Hà Nội

Thuốc nhuộm vải tan trong nước nguy hiểm thế nào?

23-09-2015 16:01 | Thời sự
google news

Mọi thuốc nhuộm đều ảnh hưởng tới sức khỏe con người nếu thẩm thấu hoặc con người ăn phải, theo các chuyên gia.

Sau trận mưa lớn kéo dài từ đêm, sáng ngày 22/9, người dân khu vực ngõ 87 Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội phát hiện nước ngập trên đường chuyển sang màu xanh bất thường. Theo mô tả của người dân, nước ban đầu màu xanh nhạt rồi chuyển dần sang xanh đậm.

Thuốc nhuộm vải tan trong nước nguy hiểm thế nào?
Dòng nước ngập có màu xanh lục tại ngõ 87 Tam Trinh, Hoàng Mai, HN. Ảnh: VietNamNet.

Chiều cùng ngày, các cơ quan chức năng xác định, “thủ phạm” khiến dòng nước ngập trên đường chuyển màu xanh là hai bao thuốc nhuộm tại kho của một công ty dệt bị hòa vào dòng nước ngập.

Mặc dù khối lượng thuốc nhuộm chỉ chừng 40kg (mỗi bao 20kg), song việc thuốc nhuộm bị hòa vào dòng nước ngập trên phố, nhiều người đã tiếp xúc cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe, theo các chuyên gia.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Dung từng công tác tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, thuốc nhuộm phổ biến nhất hiện nay trong ngành dệt là loại thuốc nhuộm thuộc nhóm Azo.

Hiện nay, có khoảng 4.000 chất màu được ghi nhận trong danh sách. Trong đó, một số các chất màu có khả năng gây ra dị ứng, kích ứng da, dẫn tới các bệnh về da như viêm da dị ứng…

Theo bà Dung, dưới khía cạnh hóa học, các loại màu được chia ra thành nhóm như màu Azo, màu Anthrachinon, màu Metal complex và các nhóm khác. Đối với nhóm Azo, khi thâm nhập vào cơ thể, chúng có thể bị phân hủy trong hệ trao đổi chất của cơ thể và sản sinh ra chất aromatic amine. Đây là chất có thể gây ung thư ở con người.

Còn theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, Đại học Bách khoa Hà Nội tất cả các hóa chất nhuộm đều độc hại với sức khỏe con người trong đó các chất nhuộm vải nếu có khả năng tan trong nước, thẩm thấu vào cơ thể người đều có thể gây ngộ độc trường diễn.

Theo ông Thịnh, trên thế giới, các loại thuốc nhuộm Azo đều được cơ quan y tế cho phép sử dụng với nồng độ khác nhau, phù hợp với cơ thể con người. Tuy nhiên, ở Việt Nam người sản xuất vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể đánh giá người Việt có thể đáp ứng được bao nhiêu hàm lượng chất cấm trong một ngày nên việc nhuộm màu trong công nghiệp không được kiểm soát về nồng độ.

Trong khi đó, trao đổi với VietNamNet, TS Vũ Thường Bồi, thuộc Hội Hóa học Việt Nam thì cho rằng, việc bột màu của thuốc nhuộm bị hòa vào nước như đã xảy ra tại ngõ 87 Tam Trinh không nặng nề lắm. Ông Bồi cho rằng, nếu các hóa chất nhuộm bị hòa vào nước ngập thì có thể ảnh hưởng tới môi trường chứ con người thì không đáng ngại.

 

 


Ý kiến của bạn