ThS.BS Lê Thị Hải tư vấn chế độ ăn cho người viêm tụy do rượu

TTƯT.ThS.BS. Lê Thị Hải

TTƯT.ThS.BS. Lê Thị Hải

Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Nhi khoa

14-02-2017 10:10 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Dịp Tết, gia tăng bệnh nhân bị các bệnh lý liên quan đến rượu bia, trong đó có bệnh viêm tụy. Theo các bác sĩ, viêm tụy cấp do rượu chiếm tới 70% số ca nhập viện...

Dịp Tết, gia tăng bệnh nhân bị các bệnh lý liên quan đến rượu bia, trong đó có bệnh viêm tụy. Theo các bác sĩ, viêm tụy cấp do rượu chiếm tới 70% số ca nhập viện. Nếu không được điều trị sớm, ở mức độ nặng, bệnh diễn biến phức tạp, nhiều biến chứng, tỉ lệ tử vong cao 20-50%, trong bệnh cảnh suy đa tạng, nhiễm trùng thứ phát.

Theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân gây viêm tụy cấp, nhưng đáng kể nhất là do người bệnh dùng nhiều rượu bia trong thời gian dài. Một nguyên nhân cũng đang có xu hướng tăng là do bị rối loạn mỡ máu, tăng Triglyceride trong máu. Do vậy, cách để phòng ngừa viêm tụy cấp hữu hiệu là hạn chế bia rượu.

ThS. Lê Thị HảiThS.BS Lê Thị Hải.

Theo ThS.BS Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Khám, tư vấn Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, với những người viêm tụy cấp thì chế độ ăn uống rất quan trọng. Những người bị bệnh này trong 3, 4 ngày đầu hoặc thậm chí hàng tuần liền vẫn bị đau hoặc bị men tụy tăng cao, thì phải nhịn ăn hoàn toàn, chỉ nuôi cơ thể bằng cách truyền dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch. Sau khi bệnh nhân đỡ dần dần rồi thì mời được ăn trở lại, ăn rất nhẹ như hút nước cháo, chỉ có chất gluxit thôi, không có chất đạm, chất béo. Sau đó, mới tăng dần khẩu lượng thức ăn lên, chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày.

“Uống rượu là một trong những nguyên nhân gây viêm tụy, do đó, việc đầu tiên đối với các bệnh nhân viêm tụy là cần phải bỏ rượu. Chế độ ăn cần hạn chế chất đạm và chất béo. Bởi tụy là tuyến tiêu hóa vừa là nội tiết vừa là ngoại tiết, tuyến ngoại tiết là tiết ra men tiêu hóa để tiêu hóa chất béo, tuyến nội tiết là tuyến tiết ra insulin để tiêu hóa đường. Khi ăn quá nhiều chất đạm và chất béo, tuyến tụy sẽ phải làm việc nhiều lên, để tiết ra các chất tiêu hóa chất đạm và chất béo, làm cho tình trạng bệnh của tuyến tụy càng nặng hơn lên”- ThS. Hải lý giải.

Do đó, chế độ ăn dành cho bệnh nhân viêm tụy là đầu tiên phải bỏ rượu, giảm chất đạm, chất béo, chỉ ăn các chất này ở mức vừa phải, nên ăn các thức ăn lỏng, mềm như cháo, súp rau, súp khoai tây.... Không nên ăn no quá, nên chia nhỏ các bữa ăn thành 4-5 bữa ăn/ngày, tăng cường rau xanh, hoa quả tươi...

viêm tụy do rượuẢnh minh họa.

Nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, phòng chống những nguy cơ bệnh tật và tai nạn nguy hiểm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không lạm dụng rượu bia, tức là không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. Đồng thời không để cho trẻ em và vị thành niên uống rượu bia.

Nên cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống. Nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với nước lọc. Phải uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng. Tuyệt đối không điều khiển phương tiện cơ giới sau khi uống rượu bia. Sau khi uống, không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn (dễ bị ngã, va chạm, chấn thương…).

Triệu chứng của viêm tuỵ cấp xảy ra hết sức cấp tính, đột ngột và diễn biến phức tạp, có thể có các dấu hiệu ngoại khoa xen lẫn, đặc biệt là trong viêm tụy cấp thể hoại tử. Bệnh nhân có biểu hiện đau bụng xuất hiện gần như 100% các trường hợp. Điển hình là cơn đau bụng xuất hiện đột ngột, dữ dội, ở vùng trên rốn, lan lên ngực, sang hai bên mạng sườn, xiên sau lưng. Đau dữ dội nhất sau vài giờ và kéo dài nhiều giờ, nhất là ở người béo sau bữa ăn nhiều rượu, thịt, song có khi khởi phát tự nhiên. Nôn xuất hiện cùng với đau, xảy ra ở khoảng 70 – 80% các trường hợp, sau nôn đau vẫn không thuyên giảm. Bí trung đại tiện do tình trạng liệt ruột cơ năng, các biểu hiện này rất dễ nhầm lẫn với các bệnh liên quan đến tiêu hóa và bệnh nhân thường nhập viện muộn, nguy cơ tử vong cao…

D.Hải
Ý kiến của bạn