Thể thao đổi đời người khiếm thị

14-07-2018 09:05 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Trước ngày lên đường tham gia Paralympic Rio de Janeiro 2016, Wojciech Makowski - thành viên Đội tuyển Bơi lội Ba Lan, ca sĩ nhạc rap ghi âm ca khúc Ngày Thế vận hội. Ca khúc có đoạn: “Mỗi bước nhảy xuống nước là bước nhảy vào tương lai. (…) Không có con đường nào khác. Từ bỏ cuộc đua? Không thể. Bởi nó giống như với đôi mắt của tôi”. Tại cuộc đua đó, kình ngư khiếm thị đoạt Huy chương Bạc (100m bơi ngửa).

Wojciech Makowski sinh năm 1992 ở Kielce, Ba Lan với khuyết tật thị giác nghiêm trọng. Wojciech mù hẳn năm 6 tuổi, cũng may, cậu bé xấu số đã kịp nhận biết mặt chữ, con số, màu sắc và các khối hình. “Vợ tôi buộc phải từ bỏ công việc một nhân viên kế toán để chăm sóc con trai. Nhưng chúng tôi thường xuyên cùng Wojciech đến rạp xem phim và đến sân xem bóng đá. Chúng tôi không muốn đối xử với con theo cách khác thường”, ông Artur Makowski - bố kình ngư bộc bạch.

Không ưu đãi đặc biệt

“Cách thức cha mẹ nuôi dưỡng đảm bảo khoảng 80% thành công của con cái tật nguyền. Người khuyết tật thường rất mẫn cảm, trong khi những người khỏe mạnh thận trọng thái quá khi tiếp xúc với họ. Wojciech không bao giờ thích điều đó”, bà Justyna Kopycinska - cô giáo chủ nhiệm lớp 12, Trường Phổ thông Trung học số III mang tên Norwid ở Kielce của kình ngư nhận định.

“Ngay từ đầu bố mẹ đã dạy em sống tự lập”, bà Dorota Zajac - cô chủ nhiệm Wojciech những năm học Trung học cơ sở hòa nhập nói thêm.

Ông Artur kể, vào dịp nghỉ hè, những năm cuối trung học, Wojciech rất muốn làm thêm để có tiền tiêu vặt. Ông đồng ý, chấp nhận con trai đến phụ việc sửa chữa động cơ tại xưởng của gia đình. “Wojciech được trao quần áo bảo hộ lao động, găng tay, dụng cụ đồ nghề và làm việc y hệt các công nhân khác từ 9 giờ đến 17 giờ, không có gì ưu đãi”, ông bố nghiêm khắc kể.

Wojciech là lớp trưởng tất cả các năm học cả ở trường trung học cơ sở hòa nhập cũng như phổ thông trung học. “Thời đó, chúng tôi có nữ học sinh lớp dưới cũng bị mù. Biết chuyện, Wojciech chủ động tìm đến lớp học đó và nhiệt tình giải thích, người khiếm thị cần gì, mọi người nên đối xử với bạn khiếm thị thế nào”, cô giáo Kopycinska nhớ lại.

Kình ngư Wojciech cán đích, đoạt HC Bạc Paralympic Rio de Janeiro 2016.

Kình ngư Wojciech cán đích, đoạt HC Bạc Paralympic Rio de Janeiro 2016.

“Từ bỏ cuộc đua? Không thể”

Wojciech luôn có 2 sở thích: thể thao và nhạc hiphop. Anh chàng hát rap từ nhỏ. “Mỗi khi chúng tôi đón con từ trường về nhà nghỉ hè, con hát suốt chặng đường gần 200 kilômet. Wojciech hát bằng trí nhớ, bởi con không có thói quen ghi chép”, ông bố Artur kể.

Đến nay, nhạc sĩ kiêm ca sĩ nghiệp dư đã xuất bản vài đĩa đơn. “Chúng tôi thường phát những ca khúc của Wojciech trong giờ Giáo dục công dân”, bà Dorota Zajac - giáo viên Trường Trung học cơ sở hòa nhập nhớ lại.

