Lặng lẽ sau những buổi chiều muộn, người thầy thuốc đứng nhìn đồng nghiệp của mình làm việc trong ca trực mà lòng đầy trăn trở. Đó là Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Tịnh, "thuyền trưởng" của Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, một vị giám đốc chuyên ngành ngoại khoa luôn tiên phong trong những ca phẫu thuật khó. 

Thầm lặng tỏa sáng - Ảnh 1.

Năm 1999, tốt nghiệp Trường đại học Y Dược Thái Nguyên, người thầy thuốc trẻ Lê Văn Tịnh mang trong mình những kiến thức y khoa còn nóng hổi về phục vụ người dân tỉnh nhà. Thay vì đến các bệnh viện lớn làm việc, anh tình nguyện về trạm y tế khám chữa bệnh không lương.

Được tiếp cận với ước mơ của mình khi còn nhỏ, miệt mài khám chữa cho người dân, anh thấy trân trọng con đường mình theo đuổi. Tuy nhiên sau một thời gian làm việc, anh nhận ra rằng có rất nhiều căn bệnh phức tạp mà bản thân anh chưa gặp, kinh nghiệm chưa có đó là điều khó khăn cho anh. 

Anh tự nhủ, muốn giúp được nhiều cho người dân cũng như bản thân có được nhiều kinh nghiệm thì cần phải học hỏi nhiều hơn nữa.

Thầm lặng tỏa sáng - Ảnh 2.

Năm 2003 người thầy thuốc trẻ nhận công tác tại đơn vị mới. Sau khi được phân công vào khoa Ngoại tổng hợp của Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, nhờ nghiêm túc học hỏi, làm việc đầy trách nhiệm anh nhanh chóng trở thành bác sĩ phẫu thuật chính của khoa. 

Tại thời điểm đó, bệnh viện tuy mới lên hạng I nhưng cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhiều. Những thử thách, khó khăn được đặt lên vai người thầy thuốc trẻ. Vượt lên hết những khó khăn cùng với sự kiên trì và lòng say mê với nghề đã giúp anh nhanh chóng trở thành bác sĩ ngoại khoa đầu tiên của bệnh viện triển khai thành công nhiều ca phẫu thuật khó như vỡ gan, vỡ lách... 

Trong các ca bệnh khó này có một trường hợp khiến anh nhớ mãi không quên. Buổi tối đó mặc dù không phải ca trực của mình nhưng khi được đồng nghiệp báo có người bệnh là Nguyễn Văn N (29 tuổi) vào viện bị tổn thương tim do bị kéo đâm vào. BS. Tịnh nhanh chóng có mặt tại khoa cùng anh em đồng nghiệp hội chẩn để tiến hành phẫu thuật. 

Với bàn tay nhanh nhẹn và đầy kinh nghiệm, anh nhanh chóng khống chế được vết thương. Tuy nhiên do người bệnh mất máu nhiều khiến cho ca phẫu thuật gặp khó khăn, ca mổ kéo dài hơn so với dự tính, có những lúc tưởng chừng như người bệnh đang kề cận với tử thần. 

Ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Mặc dù vậy anh và đồng nghiệp vẫn không nản lòng, đem tất cả nhiệt huyết của mình để giành giật sự sống cho người bệnh. Ca mổ thành công tốt đẹp, người bệnh trải qua giai đoạn nguy hiểm. Sau nhiều ngày chăm sóc nhiệt tình và theo dõi sát sao của anh và đồng nghiệp, người bệnh khỏe mạnh, ra viện trong niềm vui và cảm xúc nghẹn ngào. 

Trước lúc ra viện anh N chờ bằng được BS Tịnh đi phẫu thuật về để nói lời cảm ơn người đã cứu sống mình. Hành động thiết thực đó khiến anh vô cùng xúc động và là động lực để anh và đồng nghiệp không ngừng nỗ lực cố gắng trong công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Được sự tin tưởng của lãnh đạo bệnh viện, anh được bổ nhiệm là Trưởng khoa Ngoại tổng hợp vào tháng 11/2015.

Dưới sự lãnh đạo của anh, khoa Ngoại đã từng bước trở thành một trong những khoa trọng điểm của bệnh viện, đầu ngành trong tỉnh về triển khai các phẫu thuật chuyên sâu như: cắt dạ dày toàn bộ, cắt đa tạng trong ung thư, cắt khối tá tụy …. 

Sự thành công của anh và các bác sĩ đã thu hút lượng lớn người bệnh ở lại điều trị, giảm tải áp lực cho tuyến trung ương. Cứ mỗi năm khoa thu dung và điều trị khoảng 2.600 người bệnh, phẫu thuật trung bình 1.400 bệnh nhân.

Thầm lặng tỏa sáng - Ảnh 3.

