Thiếu vitamin cũng gây đau đầu

11-08-2018 07:24 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Tôi 32 tuổi, bị đau nửa đầu Migraine và bác sĩ cho dùng thuốc điều trị, nhưng chỉ đỡ được một thời gian.

Tôi 32 tuổi, bị đau nửa đầu Migraine và bác sĩ cho dùng thuốc điều trị, nhưng chỉ đỡ được một thời gian. Gần đây tôi được chỉ định bổ sung hai loại vitamin D và vitamin nhóm B thì thấy bệnh đỡ hẳn. Xin quý báo giúp tôi hiểu vì sao hai loại vitamin này lại có tác dụng với bệnh đau đầu? Tôi xin cảm ơn!

Hoàng Thị Mùi (Yên Bái)

Đối với người bị đau nửa đầu (Migraine) sẽ có các triệu chứng như: cơn đau dữ dội, có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày, thường xảy ra như một hiện tượng thoáng qua và có sự thay đổi thị giác, nhìn hình ảnh loạng choạng, cảm giác nhìn bị lóa lên, có đốm hoặc vệt lập lòe, đặc biệt khu trú một bên đầu. Hiện tượng này có thể kèm theo nôn, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi... Mặc dù lý do chính gây nên đau nửa đầu chưa được xác định và mỗi người một khác, nhưng các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng một số người đau nửa đầu có nguyên nhân thông thường là do thiếu hụt dưỡng chất, trong đó có sự thiếu hụt vitamin nhóm B và vitamin D. Cho đến nay, các nhà khoa học cũng chưa giải thích được một cách rõ ràng rằng vì sao thiếu hai loại vitamin này lại gây ra những cơn đau nửa đầu, nhưng các nghiên cứu đã cho thấy khi được bổ sung hai loại vitamin này thì các triệu chứng đau của bệnh nhân đã giảm một cách rõ rệt.

Thiếu vitamin cũng gây đau đầu

Đối với vitamin nhóm B như: thiếu vitamin B1, con người trở nên dễ mệt mỏi, kém tập trung, ăn không ngon. Thiếu vitamin B2 làm vết thương chậm lành, thủy tinh thể đục, môi nứt nẻ, da khô, tóc dễ gãy, móng tay chân giòn. Thiếu vitamin B3 sẽ giảm sinh lực, mất ngủ, hay quên, tâm thần căng thẳng, lo âu, tính tình gắt gỏng, nhức đầu, sưng và chảy máu ở nướu răng, viêm ngứa trên da... Thiếu vitamin B6 dẫn đến giảm sinh lực, ăn mất ngon, giảm cân, ngủ mê, buồn rầu, tinh thần dễ bị kích động, cơ co rút và yếu, tê đầu ngón tay, da khô, thiếu hồng cầu, da chung quanh mắt, mũi, miệng trở nên nhờn và đóng vảy. Trẻ em thiếu sinh tố này thường hay lên cơn động kinh, bẳn tính. Thiếu vitamin B12 thì cơ thể yếu đuối, ăn không ngon, da vàng nhợt, khó thở, giảm cân, đi đứng không vững, rối loạn thần kinh, tính tình cáu kỉnh, buồn rầu.

Sự thiếu hụt các vitamin nhóm B đều có ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Trong đó, các nhà khoa học thấy rằng, khi cơ thể thiếu vitamin B9, vitamin B6, vitamin B12, sẽ góp phần gia tăng Migraine và khi được bổ sung đầy đủ thì bệnh thuyên giảm.

Đối với vitamin D: Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Headache, ở những người bị đau đầu có nồng độ vitamin D trong máu rất thấp. Những người này không cải thiện được tình trạng đau đầu sau khi sử dụng các loại thuốc thông thường. Tuy nhiên, khi được bổ sung vitamin D hàng ngày, họ giảm hẳn đau đầu, đau nửa đầu chỉ sau một vài tuần. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học cũng đưa ra kết luận rằng càng sống xa đường xích đạo, thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời càng giảm nên nguy cơ bị thiếu hụt vitamin D cũng tăng lên và tỷ lệ đau đầu, đau nửa đầu và căng nhức đầu của người dân ở những vùng này cũng tăng.

Do vậy, các nhà khoa học kết luận rằng, thiếu hụt vitamin nhóm B và vitamin D góp phần đưa đến bộc phát chứng đau nửa đầu. Để việc bổ sung các vitamin này được hiệu quả, chúng ta cần một giải pháp toàn diện, cần sự tầm soát và tư vấn của các nhà chuyên môn, tránh tự ý dùng thuốc sẽ gây hại.


DS. Bùi Ngọc Lan Hương
Ý kiến của bạn