Biểu hiện và biến chứng
Viêm mũi họng ở trẻ em chủ yếu là do virut. Khởi đầu virut xâm nhập làm rối loạn hoạt động bình thường của mũi và làm suy yếu sự đề kháng tại chỗ, tạo thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn dẫn đến sự bội nhiễm vi khuẩn gây bệnh.
Khi trẻ bị viêm mũi họng cấp sẽ có các biểu hiện: Sốt đột ngột và khá cao 39-40oC trong 2-3 ngày. Trẻ bứt rứt, quấy khóc, kém ăn, đôi khi có nôn ói, tiêu chảy. Ngạt mũi kèm theo chảy nước mũi trong hoặc mũi nhầy mủ và ho. Các biểu hiện này kéo dài 5-7 ngày rồi thuyên giảm, nếu kéo dài trên 7 ngày phải đề phòng có những biến chứng của viêm mũi họng như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa.
Viêm mũi họng cấp nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn tới những nguy cơ nguy hiểm ngay tức thì. Trẻ sốt cao có thể dẫn tới co giật, nguy hiểm tới tính mạng và có thể để lại nhiều di chứng sau này. Trẻ có thể bị viêm tai giữa (đây là biến chứng hay gặp nhất) khi trẻ có các triệu chứng kèm theo ngoài triệu chứng của viêm mũi họng cấp như: đau tai, trẻ hay dụi vào tai, nặng hơn là chảy mủ tai.
Ngoài ra còn có các biến chứng khác như: Viêm xoang hàm cấp trẻ em, viêm phổi, viêm phế quản và trở thành viêm mũi họng mạn tính; hoặc thấp tim tiến triển, viêm cầu thận cấp nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn liên cầu nhóm A.
Nội soi mũi cho bệnh nhi tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Cha mẹ nên làm gì?
Khi trẻ có những biểu hiện như: Ngứa mũi, hắt hơi, mỏi tay chân, ăn ngủ kém kèm theo có sốt hoặc ho, ban đầu ho khan sau đó chuyển ho có đờm nhày đục hoặc nặng lên, có thể có đờm vàng hoặc xanh…, cha mẹ cần cho trẻ nghỉ ngơi, giữ ấm cơ thể, nhất là cổ, ngực, gan bàn chân và cho trẻ tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị một cách hiệu quả nhất.
Nên cho trẻ tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió, tắm xong phải lau người thật khô rồi mặc quần áo sạch. Nên cho trẻ súc họng, xịt mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày để phòng và trị bệnh
Để việc chẩn đoán và điều trị bệnh cho trẻ một cách hiệu quả nhất thì cha mẹ nên cho trẻ khám ở phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để được chẩn đoán chính xác và tư vấn điều trị bệnh cho trẻ một cách tốt nhất.
Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về dùng cho con, đặc biệt là thuốc kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để tránh những biến chứng xảy ra ngoài ý muốn cũng như tránh tình trạng trẻ kháng kháng sinh, gây khó khăn cho việc điều trị sau này.
Bên cạnh đó, việc cân đối chế độ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của trẻ là một điều không thể thiếu. Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng như: thịt, cá, trứng, đậu, rau củ quả chín… giúp trẻ nâng cao thể trạng cũng như nhanh hồi phục trong trường hợp trẻ bị bệnh.
Lời khuyên của thầy thuốc
Viêm mũi họng trẻ em có nguyên nhân hàng đầu là do virut, do trẻ bị nhiễm lạnh. Vì vậy bệnh có xu hướng tăng lên khi thời tiết thay đổi. Do vậy, để phòng bệnh viêm mũi họng cho trẻ một cách hiệu quả nhất thì cha mẹ nên giữ ấm cho con mình khi thời tiết thay đổi, giữ ấm cho con khi trời lạnh, đặc biệt là vùng cổ ngực của con và thoáng mát cho cơ thể bé khi mùa hè nóng nực.
Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước bởi vì trẻ thường đổ mồ hôi nhiều, tránh uống nước đá, nước lạnh, tránh nơi có khói thuốc lá hoặc bụi bặm nhiều.
Ngoài ra, cần giữ cho vùng mũi họng của trẻ tránh được những tác nhân từ môi trường như: Tạo thói quen đội mũ ,đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài, vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tránh ăn các hàng quán lề đường, những nơi không đảm bảo vệ sinh.
Phòng bệnh sẽ hạn chế tối đa tình trạng viêm nhiễm vùng mũi họng cho trẻ. Tuy nhiên khi trẻ xuất hiện các triệu chứng của bệnh viêm mũi họng thì cha mẹ nên cho trẻ tới khám tại phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để trẻ được chẩn đoán và điều trị đúng cách.