Tế bào miễn dịch bảo vệ chống lại nhiễm trùng như thế nào?

26-05-2016 17:14 | Thông tin dược học

SKĐS - Các nhà khoa học của ĐH Bristol ở Anh đã xác định được cách tế bào miễn dịch kích hoạt các phản ứng viêm trong một phát hiện được cho là mở đường cho những phương pháp điều trị bệnh mới bao gồm cả ung thư.

Các tế bào miễn dịch đóng một vai trò thiết yếu trong việc bảo dưỡng và phục hồi cơ thể. Khi cơ thể bị chấn thương, các tế bào miễn dịch nhanh chóng tạo ra phản ứng viêm để chống lại nhiễm trùng và giúp làm lành các mô bị tổn thương.

Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù phản ứng miễn dịch này là có lợi cho sức khỏe con người, nhiều bệnh (bao gồm xơ vữa động mạch, ung thư và viêm khớp) là do phản ứng miễn dịch quá tích cực gây ra hoặc làm trầm trọng thêm.

Phát hiện chỉ ra rằng các tế bào miễn dịch bị kích hoạt bằng cách ăn các tế bào bên cạnh sắp chết trước khi chúng có thể phản ứng với các vết thương hoặc nhiễm trùng.

Bằng cách này chúng hình thành một trí nhớ phân tử về “bữa ăn”, hình thành hành vi gây viêm. Sau đó việc ăn vào tế bào đang chết này kích hoạt tín hiệu tổn thương qua “đèn chớp” canxi, dẫn tới tăng số lượng thụ thể tổn thương quan trọng trong tế bào miễn dịch.

Hàm lượng cao thụ thể này cho phép tế bào miễn dịch cảm nhận được các tín hiệu tổn thương thu hút chúng tới tổn thương trong viêm. Nếu không có sự truyền tín hiệu này, các tế bào sẽ không nhìn thấy vết thương và nhiễm trùng. Nghiên cứu là một bước ngoặt lớn trên con đường tìm ra những cách mới để điều khiển các tế bào miễn dịch tránh xa khỏi những bộ phận của cơ thể nơi chúng gây tổn thương nhất.

Trong nghiên cứu, các tác giả đã sử dụng ruồi Drosophila, một loại ruồi giấm để nghiên cứu cách mà các đại thực bào – một loại tế bào miễn dịch - được kích hoạt để phản ứng với chấn thương hoặc nhiễm trùng.

Đây là một bước tiến đáng chú ý trong hiểu biết của chúng ta về tập tính của tế bào miễn dịch và đưa chúng ta tiến gần hơn trên con đường tìm ra những liệu pháp điều trị mới để tác động lên tập tính của tế bào miễn dịch ở bệnh nhân.


BS Cẩm Tú
Ý kiến của bạn