Cuộc nói chuyện có những phút ngắt quãng bởi nhiều lần người mẹ nghẹn ngào nhớ về con trai đã mất. Nhưng trong giọng nói chậm buồn, ánh mắt lặng lẽ của bà vẫn có chút gì ánh lên niềm tự hào về con mình, người đã hiến đa tạng để hồi sinh sự sống cho 6 người khác. Với bà, cho đi không phải để mong được đền đáp mà chỉ đơn giản: “Để còn được thấy con mình còn đâu đó quanh đây”.
Cho đi không mong nhận lại
Anh Trần Vũ Minh Quang, người chết não hiến đa tạng cứu sống được 6 người khác.
Cuộc đời bà Mừng là một chuỗi dài vất vả. Bà vốn gốc là người Nam Định, năm 1978, khi 21 tuổi, bà vào quân ngũ và làm y tá quân đội. Năm 1987, bà được phân công làm y tá tại Xí nghiệp chè Lâm Đồng. Cuộc sống vất vả, bà phải xoay xở làm nhiều việc thêm để nuôi 4 con ăn học và tới giờ cũng đã nghỉ hưu. Nỗi đau liên tiếp ập tới với bà. Trước khi con trai mất 7 tháng, chồng bà cũng đột ngột ra đi.
Vẫn đôi mắt ướt đẫm, bà kể về anh Trần Vũ Minh Quang, chủ nhân của trái tim và lá gan đã vượt cuộc hành trình lịch sử dài 2.000km. Anh Quang là con trai đầu của bà, sinh năm 1984 và chưa lập gia đình. “Quang là đứa có nhiều khát vọng và mơ ước. Suốt 3 năm học phổ thông, Quang đi học xa nhà, phải trọ học rồi mỗi cuối tuần lại lóc cóc đạp xe 15km về nhà. Ao ước được ngồi giảng đường đại học, Quang đăng ký thi vào chuyên ngành công nghệ thông tin. Năm đầu chưa thi đậu, muốn được tiếp tục ôn thi tiếp nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, còn 3 em ăn học, bố mẹ đồng lương thấp, Quang phải chuyển hướng đi học nghề. 3 năm học cơ khí, ở nhờ một nhà người em tại Bình Dương rồi ra đi làm, Quang cũng đỡ được gánh nặng kinh tế cho gia đình. Đâu ngờ, tai nạn ập tới khi một ngày đang lao động, Quang ngã từ tầng 3 của tòa nhà xuống đất...”.
Bà Mừng sẽ chẳng bao giờ quên giờ khắc định mệnh ấy. Lúc 2 giờ sáng, nhận được cuộc điện thoại báo con trai hiện đang nằm tại Bệnh viện đa khoa Bình Dương, bà vội vượt mấy trăm cây số trong đêm tới 6 giờ sáng thì đến nơi.
Nhìn con, bà quặn thắt từng khúc ruột. Cầm tay anh Quang nghẹn ngào: “Mẹ và các em đã tới với con rồi đây”, anh Quang dù đã bất động, không nói được gì nhưng bà Mừng nhận thấy ở nơi khóe mắt của con có hai dòng nước mắt.
Chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy, suốt 5 ngày điều trị để giành giật sự sống cho con là 5 ngày dài khủng khiếp trong cuộc đời bà. Ngay trong ngày đầu tiên sau khi chuyển viện, anh Quang được mổ phổi và mổ lá lách. Nhưng sau khi mổ lá lách, anh Quang hôn mê sâu. Và tới ngày thứ 5, bác sĩ thông báo, con mình đã chết não.
Với bà Mừng, tất cả quá đột ngột. Nỗi đau mất con đã dâng ngập tâm trí người mẹ nên khi nhận được lời vận động hiến tạng từ các thầy thuốc, thực lòng phút đầu, bà đã phản đối. Trước giờ, khái niệm hiến tạng hoàn toàn lạ lẫm với bà và gia đình. Suốt cuộc nói chuyện cùng vị bác sĩ, bà Mừng nhớ mãi câu hỏi: Nếu trong gia đình mình có người bị suy thận, không được ghép thận, người đó sẽ nhanh chóng từ giã cõi đời thì gia đình có đồng ý hiến tạng của anh Quang để ghép cho người trong gia đình này không? Câu hỏi khiến bà suy nghĩ nhiều bởi chính bà Mừng cũng chỉ còn một quả thận. Một quả thận đã bị hỏng cách đây vài năm.
