Trải lòng của người chuyên chở những chuyến xe mang nguồn máu cho người bệnh

09-03-2017 11:28 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - “Đối với những lái xe chở bệnh nhân cấp cứu hoặc chở máu cấp cứu thì bên cạnh việc đảm bảo an toàn cho chính lái xe thì chúng tôi còn phải đặt sự sống của người bệnh lên hàng đầu. Máu cần được đến với người bệnh đúng lúc thì đó là niềm vui lớn nhất của những người đang làm trong bệnh viện.

Đó là lời tâm sự thực lòng của anh Phạm Đức Thọ - người có nhiều năm làm công tác lái xe tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương

4 tiếng chạy xe khẩn cấp đưa máu tới Lào Cai

Kể về chuyến xe chở máu gần đây nhất, anh Thọ cho biết: chiều tối ngày 3/3 vừa qua, xe chở 23 người đang lưu thông trên đường từ Sa Pa xuống TP. Lào Cai đã bất ngờ gặp tai nạn. Để kịp thời phục vụ công tác cấp cứu và điều trị cho người bệnh, trong khi còn chưa thống kê được bao nhiêu người bị nạn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đã cấp báo về Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.

Ngay tối ngày 3/3, nhân viên y tế và lái xe Phạm Đức Thọ đã lên đường vận chuyển 240 đơn vị máu lên TP Lào Cai. Chỉ sau 4 giờ đồng hồ, anh Thọ đã đưa máu lên tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai để bệnh viện kịp thời sử dụng và sơ cứu cho người bệnh trước khi bệnh nhân được chuyển về Hà Nội.

Anh Phạm Đức Thọ - người có nhiều năm làm công tác lái xe tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương

Chia sẻ về chuyến đi lên TP Lào Cai vừa rồi, anh Thọ cho biết: Đây không phải là lần đầu tiên anh chở máu cấp cứu. Tuy nhiên, chuyến đi lần này có phần gấp gáp hơn khi vụ tai nạn thương tâm xảy ra với số lượng khá lớn người bị nạn. Chính vì vậy, anh ý thức được trọng trách chuyển máu tới bệnh viện ĐK tỉnh Lào Cai một cách nhanh chóng, đảm bảo an toàn, kịp thời phục vụ cho công tác điều trị.

Theo thông tin cập nhật từ Khoa Huyết học – Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai, trong số 22 bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông có 03 bệnh nhân rất nặng phải truyền máu. Trong đó, có bệnh nhân Trương Thị Mến đã truyền 6 đơn vị máu và 2 đơn vị huyết tương, bệnh nhân Trương Văn Trường, Đỗ Văn Mai mỗi người được truyền 2 đơn vị máu. Tất cả số đơn vị máu được sử dụng để cấp cứu cho các bệnh nhân trong vụ cấp cứu đều do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cung cấp, đảm bảo chất lượng và an toàn truyền máu.

Chia sẻ niềm vui sau khi vận chuyển máu lên thành phố Lào Cai trong đêm, anh Phạm Đức Thọ cho biết: “Đối với những lái xe chở bệnh nhân cấp cứu hoặc chở máu cấp cứu thì bên cạnh việc đảm bảo an toàn cho chính lái xe thì chúng tôi còn phải đặt sự sống của người bệnh lên hàng đầu. Mặc dù thời gian không có nhiều nhưng chỉ cần máu đến với người bệnh đúng lúc thì đó là niềm vui lớn nhất của những người đang làm trong bệnh viện. Tôi tin rằng, không chỉ có tôi mà nhiều đồng nghiệp của tôi đang làm nhiệm vụ chở máu, chở bệnh nhân đều có chung suy nghĩ như vậy”.

Anh Thọ tâm sự: "Đối với những lái xe chở bệnh nhân cấp cứu hoặc chở máu cấp cứu thì bên cạnh việc đảm bảo an toàn cho chính lái xe thì chúng tôi còn phải đặt sự sống của người bệnh lên hàng đầu".

Máu – Một loại thuốc lúc nào cũng cần thiết

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai không phải chỉ nhận máu trong trường hợp cấp cứu. Trong năm 2016 Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đã chuyển riêng cho tỉnh Lào Cai 3. 295 đơn vị máu và trên 700 đơn vị chế phẩm máu. Lào Cai không phải là tỉnh duy nhất sử dụng máu cung cấp từ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, theo Lãnh đạo Viện: “Hiện tại Viện đang cung cấp máu cho công tác điều trị bệnh cho khoảng 170 bệnh viện khu vực phía Bắc".

Những chuyến xe chở máu định kỳ hàng tuần và cấp cứu đột xuất với các tai nạn lớn đã tới tận những bệnh viện xa xôi ở các tỉnh, thành phố như Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên,…đáp ứng nhu cầu điều trị, cấp cứu”.

Trong những ngày sau Tết Nguyên đán 2017, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã nhận thấy nhu cầu sử dụng máu của các bệnh viện đột biến tăng cao hơn nhiều so với những năm trước. Sử dụng máu cho điều trị gia tăng đột biến không chỉ ở Hà Nội, mà còn ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc cũng vậy.

Trong thời gian này mỗi ngày Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cần đáp ứng khoảng 1.500 đơn vị máu phục vụ cho bệnh nhân điều trị tại khu vực Hà Nội và các tỉnh khác. Lãng đạo Viện cho biết: “Nhu cầu máu phục vụ cho công tác điều trị bệnh ngày một tăng cao, bên cạnh việc điều trị cho bệnh mắc các bệnh thiếu máu nội khoa, tai biến sản khoa thì số lượng bệnh nhân cần truyền máu do tai nạn giao thông, tai nạn lao động cũng ngày một nhiều.



Chỉ trong một ngày Lễ hội Xuân hồng ngay sau Tết Nguyên đán vừa qua, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận được 9.400 đơn vị máu – một lượng máu rất lớn. Tuy nhiên, sau đó chưa đầy 5 ngày, toàn bộ số máu tiếp nhận được đã được sử dụng hết. Điều đó cảnh báo tăng thực sự nhu cầu sử dụng máu cho điều trị”. Trong năm 2016 trên toàn quốc đã có hơn 1,2 triệu lượt người hiến máu, các bệnh viện đã không còn tình trạng thiếu cung cấp máu dài ngày, nhưngvẫn còn tình trạng kho lưu trữ mất cân đối, thậm chí thiếu hụt riêng loại nhóm máu A hoặc nhóm O phục vụ cho người bệnh.

Việc chuyển máu khẩn cấp trong đêm như ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai vừa qua chỉ là 1 trong số rất nhiều trường hợp cần cung cấp máu số lượng lớn để cấp cứu bệnh nhân ở những khu vực xa xôi. Bên cạnh niềm vui do đã kịp thời cung cấp máu đến với những bệnh nhân nguy kịch, Lãnh đạo Viện HHTMTW muốn chia sẻ lời kêu gọi mọi người khỏe mạnh trong cộng đồng hãy tích cực tham gia hiến máu để không còn bệnh nhân nào nguy kịch vì không có đủ máu truyền.

Năm 2017, để phục vụ cho công tác điều trị và cung cấp cho các bệnh viện khu vực phía Bắc, chỉ nói riêng về Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương dự kiến kế hoạch cần vận động và tiếp nhận hơn 300.000 lượt người hiến máu. Bên cạnh đó, những tai nạn thương tâm như ở Lào Cai vẫn còn liên tiếp xảy ra như những ngày qua cũng là mối đe dọa cho việc đảm bảo nguồn cung cấp máu.


Mai Ly
Ý kiến của bạn