Tiễn biệt Nhạc sĩ Phó Đức Phương

20-09-2020 20:37 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Chỉ ít ngày trước đó tôi trò chuyện với ông, vẫn thấy ông kiên định rằng, “tớ nhất định chưa thể nghỉ được, nếu có phải khổ sở thế nào để chữa trị thì tớ cũng làm. Đi-ở chả là cái gì, nhưng trời còn bắt tớ phải ở để làm nốt những gì tớ còn chưa làm xong”.

Ôi, Phó Đức Phương, con người của tinh thần “chiến đấu”. Ông luôn chiến đấu với mọi nỗi đời và chiến đấu với chính mình. Nỗi đời, là những khó khăn về quyền tác giả, khi cả cộng đồng còn ngỡ ngàng cả về khái niệm quyền (tác giả), đến thắc mắc về chuyện phải trả tiền khi dùng tác phẩm. Với chính mình, không phải chỉ là những ngày bệnh tật này, ăn một miếng cũng khó khăn vì ung thư tụy là căn bệnh từ chối tất cả cái gì nó phải tiếp nhận vào bụng, hiện tại mà còn là cái tính khí cả một đời không chịu dừng, sự sáng tạo lúc nào cũng thôi thúc, làm gì cũng phải làm đến cùng...

Nhạc sĩ Phó Đức Phương (1944 - 2020)

Người của công việc

Hầu hết các bài hát của Phó Đức Phương đều viết theo đơn đặt hàng, nhận đặt hàng để có cái cớ tạo cảm xúc cho tác phẩm. Ông lý giải thế, nhưng tôi cho rằng còn một phần ông khá nghèo. “Chảy đi sông ơi” là một ví dụ, người ta đặt viết cho một vở kịch. Nhưng kịch thì diễn xong từ lâu rồi, và có lẽ không mấy ai còn nhớ gì nữa, nhưng “ Chảy đi sông ơi” thì còn mãi, càng hát người nghe càng say. Bề dày bản lĩnh văn hóa cộng với cảm xúc dồi dào và cá tính mạnh khiến cho những tác phẩm của Phó Đức Phương luôn được ngay cả nhóm bạn thân của ông (Bộ tứ Sông Hồng) nể trọng.

Quê Hưng Yên, sống ở Hà Nội từ bé, ban đầu học khoa toán ĐH Tổng hợp, chỉ học nhạc lý thời phổ thông nhưng 18 tuổi Phó Đức Phương đã viết “Những cô gái quan họ” nổi tiếng. Thi đỗ Nhạc viện, chưa học được bao lâu, phải đi lao động thực tế, mà đã làm nông dân thực thụ tại nông trường Hòa Bình... Bẩm sinh lạc quan, Phó Đức Phương chả bao giờ biết thế nào là khổ. Đọc không biết bao nhiêu sách, những cuốn mà theo ông, nếu không đọc thì không biết chắc mình là ai, mình đi con đường nào cho đúng với lương tri, phải làm gì để giữ được chữ Đạo. Nhưng đọc xong, ghi vào xong, thì quên để rồi lao vào đời mà hành cái đạo đã biết đó.  Kể từ bài hát đầu đời cho đến giờ, đã có tới vài trăm bài, bài nào cũng ghi khắc sâu đậm trong lòng công chúng: Chảy đi sông ơi, Cánh đồng tình yêu, Con sông tuổi thơ, Hồ trên núi, Huyền thoại hồ núi Cốc, Không thể và có thể, Mặt trời biển cát và em, Một thoáng Tây Hồ, Mộng mị Sapa, Nha Trang thu, Nơi áo Chàm hồ xanh Ba Bể, Thành phố biển xanh và cát trắng, Trên đỉnh Phù Vân, Về quê, Vũ khúc con cò, Lội dòng sông quê, và gần đây nhất là những bài về nỗi niềm non sông đất nước, ông nghĩ đến lịch sử oai hùng của dân tộc và tư tưởng của các bậc minh quân: Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng, Trần Nhân Tông và chuyển hóa thành các tác phẩm…