Vị bác sĩ còn nói với bà, anh Quang đã chết não nhưng vẫn còn có thể cứu được 5, 6 người khác... Cuộc nói chuyện kết thúc và người bác sĩ đưa cho bà một lá đơn tình nguyện hiến tạng. Hơn 1 ngày suy nghĩ cùng với việc chứng kiến nhiều bệnh nhận tại Bệnh viện Chợ Rẫy đang chết mòn bởi suy thận, suy tim, suy gan. Biết rằng, sau khi chôn cất, lá gan, đôi mắt, trái tim của con mình rồi cũng sẽ sớm phân hủy, tan vào đất, bà Mừng và gia đình đã quyết định trao lại những thứ thiêng liêng nhất để hồi sinh sự sống cho những con người không hề quen biết.
Đôi giác mạc, trái tim, lá gan, hai quả thận của anh Quang giờ đã được sống trong cơ thể của 6 con người nhưng cho tới thời điểm hiện tại, bà Mừng vẫn chưa một lần được gặp mặt những người nhận tạng từ con trai mình bởi điều đó là một sự trao tặng vô giá xuất phát từ lòng nhân hậu. Cho đi không cần nhận lại.
Ngày Bệnh viện Việt Đức làm lễ ra viện cho hai bệnh nhân được ghép tim, gan từ con trai mình, bà Mừng cũng được các bác sĩ thông báo qua điện thoại và lặng lẽ theo dõi hình ảnh những người được mang trong mình một phần cơ thể của con trai. Với bà, đó là một điều an ủi.
“Mẹ Việt Nam anh hùng” giữa thời bình
Liên lạc với bà Mừng, bà cho biết, sức khỏe của bà hiện không tốt. Bệnh bướu cổ từ lâu cộng với bệnh đau dạ dày, một quả thận đã hỏng và một quả còn lại hiện cũng đang có nguy cơ bị sỏi. Nếu sỏi tiến triển, rất có thể bà phải chạy thận nhân tạo. Trong khi đó, luật chỉ quy định trao thẻ bảo hiểm y tế cho người đã hiến tạng sống, còn đối với người chết não hiến đa tạng, gia đình người hiến chỉ được nhận duy nhất tấm kỷ niệm chương.
Thiết nghĩ, dù lòng tốt được cho đi không phải để mong đền đáp nhưng cũng vẫn cần có sự tri ân đúng mực. Những bà mẹ như bà Mừng chính là “bà mẹ Việt Nam anh hùng thời bình”. Bởi nếu không có sự đồng lòng tự nguyện của bà và gia đình thì nguồn tạng đó sẽ không được hiến tặng cho bất cứ ai và đồng nghĩa với việc 6 người khác sẽ không được hồi sinh.
Một tấm thẻ bảo hiểm y tế cho bà Mừng để bà chăm sóc sức khỏe đau ốm chắc sẽ không phải là sự đòi hỏi quá lớn. Hơn nữa, nếu đối với những người hiến đa tạng sau khi chết não mà vẫn có con nhỏ, cần một chế độ đãi ngộ hỗ trợ nuôi con người đó tới tuổi trưởng thành như chế độ đãi ngộ với các thương binh, liệt sĩ là điều cần làm. Thực hiện được những điều này sẽ khiến cho những nghĩa cử cao đẹp được tròn vẹn hơn, là nguồn động viên, trân trọng đúng mực đối với những người hiến tạng.
Cho đi những thứ quý giá nhưng tấm lòng của mẹ Mừng không e ngại trước những rào cản xã hội. Hầu như tất cả những gia đình hiến đa tạng do chết não từ trước tới nay đều không muốn công bố việc thiện họ đã làm. Nhưng sự xuất hiện của bà mẹ Mừng trong đêm vinh danh những người hiến tạng “Sẻ chia sự sống” do Bộ Y tế tổ chức như một sự khẳng định niềm tự hào về nghĩa cử cao đẹp - hiến tạng. Bà và gia đình tin chắc rằng, ở một nơi nào đó, anh Quang sẽ vui và hạnh phúc với những gì gia đình đã làm.