BS Tịnh không chỉ truyền kinh nghiệm mà còn hướng dẫn, dìu dắt nhiệt tình cho các bác sĩ trẻ giúp họ trở nên tự tin trong chuyên môn. Dần đưa các kỹ thuật chuyên sâu trở thành các phẫu thuật thường quy, bên cạnh đó tiếp tục mở ra những bước tiến mới cho ngành phẫu thuật tỉnh nhà với các phẫu thuật nội soi thông thường như: Cắt túi mật, cắt ruột thừa, khâu lỗ thủng ổ loét dạ dày- hành tá tràng, cắt dạ dày, đại tràng…, đáp ứng được một phần nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Thầm lặng tỏa sáng - Ảnh 4.

Không chỉ riêng bệnh viện, anh đi theo Chương trình 1816 về các tuyến huyện chuyển giao công nghệ phẫu thuật mới và chuyên sâu giúp các bệnh viện tuyến huyện phát triển chuyên môn.

Không quản ngại đường xá xa xôi, khó khăn vất vả anh đem nhiệt huyết của mình đi đến các vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Điển hình là ở Bệnh viện huyện Sông Lô, mặc dù trang thiết bị được coi là đầy đủ cho những ca mổ thông thường, nhưng chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa ngoại còn hạn chế. Khi anh giảng dạy mọi người vẫn còn mung lung sợ không thành công. 

Anh đồng hành cùng anh em, thực hiện phương châm "cầm tay chỉ việc" cả ngày lẫn đêm bởi anh tâm niệm rằng: "Có chăm chỉ sẽ có thu hoạch, có đất thì có bóng xanh, có mưa sẽ có nắng. Chỉ cần một người làm việc một cách nghiêm túc, trách nhiệm sẽ thu được thành quả."

Vào một buổi chiều muộn khi anh chuẩn bị trở về thành phố, lúc này có một bà mẹ bế một cháu bé Nguyễn Hồng H., 10 tuổi (Hải Lựu - Sông Lô) hớt hải vào viện: Cháu đau bụng dữ dội, nôn và sốt qua thăm khám anh chẩn đoán cháu bị viêm ruột thừa cấp. Nhanh chóng cùng anh em chuẩn bị phòng mổ sau khi các thủ tục hoàn tất. Anh đứng canh bên các học trò của mình để mọi người tự tin thực hiện ca phẫu thuật. 

Không làm mất đi niềm tin và những giọt mồ hôi đầy căng thẳng của anh. Ca mổ do anh em bác sĩ của bệnh viện huyện thành công tốt đẹp mở đầu cho một bước tiến mới.

Sau những nụ cười của người bệnh là niềm hạnh phúc được hiện lên trên đôi mắt hiền từ của người thầy thuốc. Anh chợt nghĩ, là anh hay đồng nghiệp của mình nếu dành hết tâm huyết cho sự nghiệp y đức thì nhất định sẽ thu về trái ngọt. 

Những ca phẫu thuật thông thường được triển khai thực hiện an toàn tại tuyến huyện mà không phải chuyển về tỉnh. Bác sĩ trẻ tuyến huyện được anh tận tình hướng dẫn xúc động chia sẻ: "BS. Tịnh là người thầy rất có tâm và nhiệt tình anh đã truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho chúng tôi. Anh truyền cho chúng tôi kinh nghiệm cho chúng tôi niềm tin vào chuyên môn của bản thân để phát huy hết khả năng của mình phục vụ người dân".

Sự tận tâm tận lực cùng với thành quả đạt được, năm 2020 anh được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú cho những cống hiến của mình và được bổ nhiệm Phó Giám đốc Bệnh viện.

Thầm lặng tỏa sáng - Ảnh 5.

Dù ở cương vị mới nhưng anh vẫn luôn đồng hành cùng anh em trong công tác chuyên môn đưa những thủ thuật mới để anh em triển khai. Khi dịch COVID-19 diễn ra anh cùng đồng nghiệp thường xuyên bám sát diễn biến tình hình dịch. 

Tham gia công tác điều trị tại các bệnh viện dã chiến cơ sở 1 và 2 với cương vị Giám đốc bệnh viện dã chiến, anh quyết liệt chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Luôn quán triệt tinh thần "Chống dịch như chống giặc", không chủ quan, lơ là. Ngày đêm phối hợp với các chuyên gia hội chẩn trực tuyến đưa ra phương pháp điều trị áp sát tình hình thực tế của người bệnh. Kiểm soát được tình hình diễn biến nặng của người bệnh, giảm tỷ lệ tử vong.

Sau khi xét thấy tình hình người bệnh tại bệnh viện dã chiến ổn định, lãnh đạo điều anh về nhận nhiệm vụ làm Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc tháng 7/2021.

Thầm lặng tỏa sáng - Ảnh 6.

Mang trên vai trọng trách mới, đặc biệt trong thời điểm dịch bùng phát anh nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19. Tiếp tục cử cán bộ tham gia hỗ trợ trạm y tế xã, phường điều trị COVID tại nhà, thực hiện công tác tiểm chủng COVID-19 phủ rộng toàn tỉnh.

