Hà Nội

Thực đơn chữa bệnh từ rắn

29-07-2014 15:04 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS -Ở Việt Nam, các nước Đông nam Á và châu Đại dương có tập quán bắt rắn, nuôi rắn. Rắn với nhiều bộ phận được dùng làm thuốc: Thịt rắn, mật rắn, nọc rắn (đặc biệt nọc rắn của họ rắn hổ), xác rắn lột (xà thoái).

Ở Việt Nam, các nước Đông nam Á và châu Đại dương có tập quán bắt rắn, nuôi rắn. Rắn với nhiều bộ phận được dùng làm thuốc: Thịt rắn, mật rắn, nọc rắn (đặc biệt nọc rắn của họ rắn hổ), xác rắn lột (xà thoái).

Y dược học cổ truyền phương Đông dùng thịt, mật và xác rắn lột; Dược học hiện đại dùng nọc rắn để bào chế thuốc với biểu tượng con rắn nhả nọc vào cốc thuốc. Với các loài rắn có nọc độc, nếu cắn người rất dễ gây tử vong, vì vậy cần có biện pháp phòng ngừa và điều trị tích cực, đặc biệt ở những nơi chăn nuôi rắn và ở các vùng đầm hồ sông nước có nhiều rắn độc.

Bộ phận dùng và thành phần hóa học:

  • Thịt rắn (xà nhục): có protein và acid amin, chất mỡ, saponoid
  • Mật rắn (xà đởm): có cholesterin, acid palmitic, a. stearic, a. cholic…
  • Xác rắn lột (xà thoái) có oxyt titan và oxyt kẽm
  • Nọc rắn: chất độc thuộc nhóm zootoxin, protein, albumin, kẽm, Ca, Mg, enzym
  • Rượu rắn

    Rượu rắn

    Theo Đông y, các loại rắn cạn có vị ngọt, mặn, tính ôn, có độc; vào can tỳ.

Xà đởm vị ngọt hơI cay và không đắng; vào phế. Tác dụng giảm ho giảm đau

Xà thoáI vị ngọt mặn, tính bình, hơI tanh; và kinh can. Tác dụng kháng khuẩn, chống viêm giảI độc.

Nọc rắn có tác dụng giảm đau chống viêm, chống hình thành huyết khối nên dùng chữa đau thần kinh, ung thư mà không gây nghiện

Công năng chủ trị: Xà nhục có tác dụng khu phong trừ thấp, trấn kinh, trừ co giật. Dùng cho các trường hợp bại liệt, đau nhức xương khớp, viêm khớp, phong hàn thấp tý, trẻ em sốt cao co giật, lở ngứa, dị ứng, co giật uốn ván.

Liều dùng cách dùng: 1 con rắn; dùng kết hợp với các dược liệu hoặc nấu, hầm, ngâm, ướp.

Kiêng kỵ: Không dùng cho người âm hư hoả vượng, người huyết hư.

Cách dùng rắn làm thuốc:

- Hoạt lạc, giảm đau:

Rượu Rắn Hổ mang: Thịt rắn Hổ mang 6g, quy thân 12g, ngũ gia bì 12g, khương hoạt 12g, thiên ma 12g, tần giao 12g, phòng phong 12g. Ngâm rượu uống hoặc sắc uống. Dùng trong chứng bệnh phong thấp làm trở ngại kinh lạc, khớp xương đau nhức lâu ngày không khỏi. Ngoài ra còn trị phong thấp tê bại.

Rượu rắn: Rắn hổ mang 1 con, rắn cạp nong hay cạp nia 1 con, rắn ráo 1 con, cẩu tích 50g, tiểu hồi 30g, hà thủ ô đỏ 80g, trần bì 30g, kê huyết đằng 120g, ngũ gia bì 80g, thiên niên kiện 80g, đường kính 660g, rượu ethanol 600 4 lít, rượu ethanol 400 vừa đủ 10 lít. Chữa phong tê thấp, đau xương nhức cơ, bán thân bất toại, bàn tay bàn chân đổ mồ hôi. Mỗi lần dùng 15 – 20 ml, uống trước khi đi ngủ.

- Trừ phong, hết kinh giật: Dùng cho trẻ em bị kinh phong, sài uốn ván, co rút gân.

