tháo đường...

Tôi biết ông từ những năm sức khỏe còn sung mãn, mỗi năm cho ra đời vài vở diễn. Nhưng cho cả đến lúc này, sau hơn chục năm chung sống với bệnh đái tháo đường, liệt một bên thần kinh thị giác, ông vẫn kiên trì phục hồi sức khỏe bằng dự án sân khấu (SK) là kịch bản chèo, là tuyển tập kịch bản với phong thái điềm tĩnh, bình thản.

Đến với SK một cách tình cờ, nhưng ông bảo ngẫm lại thấy nó tuần tự như có sự sắp đặt. Xuất thân trong một gia đình nông dân, nhưng ông nội và bố ông đều là nhà nho, ít nhiều các cụ cũng có vốn kiến thức về văn học cổ, nhất là thơ Đường. Còn mẹ ông cho đến khi tạ thế vẫn là người không biết chữ, nhưng cụ lại là một kho tàng ca dao tục ngữ. Ông may mắn khi được tiếp xúc nguồn văn chương cổ điển và văn chương bình dân rất sớm nên đã tạo nên một điệu tâm hồn cho mình. Ông bảo, thời nhỏ ông mê chèo lắm, có vở xem 2 - 3 lần, thuộc lòng một số nhân vật và cũng biết hát vài điệu. Bố ông khi đó cũng viết một số làn điệu chèo, ở nhà cụ lại hay hát chèo nên càng làm cho ông yêu chèo hơn. Ông kể, lúc bé ông hát cũng khá hay, nhưng năm 16 tuổi, sau một trận ốm bị vỡ giọng nên bây giờ giọng mới rè rè như ống bơ. Cũng may vì hỏng giọng không làm được diễn viên, để giờ đây ngành chèo không mất một tác giả nổi tiếng.

Vở chèo Hoàng Thái Hậu Mạc Triều được TS. Trần Đình Ngôn chỉnh lý và nâng cao.

Thường thì mỗi tác giả chỉ mạnh với một mảng đề tài nhưng ông có lẽ là trường hợp đặc biệt, nổi tiếng ít nhất trong 5 mảng đề tài, thậm chí trái ngược nhau: đề tài văn học dân gian; lịch sử danh nhân văn hóa; đề tài hiện đại; cách mạng và lãnh tụ; đề tài dã sử, nước ngoài, chèo cổ viết lại. Ông bảo, với một tác giả, quá trình sáng tác phải đồng thời với quá trình nghiên cứu lý luận, quá trình tích lũy vốn kiến thức về văn hóa, đặc biệt là văn hóa cổ, từ phong tục tập quán đến lời ăn tiếng nói của con người qua nhiều thời kỳ. Nguyên tắc cấu trúc của một kịch bản trong các đề tài đều giống nhau, cái khác nhau chính là văn hóa. Muốn là một tác giả SK trước hết phải là một nhà văn hóa. Khi có được vốn hiểu biết tối cần thiết thì đi vào mảng đề tài nào mình cũng có thể trình bày được đời sống con người chân thực vì quy luật về tình cảm của con người ở thời kỳ nào, lĩnh vực nào cũng đều có những cái chung, khác chăng là cách cảm, cách nghĩ, cách nói của những con người trong các tầng lớp xã hội khác nhau trước một tình huống giống nhau. Cứ nghe ông phân tích thì dường như ai cũng có thể trở thành kịch tác gia, nhưng làm sao để biến những vốn hiểu biết đó thành câu chữ của mình mới là điều quan trọng. Nhà sáng tác, nhà nghiên cứu giống nhau ở chỗ đều cần có một lượng tri thức nhất định, nhưng nhà sáng tác đòi hỏi phải có khả năng vận dụng tri thức đó vào sáng tạo nghệ thuật.

Sau hơn 50 năm bước vào làng SK, ông đã từng làm Đoàn phó Đoàn chèo Hải Dương, Trưởng ban biên tập NXB Sân khấu, Viện trưởng Viện Sân khấu, rồi bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài: Yếu tố dân gian, yếu tố bác học trong kịch bản chèo, thế mà ở công việc làm “phu chữ” cho chèo, tính đến nay ông đã viết được 105 kịch bản dài với nhiều đề tài khác nhau, dàn dựng tới 95 vở và tới nay con số đó vẫn chưa dừng lại, dù có thể tốc độ tịnh tiến chậm hơn thời sung sức. Ông Phó Chủ tịch Hội đồng Guinet Việt Nam đã nói sẽ làm cho ông danh hiệu Người giữ kỷ lục viết chèo nhiều nhất Việt Nam, nhưng ông thì chưa muốn vì làm bây giờ  tức là mình lại tự phá kỷ lục của chính mình. Như thế nghĩa là trong ông đang còn ấp ủ nhiều dự định cho những kịch bản chèo mới. Theo con số thống kê của Viện Sân khấu, tính từ năm 1955-2005 (1/2 thế kỷ), số kịch bản của ông tham gia hội diễn thì chiếm 33% tổng số Huy chương Vàng, 26% tổng số Huy chương Bạc. Cũng theo một tổng kết về những tác giả viết nhiều kịch bản SK, ông được xếp vào chiếu những tác giả có số lượng tác phẩm đồ sộ: cụ Nguyễn Đình Nghi hơn 60 vở, Lưu Quang Vũ hơn 50 vở, ông có tới 105 vở. Như vậy ông được coi là tác giả viết nhiều nhất, khỏe nhất và tác phẩm được sử dụng nhiều nhất trong đội ngũ tác giả Việt Nam hiện đại. Nêu ra những con số như thế để thấy rằng, thời điểm này gọi tiến sĩ Trần Đình Ngôn là kiện tướng trong làng chèo Việt Nam quả không ngoa.

