Paracetamol (acetaminophen) là một loại thuốc rất phổ biến, thường được mọi người sử dụng trong các trường hợp hạ sốt, giảm đau. Tuy vậy, nếu sử dụng một cách tùy tiện thì nguy cơ xảy ra các biến chứng hoàn toàn có thể gặp, thậm chí rất nguy hiểm đến tính mạng.
Paracetamol có đặc điểm và tác dụng phụ gì?
Paracetamol có hai đặc điểm cần lưu ý, đó là có nhiều thuốc hoặc nhiều biệt dược dù tên gọi khác nhau (tidol, panadol,...) nhưng có chứa cùng một dược chất là paracetamol. Thứ hai là có nhiều biệt dược không chỉ chứa đơn chất paracetamol mà còn kết hợp với nhiều dược chất khác để tăng hiệu quả điều trị hoặc để dễ uống (viên sủi). Vì vậy, viên sủi cần được lưu ý với những người tăng huyết áp, bởi vì trong đó có chứa chất làm co mạch, gây gia tăng huyết áp; hoặc với thuốc kết hợp với kháng histamin sẽ gây buồn ngủ, rất nguy hiểm khi phải vận hành máy móc, tàu xe.
Chỉ dùng paracetamol khi thật cần thiết.
Paracetamol được xem là loại thuốc tương đối an toàn (nếu dùng đúng liều chỉ định) so với các thuốc cùng nhóm như aspirin. Tuy nhiên, paracetamol lại rất nguy hiểm là gây ngộ độc cho gan khi dùng liều cao, kéo dài. Khi vào cơ thể, paracetamol sẽ được hấp thu vào máu và chuyển hóa qua gan thành nhiều chất, trong đó có một chất rất độc cho gan (có khoảng 4% paracetamol biến thành chất độc cho gan, đó là chất N-acetylbenzoquinonimin). Vì vậy, khi dùng paracetamol liều cao hoặc khi chức năng gan suy giảm thì có thể dẫn đến nhiễm độc gan, hoại tử tế bào gan. Theo đó, khi paracetamol đến gan, gan phải huy động chất glutathion đến trung hòa, nhưng khi paracetamol vượt ngưỡng chịu đựng của gan thì gan không thể huy động đủ lượng glutathion để trung hòa lượng paracetamol thừa đó được, vì vậy, chất độc hại cho gan tăng lên làm nguy hiểm cho gan. Bên cạnh đó cũng được khuyến cáo với phụ nữ mang thai, nếu dùng quá liều paracetamol có thể gây độc cho thai nhi vì thuốc này dễ dàng truyền qua rau thai. Ngoài ra, một số tác giả còn nhận xét rằng, với phụ nữ thường xuyên sử dụng thuốc paracetamol, khi mang thai, có thể mắc bệnh hen suyễn. Ngoài ra, nếu sử dụng paracetamol lâu dài, đặc biệt đối với người cao tuổi thuốc có thể gây mệt mỏi, vì nó làm mất đi phân tử hemoglobin trong tế bào hồng cầu mang ôxy. Cơ quan giám sát thuốc, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra cảnh báo về paracetamol và những nguy hại tiềm ẩn của nó có thể gây phản ứng hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng cho da (hoại tử biểu bì độc hại, có thể bong da, thậm chí tử vong).
Đặc biệt, ngộ độc cấp paracetamol thường xảy ra ở trẻ em, thể hiện khi trẻ dùng quá liều như đau bụng, nôn mửa, mặt xanh tái, khó thở, cần cấp cứu kịp thời nếu không rất nguy hiểm. Đối với người lớn, thường ngộ độc cấp xảy ra ít hơn, chủ yếu ngộ độc trường diễn, đặc biệt đối với người có bệnh gan, nghiện rượu, sốt rét và các dấu hiệu ngộ độc cũng tương tự như ở trẻ em nhưng đôi khi không rõ rệt.
Làm thế nào để sử dụng paracetamol an toàn?
Chị A. kể, có một lần bị sốt cao, đau đầu chị tự ý uống 2 viên panadol 500mg x 2viên/lần thấy giảm sốt, giảm đau đầu. Uống thuốc như vậy trong 3 ngày, mỗi ngày 5-6 lần, bỗng dưng chị A. thấy đau đầu dữ dội, không ngủ được, đau tức vùng bụng, nôn nhiều, hoa mắt chóng mặt, gia đình đưa chị tới Bệnh viện Bạch Mai để khám bệnh. Tại đây, sau khi làm các xét nghiệm về chức năng gan, chị A. được bác sĩ chẩn đoán là viêm gan cấp do paracetamol. Và sau một tuần điều trị tích cực, tình hình sức khỏe của chị A. dần trở về trạng thái ổn định, chức năng gan đã bắt đầu hồi phục (men gan hạ thấp dần về mức an toàn), chị A. thoát hiểm trong gang tấc và may mắn là không để lại di chứng gì trên gan. Nhưng phải 3 tháng sau đó, sức khỏe của chị A. mới hoàn toàn bình phục hẳn, sau khi xác định của bệnh viện. Rõ ràng, chị A. đã dùng liều paracetamol quá cao trong 3 ngày liền (mỗi lần 1g, với 5-6 lần trong một ngày) làm cho gan quá sức chịu đựng không thể trung hòa lượng paracetamol độc hại được.
Qua câu chuyện của chị A., chúng ta cần rút kinh nghiệm trong sử dụng paracetamol. Nếu không sốt trên 38 độ rưỡi, không đau nhức hoặc bị bệnh gan, suy thận thì không dùng paracetamol. Cần hạn chế đến mức tối đa dùng paracetamol. Khi sốt cao, trước hết hãy chườm mát, nếu thấy không giảm nhiệt mới dùng paracetamol. Tuy vậy, không được dùng paracetamol quá 10 ngày ở người lớn và quá 5 ngày ở trẻ em, trừ khi được bác sĩ hướng dẫn. Trong các trường hợp đau đầu, đau răng, đau khớp, đau do ngã, chấn thương... bắt buộc phải uống paracetamol thì phải dùng thuốc cách nhau tối thiểu 4 giờ. Liều dùng cho người lớn không quá 10mg/kg cân nặng và trẻ em không quá 5mg/kg cân nặng cho mỗi lần dùng. Khi dùng thuốc không uống bia, rượu và các loại thuốc có nguy cơ độc hại cho gan (thuốc chữa lao) vì sẽ làm tăng độc tính của paracetamol. Không dùng paracetamol với những người mẫn cảm với thành phần của thuốc.
TTƯT. PGS.TS. Bùi Khắc Hậu