Hà Nội

Thoái hóa khớp gối và những tiến bộ trong phẫu thuật thay khớp

07-12-2017 20:50 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Thoái hóa gối là bệnh lý phổ biến và là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật ở người cao tuổi.

Thoái hóa gối là bệnh lý phổ biến và là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật ở người cao tuổi. Trong những đợt cấp của bệnh, có thể điều trị nội khoa và vật lý trị liệu. Tuy nhiên theo thời gian, nhiều bệnh nhân không còn hiệu quả thì phải sử dụng đến phẫu thuật.

Khi đó, rất nhiều bệnh nhân lo sợ phẫu thuật có thể tình trạng sẽ tồi tệ hơn cả ban đầu. Bệnh nhân thường hay lo sợ mình không thể đi lại được hoặc thời gian phục hồi sẽ kéo dài và thường phải chịu đau đớn nhiều sau phẫu thuật. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ vấn đề trên.

Theo thống kê tại Mỹ, có khoảng 13% dân số trên 60 tuổi có các triệu chứng của thoái hóa khớp gối. Tỉ lệ bệnh nhân thoái hóa khớp gối ngày càng tăng cùng với độ tăng của tuổi thọ, tỷ lệ người tăng cân và béo phì nói chung. Trên thế giới, phẫu thuật thay khớp gối toàn phần đã được tiến hành từ những năm 1970 và đã đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho những bệnh nhân thoái hóa khớp gối nặng. Có nhiều loại khớp gối nhân tạo khác nhau và chất lượng của từng loại khớp được đánh giá bởi sự cải thiện về chức năng, nguy cơ về biến chứng, nguy cơ thay lại (tức là sự tồn tại của khớp gối nhân tạo) trong các thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu hồi cứu và tiến cứu. Ngoài ra, nhiều thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và ngoài cơ thể đã được thực hiện để đánh giá hiệu quả của các thiết kế khớp nhân tạo, cấu trúc bề mặt, phương pháp cố định khớp, sự tác động và độ hữu dụng của các dụng cụ hỗ trợ trong phẫu thuật.

thoái hóa khớp gối

Đau khớp gối trong bệnh lý thoái hóa khớp gối

Nhắc đến thoái hóa khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp chi dưới như khớp gối và khớp háng, các thầy thuốc thường nhắc đến triệu chứng đau rất đặc trưng là đau cơ học, nghĩa là đau khi khớp bị tỳ đè, đi lại. Lý do của kiểu đau đặc trưng này liên quan đến tình trạng mất sụn mặt khớp của bệnh lý thoái hóa khớp. Đây là nguyên nhân chính gây đau, tuy nhiên, bên cạnh đó, còn có thể có một số nguyên nhân khác gây đau và là lý do gây phiền toái chính cho bệnh nhân.

Do tình trạng mất sụn xảy ra nặng nề nhất ở vùng tiếp xúc của khớp khi bệnh nhân duỗi thẳng chân nên bệnh nhân có xu hướng hơi co gối khi đi lại để cho vị trí tiếp xúc của hai mặt khớp vào vùng sụn không tổn thương hoặc ít tổn thương hơn. Lâu dần, hệ thống dây chằng và bao khớp sẽ bị co rút làm cho bệnh nhân không duỗi thẳng chân được nữa. Đồng thời với tư thế hơi co gối, các gân cơ xung quanh luôn luôn trong tình trạng co rút, tăng trương lực, lâu dần sẽ dẫn đến phản ứng viêm không đặc hiệu của gân tại điểm bám vào xương và các bao hoạt dịch của gân ở xung quanh. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng đau do viêm. Đau do viêm sẽ gây phiền toái cho bệnh nhân cả khi nghỉ ngơi, những trường hợp nặng có thể sẽ đau về đêm và gây mất ngủ cho bệnh nhân. Khi đi lại, đau do viêm cũng sẽ biểu hiện nặng nề hơn.