​Tiến sĩ Trần Đình Ngôn.

Với tôi, tiến sĩ Trần Đình Ngôn là người duy nhất tôi từng gặp nói về nghệ thuật chèo mà làm người nghe phải mê đắm. Trò chuyện với ông, lắng nghe những kinh nghiệm và hiểu biết mà ông luôn sẵn sàng chia sẻ với sự nhiệt tâm như một kẻ truyền giáo, người ta sẽ muốn xem chèo và làm chèo khác đi. Ngay cả đến lúc này, sức khỏe của ông giảm sút đi nhiều vì căn bệnh đái tháo đường, ông đồng hành với “nó” 16 năm nay (từ 1999), sự nhiệt huyết với chèo trong ông vẫn không hề giảm sút. Theo lý giải kiểu của ông, tiểu đường là bệnh không chữa khỏi nên phải xác định sẽ chung sống với nó đến trọn đời, nhưng việc điều tiết nó để tồn tại, để hạn chế tác hại của nó là có thể làm được để sống khỏe và tiếp tục làm việc. Bằng trải nghiệm và qua kinh nghiệm học hỏi những người cùng cảnh, ông đã rút ra những cách chữa trị bệnh cho riêng mình: kết hợp cả đông y - tây y, chỉ dùng những loại thuốc phù hợp với cơ địa của mình. Nghề của ông, muốn viết được phải đi thực tế, tìm kiếm tư liệu, rồi xuống các địa phương dàn dựng để góp ý sửa chữa. Những phiền toái của chứng bệnh đái tháo đường gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Nghị lực và bản lĩnh khiến ông kiên trì và nghiêm túc thực hiện mọi chế độ ngặt nghèo trong sinh hoạt và thuốc thang. Nói không với bia rượu, chối bỏ món ăn ưa thích là đồ ngọt, thứ mà ông luôn nhớ mang theo bên người là thuốc điều trị - đó là hình ảnh tiến sĩ Trần Đình Ngôn tôi luôn bắt gặp sau này. 16 năm mang căn bệnh đái tháo đường, đến nay trọng lượng cơ thể giảm đi rất nhiều, nhưng sức làm việc của tiến sĩ Trần Đình Ngôn vẫn đáng nể phục. Người ta nói: Giàu hai con mắt, với người làm công việc sáng tác, điều đó lại càng quan trọng. Vậy mà nhiều năm nay, một bên mắt của ông bị liệt thần kinh thị giác, mắt còn lại thì bị đục thủy tinh thể. Chẳng hiểu hỏi kinh nghiệm từ bạn bè ra sao hay vì cực đoan không tin vào thành tựu y học, ông kiên quyết chối bỏ việc thay thủy tinh thể: mắt mờ thì dùng kính kích lên, phấn đấu sống 10-15 năm nữa mù cũng được chứ không thay thủy tinh thể. Có lẽ với ông, thân thể mình cha mẹ sinh ra, có sao dùng vậy, không thể cắt bỏ cái gì. Đó cũng là một thứ triết lý chăng? Bí quyết vượt qua bệnh tật của ông là bình tĩnh, lạc quan và luôn hướng tới những đích mình đặt ra.

Nói cho cùng thì những cái đích đó không phải ông đặt ra mà là sự đặt hàng của các đơn vị nghệ thuật chèo trong toàn quốc. Từ hội diễn 1995-2013, cuộc nào ông cũng là người có đóng góp số kịch bản nhiều nhất. Hội diễn mà ông tham gia 8/17 vở anh em đã gọi là hội diễn chèo Trần Đình Ngôn mở rộng. Giá như không có cú sốc quá lớn vì sự ra đi đột ngột của cậu con trai: tác giả trẻ Trần Đình Văn khi mới ở tuổi 40 thì hôm nay đây, cặp bố con Trần Đình Ngôn - Trần Đình Văn đang là hiện tượng của SK chèo. Ở một cuộc thi, ông có 5 tác phẩm, Văn có 4 tác phẩm, khi đó đã xuất hiện slogan vỉa hè: Hội diễn của bố con ông Ngôn. Trong con mắt của ông, Văn không chỉ là người con hiếu thảo mà còn là người học trò xuất sắc, kế tục khá toàn diện những gì mà cha đã phấn đấu, đã đạt được và quan trọng còn là người bạn tri âm. Với ông, đây là nỗi đau quá lớn. Ông bảo, trong quãng đời nhiều gian nan, khó nhọc, chưa có nỗi đau nào đến mức này. Dường như nước mắt người cha phải chảy ngược vào trong bởi hơn ai hết ông hiểu rằng, giờ đây ông là chỗ dựa tinh thần cho mọi thành viên trong gia đình gồm vợ, con gái, con dâu và hai đứa cháu nội còn thơ dại. Sự nghiệp sáng tác, cậu con trai mới gánh đỡ ông một đoạn đường đã đứt gánh. Có lẽ lúc này, chưa thể hỏi được ông con số nào là dấu chấm hết về số lượng vở diễn bởi ông chưa thể dừng lại lúc này. Nhiều đoàn đang mong ông, SK chèo vẫn đang đợi ông và tôi nghĩ lúc này đây, ông cần phải có sức khỏe để tiếp tục đồng hành với nghệ thuật chèo.

Tố Lan

 

 


Ý kiến của bạn