Kết thúc cuộc nói chuyện, bà Mừng khiến tôi xúc động bởi, bà nói một câu: Nếu cho suy nghĩ lại một lần nữa, tôi và gia đình vẫn sẽ làm như vậy và tôi cũng đã ký vào tờ đơn đăng ký hiến tạng nếu chẳng may chết não.
Bà Vũ Thị Mừng, hiến đa tạng con để hồi sinh sự sống 6 người khác.
Hiến tạng luôn là việc thiện
Hiến tạng còn là điều mới mẻ với nhiều người. Tại Việt Nam, quan niệm về cái chết toàn thây vẫn còn là một rào cản rất lớn đối với không ít người. Tuy nhiên, theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Trưởng ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hiến tạng chính là kêu gọi con người làm “nội thí” như Bồ Tát đã dạy. Trong quan niệm Đại thừa của phật giáo, người tu hành theo Bồ Tát lấy việc bố thí làm đầu. Bố thí chia làm 2 phần: nội thí và ngoại thí. Nội thí tức là đem cho những cái người ta cần trong cơ thể mình. Còn ngoại thí là đem cho những cái người ta cần ngoài cơ thể mình. Hiện nay, y học kêu gọi hiến xác, hiến nội tạng, hiến máu chính là kêu gọi con người hãy làm phần nội thí và điều này hoàn toàn nên làm.
Nhiều người vẫn quan niệm về chết toàn thây, nhưng theo Bồ Tát, khi con người mất đi sẽ không còn toàn thây. Chỉ trong vòng 24 giờ, xác thịt sẽ phân hủy, tiêu tan. Và Bồ Tát cũng dạy rằng, kể cả chết rồi, còn làm gì giúp cho con người hay con vật thì vẫn nên làm. Huống chi đây là việc sẽ hồi sinh cho cả một con người.
Còn theo quan niệm của Công giáo, Linh mục Anton Hoàng Minh Hải, Chính xứ Hoàng Mai, Tam Điệp (Ninh Bình) cho rằng: Hiến tặng bất kể 1 phần cơ thể nào sau khi đã mất là việc làm nhân đạo, bác ái cần làm. Theo quan điểm KiTo giáo, chúa Giê Su là người đã chết trên cây thập giá để cứu loài người. Quan niệm của Chúa là sống cho người khác và chết cho người khác. Đó là điều cốt lõi của tình yêu, của đạo Công giáo. Vậy nên, tất cả những người là môn đệ của chúa Giê Su đều hướng và đi theo con đường của người.
Linh mục Hải cho biết, trong thời gian ở Kim Sơn (Ninh Bình) ông đã cộng tác với Viện Mắt Trung ương tuyên truyền hiến giác mạc sau khi chết. Ông quan niệm đó là nghĩa cử cao đẹp cũng như là một sứ mệnh cần làm.
Hiện nay, bà con ở giáo sứ Kim Sơn đã có 100 người tình nguyện hiến giác mạc sau khi mất. Mỗi một người hiến giác mạc sẽ mang lại ánh sáng cho hai người mù mắt. “Được gặp những con người đã sáng mắt sau khi nhận giác mạc từ người hiến, tôi cảm thấy niềm hạnh phúc và sự sống như đang nảy mầm trong ánh mắt họ. Vậy tại sao chúng ta không làm những điều có ý nghĩa khiến cuộc đời đẹp hơn?” - Linh mục Hải chia sẻ.
Theo thống kê tại Việt Nam hiện nay có hơn 16.000 người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi... đang chờ được ghép tạng và khoảng 6.000 người đang chờ ghép giác mạc. Hiện nay, tại tất cả các cơ sở y tế trên cả nước đều tiếp nhận khi có người có nhu cầu hiến tạng sống, hiến tạng sau khi chết não.
Người hiến có thể đến cơ sở y tế gần nhất để đăng ký hoặc tới thẳng Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
- Địa chỉ: Số 40 phố Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.
- Số điện thoại:
04. 39386692/04. 39386693.
Số Fax: 04.39386694
- Địa chỉ Email: gheptang@vncchot.com
- Số hotline: 0915060550
Cách thức đăng ký hiến: Đơn đăng ký ảnh 3x4 Bản chụp chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu.
Bài, ảnh: Thanh Loan