Ông Arur bổ sung: Ca từ các ca khúc của con trai bao giờ cũng mang theo thông điệp nào đó. Con kể về những cảm xúc của bản thân theo cách rất tế nhị và kín đáo. Tôi thích những gì con đã làm.

Trước ngày lên đường tham gia Paralympic Rio de Janeiro 2016, Wojciech ghi âm ca khúc Ngày Thế vận hội có kèm video clip, trong đó giới thiệu hình ảnh đồng hương Kielce - vận động viên điền kinh khuyết tật Aleksander Kossakowski chạy 1.500m.

Ca khúc bắt đầu bằng câu: “Bơi trong dòng nước, tôi thấy tự tin hơn đi trên đường bộ. Mỗi bước nhảy xuống nước là bước nhảy vào tương lai. (…).  Không có con đường nào khác. Từ bỏ cuộc đua? Không thể. Bởi nó giống như với đôi mắt của tôi”.

“Từ tuổi mẫu giáo, con trai đã đam mê thể thao, nhất là giải bóng đá ngoại hạng Anh. Con thuộc lòng kết quả tất cả các trận đấu và số liệu thống kê. Con cũng thích đến sân xem các trận đấu của Korona (CLB bóng đá Kielce). Chúng tôi có nhóm người thân chuyên làm nhiệm vụ tường thuật trực tiếp trận đấu cho Wojciech”, ông bố kình ngư hồn nhiên chia sẻ.

Chính ông Artur - bố Wojciech là người đầu tiên đưa con đến bể bơi ở phố Krakowska. Bản thân ông thời trẻ cũng rất thích bơi lội, đam mê của ông đã “lây” sang con trai lớn Rafal. Bây giờ, đến lượt Wojciech. “Thời gian đầu Wojciech chủ yếu bơi để thư giãn và nâng cao sức khỏe, sau đó đầu quân vào câu lạc bộ bơi chuyên nghiệp dưới sự hướng dẫn của HLV giàu kinh nghiệm Piotr Karpinski, tham gia một số giải thi đấu với các VĐV hoàn toàn khỏe mạnh và giành thắng lợi”, ông Artur nhớ lại.

“Tàn tật hay đồng tính”

Bố mẹ rất ngại cho con xa nhà, theo học đại học. Biết không thể khước từ nguyện vọng chính đáng của con, bố mẹ cho con lựa chọn giữa Đại học Tổng hợp Krakow và Warszawa. Wojciech chọn phương án 2.

Bố Wojciech: “Chúng tôi muốn con chọn Krakow bởi mẹ Wojciech có người thân - những người có thể giúp con trong sinh hoạt ở thành phố này. Nhưng con trai chọn Đại học Tổng hợp Warszawa bởi trường này có điều kiện tốt hơn dành cho sinh viên khuyết tật. Những ngày đầu, tôi giúp con làm quen với môi trường sinh hoạt mới, thí dụ di chuyển bằng metro, bằng xe điện, xe buýt, làm quen ký túc xá… Sau đó con ở lại một mình. Con thực sự hòa nhập vào đại dương lớn”.

Thời gian đầu Wojciech không thể tìm chỗ đứng trong môi trường mới, không có nhiều người quen. Tình hình càng xa lạ khi những năm tháng ở thành phố Kielce quê hương Wojciech luôn sống trong vòng tay bạn bè, cùng bạn đi sàn nhảy disco, đi tiệm ăn pizza hoặc đến các quán bar.

Ở Warszawa, nhiều lúc sinh viên khiếm thị đối mặt không ít tình huống khó chịu. Luôn đi cùng người dẫn đường, vậy nên bị coi như kẻ đồng tính. Wojciech thậm chí đã viết ca khúc Tàn tật hay đồng tính mô tả về nỗi đau này.  “Bạn là người tàn tật, hay là kẻ đồng tính? Tôi là con người, hãy chấm dứt đoán mò!”, ca sĩ rap nghiệp dư ca thán. Có lẽ đó là ca khúc hay nhất của Wojciech. Trong tất cả bài hát của mình, chàng trai chân tình bày tỏ những gì bản thân cảm nhận.

