Thêm chế tài quản lý và xử lý trốn, chậm đóng BHYT, BHXH, BHTN

03-12-2015 21:10 | Tin nóng y tế

SKĐS - Việc Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và chi phí quản lý 3 loại bảo hiểm này

Việc Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và chi phí quản lý 3 loại bảo hiểm này, trong đó quy định, trường hợp chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 2 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên Cổng Thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Trường hợp lãi suất liên ngân hàng năm trước liền kề không có kỳ hạn 9 tháng thì áp dụng theo mức lãi suất của kỳ hạn liền trước kỳ hạn 9 tháng. Trường hợp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BHTN từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH, BHTN bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Có thể nói, đây là thêm một chế tài thắt chặt việc quản lý và xử lý với việc trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHYT, BHXH, BHTN bởi vì trong những năm gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật về chính sách BHXH, BHYT xảy ra ngày càng phổ biến, gây bất ổn cho Quỹ BHXH, BHYT, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Sự gia tăng nợ BHXH, BHYT đang là vấn đề nhức nhối làm ảnh hưởng lớn đến chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Theo BHXH Việt Nam, nợ BHXH đang tăng cao qua từng năm. Năm 1997 mức nợ đóng BHXH, BHYT của các đơn vị, doanh nghiệp là 307 tỷ đồng, đến năm 2007 số tiền nợ chậm đóng BHXH, BHYT là 1.734 tỷ đồng và đến hết tháng 6/2015, con số này lên tới gần 8.000 tỷ đồng; trong đó nợ BHXH gần 6.000 tỷ đồng, chiếm trên 76% tổng số nợ, còn lại là nợ BHYT và nợ BHTN. Trong 5 năm qua, ngành BHXH đã khởi kiện trên 5.000 vụ nợ BHXH, BHYT, tổng số tiền thu được gần 1.000 tỷ đồng; tuy nhiên tình trạng nợ đóng BHXH, BHYT vẫn đang phổ biến và diễn ra ở nhiều doanh nghiệp và ở tất cả các địa phương.

Tình trạng ngày càng gia tăng nợ BHXH, BHYT như hiện nay nếu không sớm có biện pháp quyết liệt buộc chủ sử dụng lao động nghiêm túc tuân thủ pháp luật về BHXH thì đến năm 2020 sẽ khó đạt được mục tiêu trên 50% số người lao động tham gia BHXH và trên 80% đối tượng tham gia BHYT. Mặc dù để khắc phục tình trạng trên, cơ quan BHXH đã áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi nợ như hòa giải, khởi kiện ra tòa đối với các đơn vị, tổ chức vi phạm; tuy nhiên biện pháp này vẫn chưa hiệu quả. Rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp còn cố tình chây ỳ không thực hiện nghiêm quyết định phán xử của tòa án, dẫn đến các bản án dân sự về vi phạm BHXH, BHYT chưa được thi hành triệt để, gây khó khăn rất lớn cho công tác thu nợ BHXH, BHYT nhiều năm nay.

Để giảm tình trạng nợ BHXH, BHYT, theo các chuyên gia, lãnh đạo ngành BHXH cần tăng cường chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tập trung kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết chế độ BHXH và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, khởi kiện ra tòa đối với các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT. Đặc biệt ngành BHXH cần áp dụng nhiều giải pháp quyết liệt đòi nợ BHXH, BHYT đối với những doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng. Với những đơn vị thu BHXH không thực hiện các thủ tục cần thiết để thu hồi nợ BHXH cũng cần có chế tài xử lý. Đồng thời công khai các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm pháp luật BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng.


Lê Quang
Ý kiến của bạn