Rắn Hổ mang 63g (ngâm rượu bỏ da và xương), rết 63g (tẩm rượu nướng), rắn đen (ô tiêu xà) ngâm rượu bỏ da và xương. Nghiền chung thành bột. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần uống 8g, chiêu với rượu hâm nóng. Trị sài uốn ván, cổ ưỡn cong, thân thẳng cứng.

Rắn Hổ mang bỏ đầu bỏ đuôi, lòng, ruột, nướng sấy khô. Nghiền thành bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g, chiêu với rượu loãng. Trị trẻ em tê bại (thời kỳ phục hồi sức).

- Tiêu phong, khỏi ngứa:

Cao khu phong: Rắn hổ mang 8g, bạc hà 8g, thiên ma 12g, kinh giới 12g. Nghiền thành bột, trộn đều với rượu và mật, làm thành cao. Chia uống 2 lần trong ngày. Trị phong tê liệt, ngứa khắp người.

Rắn hổ mang 80g, thuyền thoái 80g; nghiền thành bột mịn để riêng. Lấy hy thiêm 20g, ké đầu ngựa 20g; sắc lấy nước và uống với 4g bột thuốc trên. Uống liền trong 2 tuần lễ. Trị ngứa vàng da.

- Người ta nghiên cứu nọc rắn để bào chế thuốc có tác dụng giảm đau kéo dài: kem bôi tại chỗ (Vipratox- Đức, Viprosalum – Nga, Najatox – Việt Nam) chữa thấp khớp, viêm cơ, viêm dây thần kinh…; dạng thuốc tiêm (Viperalgin – Tiệp khắc) tác dụng giảm đau, nhất là đau do ung thư.

- Mật rắn được dùng làm thuốc trị ho do phong, đau lưng, nhức đầu kinh niên. Thuốc “Tam xà đởm” gồm mật của rắn hổ mang, rắn cạp nong hoặc cạp nia, rắn ráo, trần bì và 1 số dược liệu khác; chữa ho, đau bụng, tiêu chảy do phong hàn. Thuốc cũng có tác dụng với người viêm đa khớp, đau nhiều về mùa rét, đau có sốt nhẹ

- Xác rắn đốt thành tro, trộn với dầu rán củ ráy dại và nghệ vàng, chữa phụ nữ bị nứt đầu vú, chữa mụn nhọt.

Món ăn bài thuốc từ con rắn

- Thịt rắn nướng: Thịt rắn hổ (Bạch hoa xà nhục) đã lột da bỏ ruột thái lát để sẵn. Chảo đất nung đặt trên bếp tro nóng đỏ, vẩy ít nước dấm, cho thịt rắn vào nướng, đậy kín, đảo các lát thịt 3 – 5 lần cho chín. Chấm với nước chấm và gia vị khi ăn. Dùng cho các trường hợp bại liệt, lở ngứa nổi ban dị ứng.

- Chả rắn xương sông lá lốt: Rắn 1 - 2 con. Lột da bỏ ruột, băm nhỏ với xương sông, lá lốt, thêm muối mắm gia vị, nặn thành viên, rán chín. Dùng cho các trường hợp đau nhức xương khớp, lở ngứa, ban chấn dị ứng. Tuần ăn 2 - 3 lần.

- Cháo rắn: Rắn 1 con, gạo tẻ 150g. Lột da bỏ ruột, chặt bỏ đầu, chặt thành đoạn, nấu với gạo tẻ thành cháo, thêm gia vị, rau thơm, tiêu ớt. Dùng cho các trường hợp bại liệt, đau nhức chi thể, kinh giật, lở ngứa. Tuần ăn 1 - 2 lần.

- Thịt rắn hầm rễ tiêu: Thịt rắn 250g, rễ cây hạt tiêu 50g, Rắn bỏ đầu ruột, làm sạch chặt miếng; rễ cây hạt tiêu rửa sạch cắt đoạn, thêm gừng, hành, dấm, gia vị, nước lượng thích hợp. Đun to lửa cho sôi, đun nhỏ lửa cho chín nhừ. Chia ăn 2 - 3 lần trong ngày. Dùng cho các trường hợp viêm sưng khớp, lở ngứa, bại liệt.

TS. Nguyễn Đức Quang

 

 


Ý kiến của bạn