Viêm cơ nhiễm khuẩn là tổn thương viêm hoặc áp-xe cơ vân do vi khuẩn gây nên. Việc điều trị cần ứng dụng các loại thuốc kháng sinh có hiệu lực với loại vi khuẩn gây bệnh hoặc tốt nhất là lựa chọn thuốc kháng sinh theo kháng sinh đồ.
Tìm hiểu về bệnh viêm cơ nhiễm khuẩn
Nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn, thường gặp là tụ cầu vàng và các loại vi khuẩn khác như liên cầu, lậu cầu, phế cầu, não mô cầu.
Burkholderia pseudomallei, vi khuẩn gram âm và các vi khuẩn kỵ khí khác.
Triệu chứng bệnh: có thể gặp viêm cơ ở bất kỳ vị trí nào, thường ở một cơ, nhưng ở người bị suy giảm miễn dịch có thể tổn thương ở nhiều cơ.
Lọc bỏ tổ chức hoại tử trước khi điều trị . Ảnh: TM
Viêm cơ thắt lưng chậu thường xảy ra sau các nhiễm khuẩn đường tiết niệu sinh dục hoặc phẫu thuật ở vùng bụng, do vi trùng lao hoặc do vi trùng sinh mủ. Bệnh nhân đau ở vùng hạ sườn, không duỗi được chân bên có cơ bị viêm. Lúc đầu có sưng cơ, ấn chắc, có thể đỏ hoặc đau nhẹ. Sau 2-4 tuần, cơ sưng tấy đỏ rất đau, bùng nhùng khi ấn, chọc hút ra mủ. Có thể xuất hiện các biến chứng như áp-xe xa, sốc nhiễm khuẩn... Hội chứng nhiễm khuẩn rõ: sốt cao 39- 400C, sốt liên tục, dao động; người gầy sút, mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn. Chọc hút ổ mủ, lấy mủ xét nghiệm thấy nhiều bạch cầu đa nhân trung tính thoái hóa (tế bào mủ). Soi tươi, nhuộm gram, nuôi cấy, phân lập được vi khuẩn. Siêu âm cơ: Có thể thấy các hình ảnh cơ tăng thể tích, mất cấu trúc sợi, các ổ có cấu trúc siêu âm hỗn hợp, áp-xe cơ.
Các yếu tố nguy có gây viêm hoặc áp-xe cơ là: viêm cơ nhiễm khuẩn hay gặp ở bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch. Đó là các bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường, điều trị corticoid kéo dài, những người suy kiệt do mắc bệnh mạn tính... Các tổn thương da như chấn thương, vết thương hở hay mụn nhọt ngoài da. Chính người bệnh thường chủ quan, ít chú ý đến những mụn nhọt, vết thương nhỏ trên cơ thể, mặc dù đây lại chính là đường mà vi khuẩn xâm nhập cơ thể để gây viêm cơ. Khi bị mụn nhọt, nhiều bệnh nhân nặn mủ ở giai đoạn sớm hoặc trong quá trình chích nặn không đảm bảo vô khuẩn và không chăm sóc vết thương tốt. Khi thực hiện các thủ thuật y tế không bảo đảm vô khuẩn như tiêm chích, châm cứu, phẫu thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập của vi khuẩn vào cơ thể người bệnh.
Ứng dụng các thuốc để điều trị hiệu quả
Nguyên tắc điều trị là phải dùng kháng sinh sớm (ngay sau khi làm các xét nghiệm vi sinh), dùng liều cao, đường tĩnh mạch, sau có thể chuyển sang đường uống. Thời gian điều trị kháng sinh đủ từ 4-6 tuần. Tốt nhất là dùng kháng sinh dựa theo kháng sinh đồ.
Khi chưa có kết quả vi sinh, lựa chọn kháng sinh theo kinh nghiệm dựa trên bệnh cảnh lâm sàng: loại kháng sinh sử dụng đầu tiên nên hướng tới tụ cầu vàng. Nếu nghi ngờ tụ cầu vàng kháng methicilin thì xem xét sử dụng vancomycin. Đối với cơ địa suy giảm miễn dịch, nên sử dụng kháng sinh phổ rộng có tác dụng với trực khuẩn gram âm và vi khuẩn kỵ khí, chẳng hạn dùng vancomycin và một kháng sinh nhóm carbapenem hoặc piperacilin-tazobactam. Đối với vi khuẩn kỵ khí có thể dùng clindamycin. Kết hợp chọc hút dẫn lưu mủ hoặc phẫu thuật dẫn lưu ổ mủ. Dùng thuốc điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng, chống sốc nhiễm khuẩn (nếu có).
Điều trị cụ thể: khi chưa có kết quả cấy máu hay dịch, dùng ngay kháng sinh oxacilin hoặc nafcilin đường tĩnh mạch hoặc clindamycin. Đối với tụ cầu còn nhạy cảm với methicilin: có thể dùng cefazolin, moxifloxacin. Sau đó chuyển sang: cephalexin hoặc điều trị phối hợp clindamycin, moxifloxacin. Nếu nghi ngờ tụ cầu kháng methicilin thì dùng vancomycin hoặc linezolid. Sau đó chuyển sang dùng linezolid, hoặc minocyclin.
Trường hợp bệnh nhân sốt cao và đau nhiều thì cần dùng thuốc hạ sốt, giảm đau. Cần nâng cao thể trạng cho bệnh nhân. Khi đã hình thành ổ mủ trong cơ thì phải chọc hút dẫn lưu mủ hoặc phẫu thuật để dẫn lưu mủ và lọc bỏ tổ chức hoại tử.
Ngoài ra cần điều trị các biến chứng như viêm khớp, suy thận, sốc nhiễm khuẩn (nếu có).
Biện pháp phòng bệnh
Cần đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn khi làm thủ thuật hoặc tiêm chích. Điều trị tốt các ổ nhiễm khuẩn ban đầu ở da như mụn nhọt, vết loét... Kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, các bệnh tự miễn. Tránh lạm dụng corticoid trong điều trị. Giữ vệ sinh da hàng ngày với việc tắm rửa bằng nước sạch.
BS. Nguyễn Thị Tình