Xác định kiểu đau, mức độ đau của bệnh nhân thoái hóa khớp gối đóng vai trò quan trọng trong chỉ định điều trị trong đó kiểm soát triệu chứng đau do viêm đóng vai trò quan trọng giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống của mình. Kiểm soát tình trạng đau do viêm này có thể lựa chọn nhiều biện pháp như: dùng thuốc uống, thuốc tiêm, nội soi, vật lý trị liệu…

Một điều quan trọng nữa là chỉ định phẫu thuật thay khớp gối được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố trong đó yếu tố cơ bản là mức độ phiền toái của bệnh nhân mà chủ yếu là triệu chứng đau. Kiểm soát tốt tình trạng đau do viêm đóng vai trò quan trọng, kết hợp với các điều trị dinh dưỡng sụn khớp và các biện pháp dự phòng thoái hóa khớp khác giúp cải thiện mức độ phiền toái cho bệnh nhân và kéo dài tuổi thọ của khớp trước khi phải cân nhắc phẫu thuật thay khớp gối.

Khi nào cần phẫu thuật?

Phẫu thuật thay khớp gối được chỉ định cho các tổn thương cấu trúc giải phẫu khớp gối không hồi phục. Thường gặp nhất là sau bệnh lý thoái hóa khớp nguyên phát (do tuổi già) và thoái hóa khớp thứ phát (sau các bệnh lý khớp khác như: viêm khớp dạng thấp). Phẫu thuật thay khớp gối cũng như tất cả các phẫu thuật thay khớp khác, có thể hiểu một cách đơn giản là thay thế phần mặt khớp đã bị tổn thương bằng vật liệu nhân tạo. Thay thế phần khớp tổn thương bằng vật liệu nhân tạo sẽ giải quyết được hai vấn đề chính là: cải thiện tình trạng đau và biến dạng chi, từ đó giúp cho việc đi lại của bệnh nhân được dễ dàng.


Navigation - robot trong kỹ thuật thay khớp gối

Với sự hỗ trợ của Navigation - robot trong kỹ thuật thay khớp gối thì việc tính toán và đo lường các thông số được dễ dàng và có thể lượng hoá được do đó giúp cho phẫu thuật đạt độ chính xác cao hơn.

Hỗ trợ định vị Navigation tăng độ chính xác của phẫu thuật

Thay khớp gối là phẫu thuật đòi hỏi độ chính xác cao trong chấn thương chỉnh hình. Mức độ chính xác của phẫu thuật phải tính từng độ mà các dụng cụ trợ giúp phẫu thuật và việc căn chỉnh bằng tay đòi hỏi rất nhiều vào kinh nghiệm của phẫu thuật viên. Với sự hỗ trợ của Navigation - robot trong kỹ thuật thay khớp gối thì việc tính toán và đo lường các thông số được dễ dàng và có thể lượng hóa được do đó giúp cho phẫu thuật đạt độ chính xác cao hơn. Việc triển khai Navigation hỗ trợ cho phẫu thuật thay khớp gối giúp cho hiệu quả phẫu thuật cao hơn góp phần nâng cao chất lượng điều trị của bệnh lý thoái hoá khớp gối.

Trong phẫu thuật thay khớp gối toàn phần, mục tiêu của các phẫu thuật viên là khôi phục trục cơ học sinh lý của chi dưới. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trục cơ học của khớp gối được khôi phục giúp làm giảm nguy cơ mòn và lỏng khớp nhân tạo, tối ưu hóa rãnh trượt của xương bánh chè lên lồi cầu đùi, cải thiện biên độ và chức năng vận động của khớp gối. Việc sử dụng định vị bằng máy vi tính trong phẫu thuật thay khớp gối giúp cải thiện hơn nữa sự chính xác của phẫu thuật này.


PGS.TS. TRẦN TRUNG DŨNG
Ý kiến của bạn