Tiềm năng của dòng hội họa chất liệu

09-08-2012 17:28 | Văn hóa – Giải trí

Phong tỏa bởi sự phát triển ồ ạt của các trường phái du nhập từ nước ngoài, chưa bao giờ những chất liệu hội họa từ thiên nhiên lại có giá trị như bây giờ.

(SKDS) - Phong tỏa bởi sự phát triển ồ ạt của các trường phái du nhập từ nước ngoài, chưa bao giờ những chất liệu hội họa từ thiên nhiên lại có giá trị như bây giờ. Thông qua những chất liệu kết tinh từ văn hóa, đời sống dân tộc, nền du lịch, nông nghiệp, thời trang của Việt Nam cũng đồng thời được hội họa đưa lên một tầm cao mới.

Chất liệu phong phú

Việt Nam có đầy đủ tố chất để phát triển một nền hội họa chất liệu phong phú, đa dạng. Cộng với sự phát triển của tư duy sáng tạo, ngày nay, những chất liệu như sơn mài, gạo, cát, lụa, giấy dó, gáo dừa... - những “đặc sản” có một không hai ở Việt Nam đã trở thành nguồn cảm hứng dồi dào trong sáng tạo hội họa. Nhiều họa sĩ trẻ đã có những thành công đầu tiên nhờ biết tận dụng những chất liệu dân dã, dễ tìm và sưu tầm trong đời sống để làm nên những bộ sưu tập tranh có giá trị. Đã qua rồi cái thời tranh vẽ chỉ chung thủy với màu nước, với cọ vẽ, toan. Chúng ta có thể tạo nên sự khác biệt chính là nhờ những tìm tòi mới lạ trong cách thể hiện và lưu giữ ý tưởng sáng tạo.

 Tranh gạo.

Có thể thấy ở mỗi vùng miền của đất nước đều xuất hiện những trường phái hội họa từ chất liệu đặc trưng. Ở đồng bằng sông Hồng là tranh sơn mài, vẽ trên giấy dó, tranh lụa; Ở các vùng biển Nha Trang, Ninh Thuận, Đà Nẵng, Bình Định là tranh cát; Và tranh gạo như một minh chứng rõ ràng nhất về nền văn minh lúa nước lâu đời của dân tộc, đã xuất hiện tại nhiều tỉnh thành và trở thành niềm đam mê của nhiều họa sĩ.

Gần đây, những người trẻ có niềm đam mê hội họa có một cách sáng tạo vô cùng độc đáo. Từ những chất liệu tự nhiên trong đời sống thôn dã như vỏ trứng, rễ cây, nhánh cây khô, vỏ cây, rơm, cỏ khô, sỏi, mùn cưa, vải, cói, đay, đá, sợi len, xác bèo khô, vỏ ốc..., những bức tranh đã tượng hình một cách rõ rệt và đẹp đẽ trong mắt người thưởng lãm. Ourway có lẽ là nhóm làm tranh chất liệu nổi bật nhất hiện nay. Họ đã mang đến cho người yêu thích hội họa những khung cảnh nông thôn miền núi, phố phường Hà Nội, dân gian, phong thủy... chân thực đến tuyệt vời bằng sự khéo léo trong tạo hình và nhất là lựa chọn chất liệu.

Giá trị nghệ thuật cần đặt cao hơn cả

Một điều dễ nhận thấy hiện nay là mặc dù được đánh giá cao về sự tìm tòi cũng như công sức, tranh chất liệu đời thường lại chỉ được biết đến nhiều về giá trị tiêu dùng, thị trường. Thay vì mang những bức tranh chất liệu đến những chương trình mang hơi thở quốc tế, từ thiện, người ta thường chọn tranh vẽ các người đẹp. Chỉ đến gần đây, tranh từ các chất liệu dân dã mới dần được giới thiệu ra nước ngoài cũng như được nhiều người mê tranh trong nước tìm đến.

Không phải đất nước nào cũng có được may mắn sở hữu những chất liệu thiên nhiên kỳ diệu như nước ta. Tuy nhiên, có lẽ việc đầu tư để thực hiện những tác phẩm lớn cũng như bảo quản tranh chất liệu tự nhiên có phần khó khăn hơn cả nên chúng ta vẫn chưa thể tạo dựng được dòng tranh chất liệu quy mô, đẳng cấp. Những ý tưởng hội họa chất liệu ra đời và phát triển một cách tự phát không thể kham nổi thêm được phận sự quảng bá giá trị nghệ thuật, mặc dù tính nghệ thuật trong tranh chất liệu Việt không thua kém gì các dòng tranh khác.

Bên cạnh những giá trị về kinh doanh, môi trường, để nâng cao giá trị nghệ thuật của tranh chất liệu, nhiệm vụ hàng đầu thuộc về những người trực tiếp sáng tạo. Thay vì chỉ lo khai thác lợi nhuận, những người làm tranh chất liệu cần rèn giũa thêm tư duy trân trọng giá trị tự thân của dòng tranh mình theo đuổi. Hiện tại, chúng ta đã có được một số phòng tranh chất liệu khá quy mô. Tạo hình hiện đại kết hợp với chất liệu dân gian đưa tranh Việt trở về con đường hướng nội mà từ lâu tưởng đã lạc lối trong mê trận của mỹ thuật, hội họa đương đại. Đây là một tín hiệu đáng mừng đánh dấu sự phát triển của dòng tranh chất liệu vốn được đánh giá là thế mạnh của hội họa Việt trong thời gian tới.            

Thành Vinh


Ý kiến của bạn