Ai đã làm việc cùng Phó Đức Phương đều biết cái khó tính của ông, không phải khó mà là quá khó. Tự viết lời bài hát (chứ không mượn thơ của ai), từng chữ một đều kỹ, nhạc thì vừa khó về nhịp, về nốt, một nốt đi kèm bao nhiêu nốt phụ ( mới ra được cái rất mới mà vẫn cực chất Việt. Muốn hát nhạc của ông không phải chỉ  cảm xúc tốt, kỹ thuật giỏi, mà phải trường hơi dài sức, phải diễn tả được cái vô cùng tinh tế mà ông đã viết. Ông từng bảo với ca sĩ mà ông quý mến, thà chặt một ngón chân của ông đi đổi lấy sự hát đúng như ông muốn, ông cũng đồng ý.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương tự thể hiện bài hát "Cùng một con đò" do ông sáng tác trong show diễn riêng “Trên đỉnh Phù Vân” năm 2016

Đang sáng tác sung sức, thấy sự phi lý của quyền tác giả, tự mua sách Luật về đọc, đọc và thuộc, và vận dụng chính xác vào công việc của cơ quan. Không chấp nhận xuề xòa, dễ dãi, thiếu nguyên tắc nên để xảy ra mất lòng nhiều người...

Con người nghệ sĩ

Ông mời tôi về làm việc cùng ông ở Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC). Ông bảo, ông cần cái tính quyết liệt và chịu đựng của tôi. Anh em quý nhau đến thế, nhưng chỉ dăm tháng là va chạm. Công việc ở đây là một núi khổng lồ, lại còn sức cản phá của những phần tử vị lợi quá lớn, sự quyết liệt và chịu đựng của tôi thành ra có giới hạn, nên tôi khuyên ông lùi bước và bị ông mắng tơi tả. Nhưng, mắng thế thôi, với các anh chị em khác cũng thế, khi ông thấy chúng tôi làm không đúng, nhưng sau ông lại hiền, lại vui lại quên, lại hát. Mà ông hay hát lắm, giọng không như ca sĩ chính hiệu nhưng tuyệt hay vì đúng “tinh thần” bài hát. Những bữa ăn trưa (nhà bếp tập thể) của VCPMC luôn là những giờ vui nhất, ông lúc đó là Phó Đức Phương nhất. Ông khen miếng cá kho ngon, bà nhà bếp nấu khéo, ông đùa với trưởng phòng nhân sự: “ tuyển người vào đây: thông minh sắc sảo là hàng đầu, nhưng trai đẹp gái xinh là cơ bản...”.

Ông bảo, cơ quan- đồng nghiệp phải thương mến, trân trọng nhau như người trong gia đình, coi cơ quan là tài sản chung... Một mùa hè, đúng ngày cơ quan đi Cát Bà nghỉ mát, thì giông gió. Có người bàn lùi, ông bảo: Các cậu kỳ quá, nghệ sĩ là phải tìm cảm xúc ở tất cả mọi chiều kích, mọi tình huống, ai không đi tớ đi một mình... Cơ quan vì thế mà vui, mà làm nên hiệu qủa mà các tổ chức quốc tế tương ứng trên thế giới phải ghi nhận...

Giờ thì tất cả đã trở thành kỷ niệm. Thương tiếc vô cùng, nhưng nếu bạn hát lên: “...Ơi con sông thiết tha, chứa chan chung tình sâu nặng. Sông vỗ về đôi bờ. Thì thầm ngày tháng khôn nguôi...” bạn sẽ thấy ông như nước đang chảy cùng sông, ông như mây đang bay trên đỉnh phù vân, ông như mặt Tây hồ dịu dàng trong tiếng chuông tiếng mõ. Ông đã sống một cuộc đời không tiếc vơi đầy, như sông suối, như trời xanh, một màu xanh huyền thoại...


Nhà văn Trần Thị Trường
Ý kiến của bạn