Khi tình hình dịch COVID-19 đã được khống chế thì thiên tai lại ập đến. Trong đợt mưa lịch sử 5/2022, với lượng mưa lớn trên diện rộng, kết hợp việc xả lũ tại các hồ đập thượng nguồn nên đã xuất hiện úng lụt trên diện rộng tại thành phố Vĩnh Yên và các huyện lân cận. 

Bệnh viện nằm một trong các vị trí trũng của thành phố, nước lũ đã tràn về làm ngập toàn bộ lối đi trong Bệnh viện. Các khoa, phòng ở vị trí tầng 1 trong Bệnh viện đều ngập. Do vậy Bệnh viện đã tạm thời dừng hoạt động khám điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện. 

Bản thân là người con sinh ra và lớn lên ở vùng quê sông nước thuộc (xã Hồng Phương – Yên Lạc – Vĩnh Phúc), đã từng phải chứng kiến sự giận dữ của thiên nhiên, nỗi khổ của người dân khi ngập lụt nên ngay trong buổi chiều và đêm ngày 24/5, anh cùng đồng nghiệp đội mưa để di chuyển toàn bộ 368 bệnh nhân đến các bệnh viện trong tỉnh, các trung tâm y tế tuyến huyện, người bệnh được vận chuyển đến nơi an toàn. 

Những trận mưa vô tình cứ xối xả đổ xuống làm đầy lên nỗi buồn sâu thẳm của người thuyền trưởng. Không phải là những ánh đèn sáng thường ngày của màn đêm buông xuống khi bệnh viện hoạt động, mà chỉ là ánh sáng lấp lánh của dòng nước hắt lên xuyên qua đó là những giọt sương đêm còn đọng trên lá. 

Người thuyền trưởng lặng thầm đứng nhìn những thuyền viên của mình từ trong ánh mắt của họ anh nhìn thấu được nỗi lo lắng của mỗi người. Khi nước rút bệnh viện trở lại hoạt động an toàn, anh nhẹ nhàng động viên anh em: "Sau cơn mưa, trời lại sáng. Sau giông tố là bầu trời xanh hy vọng." 

Với cương vị là lãnh đạo, anh hiểu rằng phía trước còn nhiều khó khăn vất vả nên mong anh em đồng lòng để anh vững tay chèo. Cùng nhau chèo lái con thuyền y đức không chỉ vững chuyên môn mà cùng đổi mới phong cách phục vụ để hướng tới sự hài lòng của người bệnh.                                                                                                                                              

Thầm lặng tỏa sáng - Ảnh 7.

Sau khi dịch bệnh và thiên tai qua đi anh xây dựng kế hoạch, chủ động định hướng phát triển toàn viện về quy mô và chuyên sâu; vừa đẩy mạnh phát triển chuyên môn kỹ thuật, vừa có chiến lược đào tạo phát triển nguồn nhân lực theo tiến trình ngắn, trung và dài hạn. Triển khai được nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu, vượt tuyến.

Thầm lặng tỏa sáng - Ảnh 8.

Hiện nay ngành y tế thời đại 4.0 phải đứng trước rất nhiều khó khăn và thử thách. Là một người lãnh đạo không chỉ vững vàng về chuyên môn mà còn phải giỏi kinh tế. Làm thế nào để anh em có được một cuộc sống được cải thiện hơn, không bị chảy chất xám trong các bệnh viện công là một bài toán kinh tế đặt trên vai của tất cả các lãnh đạo bệnh viện. 

Theo quan điểm của anh, việc phát triển chuyên môn, cải tiến cung cách phục vụ là việc cấp thiết nhất. Song song với nó là sự phát triển về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Mặc dù bệnh viện hiện giờ được xây mới theo phong cách hiện đại và tân tiến nhất 6 tỉnh phía Bắc nhưng vẫn còn thiếu rất nhiều trang thiết bị kỹ thuật cao. 

Nguồn nhân lực còn thiếu thốn, để bệnh viện ngày một phát triển anh luôn mong muốn triển khai được những đề án như: Quản lý sức khỏe cộng đồng, người dân có thể biết được tình trạng sức khỏe của mình qua bệnh án điện tử, quản lý dược, quản lý tài chính, quản lý về nhân lực theo đúng chuyên ngành vị trí… tạo thành một hệ thống module về quản lý. 

Một con thuyền phải đủ mạnh mới có thể vượt sóng ra khơi. Một bệnh viện muốn đạt được tiêu chuẩn ISO phải có nền tảng và những yếu tố trên mới cấu thành được. Và điều quan trọng làm cho anh lúc nào cũng trăn trở, ưu tư đó là cải thiện đời sống của anh em. Không phải lo lắng về kinh tế anh em sẽ có nhiều thời gian nâng cao trình độ chuyên môn có như vậy mới cải thiện được chất lượng điều trị.

Tuổi thanh xuân của người thầy thuốc là những cống hiến cho ngành y đức. Giống như một câu nói: "thiên tài và đức hạnh giống như viên kim cương, đẹp nhất là lồng trong một chiếc khung giản dị".

Ý kiến của bạn