Năm 2011, Wojciech trở thành sinh viên năm thứ nhất chuyên ngành Quản trị, Đại học Tổng hợp Warszawa. Việc học hành suôn sẻ. Năm thứ hai, tôi biết tin sẽ có cuộc thi bơi dành cho sinh viên tất cả các trường đại học trên địa bàn. Tôi nói với con: “Cứ mạnh dạn tham gia, tệ nhất - trắng tay”, ông Artur - bố Wojciech nhớ lại. Kết quả, con xếp vị trí thứ 8, một mình con khiếm thị, tất cả VĐV còn lại đều khỏe mạnh.

Thể thao thay đổi cuộc đời người khuyết tật

Khi ấy, Wojciech may mắn quen biết ông Waldemar Madej - HLV bơi lội CLB Thể thao Hòa nhập thuộc Học viện Thể thao Warszawa (AWF). Madej là chuyên gia danh tiếng, đã 20 năm huấn luyện kình ngư khiếm thị và gặt hái không ít thành công. “Wojciech không có chiều cao và cân nặng lý tưởng để bơi lội, song cậu ấy có cá tính mạnh mẽ, ý chí thi đấu, sự nhẫn nại và đam mê. Ngay lần đầu gặp mặt, tôi đã nói với học trò: Tôi đã nhìn thấy mục tiêu cho cậu. Đó là Paralympic Rio 2016. Nếu cậu quyết tâm, tôi sẽ giúp”, HLV Madej kể.

Nhờ sự can thiệp của HLV, Wojciech được chuyển đến ký túc xá AWF - tòa nhà ngay sát bể bơi. “Chúng tôi tập luyện 2 buổi/ngày, từ 6 - 8 giờ và từ 18 - 20 giờ. Cùng thời gian, các kình ngư xuất sắc nhất Ba Lan, trong đó có Radek Kawecki và Pawel Korzeniowski tập trong đường bơi bên cạnh”, HLV Madej tường thuật. Thời gian ngắn sau đó, Wojciech kết bạn với Korzeniowski. Họ cùng nhau xem các trận bóng, giải Ngoại hạng Anh, đôi lúc chơi bài. Nhiều lần nhà vô địch châu Âu và vô địch thế giới chân thành cho đàn em những chỉ dẫn vô giá.  “Tại trại tập huấn, tôi phát hiện Wojciech không tập kỹ thuật, tôi nói với huấn luyện viên, tôi muốn tập với cậu ấy và uốn nắn từng động tác cơ bản”, Pawel Korzeniowski tường thuật và khen học trò: “Wojciech lĩnh hội rất nhanh chỉ dẫn của tôi. Nhiều lần chúng tôi đề cập đến thực đơn, tôi giải thích, tại sao ăn uống đóng vai trò quan trọng đối với vận động viên bơi lội và cậu ấy lập tức áp dụng”.

“Tấm huy chương này tôi xin gửi tặng tất cả người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung - những người cho rằng bản thân là người vô tích sự. Tôi cũng từng đinh ninh như vậy cho đến khi chưa xuất hiện thể thao. Đam mê thể thao đã thay đổi cuộc đời tôi”, Wojciech Makowski - chàng trai khiếm thị giành HC bạc Paralympic Rio de Janeiro 2016 và Vô địch Bơi lội Người khuyết tật Thế giới, Mexico 2018 (bơi ngửa 100m) chân thành chia sẻ.

Wojciech Makowski - VĐV Câu lạc bộ Thể thao Hòa nhập Học viện Thể thao Warszawa (Ba Lan) giành thành tích quốc tế đầu tiên năm 2013 khi anh giành HC Đồng giải Vô địch châu Âu, 100m bơi tự do. Năm 2015, đoạt HC Đồng 100m bơi ngửa. Năm 2016, đăng quang ngôi Vô địch bộ môn này.

Khi bơi, VĐV khiếm thị phải có 2 HLV chăm sóc với dụng cụ dẫn đường đứng trên 2 bờ bể bơi. “Dụng cụ dẫn đường” giống chiếc cần câu, dài trên 2m, đầu có gắn quả đấm mềm. HLV sẽ đập vào đầu học trò tín hiệu, theo thỏa thuận, thông báo để VĐV biết thời điểm sắp đến bờ bể bơi hoặc đã cán đích.


Vinh Thu
Ý kiến của bạn