Chiều nay 22/6, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức cung cấp thông tin về kết quả thực hiện dự án “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn”. Theo đó, TS Phạm Văn Tác- Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế - Giám đốc Dự án “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn” (dự án 585) cho biết, vào ngày 28/6 tới, tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, Bộ Y tế sẽ tổ chức bàn giao 7 bác sỹ trẻ tình nguyện về làm việc tại các cơ sở y tế của các huyện nghèo của 4 tỉnh: Lào Cai, Bắc Kạn, Điện Biên và Sơn La.
“Đây là những bác sỹ đầu tiên của dự án, gồm 1 bác sỹ chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, 1 bác sỹ chuyên ngành ngoại khoa và 5 bác sỹ nhi khoa. Trước đó, những bác sỹ này tôt nghiệp Đại học y loại khá, giỏi và được đào tạo thêm 2 năm, theo phương thức “cầm tay chỉ việc” tại các bệnh viện đầu ngành tuyến trung ương”- TS Phạm Văn Tác nói.
TS Phạm Văn Tác thông báo các kết quả bước đầu của dự án “Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn"
Theo như quy định hiện tại của dự án, thời gian làm việc tại vùng khó khăn là 2 năm đối với 2 bác sỹ nữ và 3 năm đối với 5 bác sỹ nam. Khi tham gia vào dự án này, các bác sĩ trẻ trên đã được tiếp nhận vào các Bệnh viện tuyến TW như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi TW do đó, sau khi hoàn thành nghĩa vụ tại các huyện nghèo, những bác sỹ này vẫn được tiếp nhận làm việc tại các bệnh này…
TS Phạm Văn Tác cũng cho biết thêm, từ khi triển khai dự án (năm 2013) đến nay, Bộ Y tế đã tổ chức được 5 khóa đào với 78 bác sỹ trẻ đáp ứng đủ các yêu cầu của dự án để đào tạo theo hướng “cầm tay chỉ việc”, được các đơn vị y tế tuyển dụng tình nguyện công tác tại 37 huyện nghèo thuộc 13 tỉnh, trong đó 25 bác sỹ tuyển dụng vào 12 bệnh viện tuyến TW để tình nguyện công tác tại 19 huyện thuộc 10 tỉnh và 53 bác sỹ được tuyển dụng tại 30 huyện nghèo của 12 tỉnh được tiếp nhận.
“Chúng tôi đã khảo sát ở 62 huyện nghèo thuộc 20 tỉnh thì họ mong muốn có thêm khoảng 598 bác sĩ. Chẳng hạn như huyện như Xi- ma -cai (Lào Cai) hiện chỉ có 5-6 bác sĩ, trong khi đó tại huyện Hải Hậu của Nam Định có khoảng 140 bác sĩ thì đó là một khoảng cách khá xa giữa miền núi và miền xuôi. Do đó cần có sựu điều phối của nhà nước để người dân ở vùng khó khăn vẫn tiếp cận được các dịch vụ y tế và cố gắng rút ngắn khoảng cách giữa vùng khó khăn và vùng thuận lợi. Đó chính là mục tiêu của Dự án”- TS Phạm Văn Tác nói.
GS. Phạm Minh Thông-Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bác sĩ trẻ được bệnh viện lựa chọn về được đào tạo trong 2 năm với chương trình đào tạo bác sĩ nội trú. Họ được dự các cuộc giao ban hàng ngày, trình bày lâm sàng bằng tiếng Anh, tự xử trí nhiều tình huống dưới sự giám sát của các chuyên gia. Hoàn thành quá trình đào tạo, mới được cử đi vùng cao, vùng xa. Sau 3 năm hoàn thành nhiệm vụ ở huyện nghèo, các bác sĩ sẽ trở về công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, hoặc có thể ở lại Bắc Hà nếu muốn.
Tại Bệnh viện Nhi TW, 5 bác sĩ do tiếp nhận cũng được bố trí học theo chương trình của bác sĩ nội trú. ThS Trịnh Ngọc Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi TTw cho hay, số bác sĩ này được tuyển dụng vào biên chế và được hưởng mọi quyền lợi như các bác sĩ khác. Bệnh viện đã có quyết định đưa 5 bác sĩ này về các huyện nghèo ở Sơn La, Lào Cai, Bắc Kạn… công tác 3 năm, sau đó lại nhận về làm việc tại bệnh viện như kiểu cán bộ đi công tác biệt phái.
Các bác sĩ trẻ này sẽ về các huyện nghèo của 4 tỉnh Điện Biên, Sơn La, Bắc Kạn và Lào Cai từ ngày 28/6
Cũng tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí về dự án, TS Phạm Văn Tác cho biết thêm, việc đào tạo và đưa bác sĩ trẻ về các vùng nghèo, vùng khó khăn sẽ giúp Bộ Y tế không chỉ làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân huyện nghèo, mà còn sử dụng được số sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học y khoa phải làm việc trái nghề hoặc chưa tìm được việc làm, để họ được hoạt động đúng chuyên môn lại có hiệu quả.
Cùng với đội ngũ bác sĩ trẻ, ngành y tế cũng tập trung đầu tư trang thiết bị y tế ở các huyện nghèo, để người dân được hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa bàn với chi phí thấp. Hiện Bệnh viện Bạch Mai đã ủng hộ Bệnh viện huyện Bắc Hà một máy thở, một bộ dụng cụ đại phẫu, giúp đồng bộ trang thiết bị. Bệnh viện Nhi TW và Bệnh viện E đã hỗ trợ Bênh viện huyện Bắc Hà 2 máy chạy thận nhân tạo.
Các huyện nghèo đều hào hứng với việc đưa bác sĩ về địa phương vì sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân địa phương. Tuy nhiên, TS Phạm Văn Tác cũng cho hay, trong quá trình thực hiện dự án, Bộ Y tế cũng gặp một số khó khăn như số bác sỹ đăng ký nhiều nhưng sau khi sàng lọc hồ sơ thì không đủ điều kiện tham gia vì tốt nghiệp trung bình khá, đa số tốt nghiệp bác sỹ ngành Y học dự phòng, một số gia đình không đồng ý cho bác sỹ trẻ tham gia dự án, một số bác sỹ đã quá tuổi hoặc tốt nghiệp các chuyên ngành không thuộc diện đào tạo của dự án.
Hoạt động đào tạo Bác sỹ trẻ tình nguyện theo Đề án 585 là một trong các hoạt động nhận được sự hỗ trợ của Ban quản lý dự án giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế (HPET) do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Trong khuôn khổ dự án, giai đoạn 2016-2020 sẽ có 300 bác sỹ trẻ tình nguyện được Dự án cấp kinh phí đào tạo theo yêu cầu của địa phương. Các bác sỹ sau khi đào tạo sẽ quay lại hỗ trợ công tác khám chữa bệnh cho các vùng khó khăn góp phần nâng cao chất lượng y tế cơ sở và công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu.