Sức mạnh của tâm linh

10-06-2017 07:57 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Tôi xin lỗi tất cả những ai tự coi mình là vô thần, bởi những điều tôi muốn chia sẻ với bạn đọc trong bài viết này là cảm nhận riêng tư, có thể làm các bạn phiền lòng...

Tôi xin lỗi tất cả những ai tự coi mình là vô thần, bởi những điều tôi muốn chia sẻ với bạn đọc trong bài viết này là cảm nhận riêng tư, có thể làm các bạn phiền lòng, nhưng tôi không hề muốn tranh luận hay chứng minh rằng có đời sống tâm linh thật không? Tuy vậy, vô thần đối với tôi đã trở nên xa lạ.

Con người ai cũng có ba năng lực: thể chất, tinh thần và tâm linh. Năng lực cơ bắp là nền tảng cho sự sống đơn giản, ai cũng phải có để sinh tồn. Năng lực tinh thần là khả năng cảm nhận, suy nghĩ, tư duy và nhận thức. Có năng lực này mới được làm người. Các thầy tâm linh, Đông phương cũng như Tây phương, khẳng định rằng năng lực tâm linh có sẵn trong mỗi con người, chỉ có điều ít người bình thường tự phát lộ và sử dụng được.

Vậy tâm linh là gì? Và điều gì thể hiện năng lực tâm linh?

Não luận (Cerecentrizm) nói với ta rằng tâm hồn sinh ra bởi các hoạt động điện sinh - lý - hóa của bộ não. Vì thế khi thể chất đã chết là hết, không còn gì tiếp theo. Nhưng tâm luận (Psychocentrizm) khẳng định rằng, tâm hồn tồn tại độc lập như một dạng thông tin đặc biệt, mà bộ não chỉ là vật mang. Hay, tâm hồn là thực thể đầu tiên, còn bộ não chỉ là cơ quan thể hiện. Khi ta chết đi tâm hồn rời khỏi thân xác và tồn tại trong một loại “không - thời gian” nào đó mà khoa học ngày nay chưa biết, có vẻ vì vậy mà mang màu sắc thiêng liêng. Vậy nên tâm linh có thể hiểu là tâm hồn linh thiêng. Mặc cho các nhà duy vật của TK19-20 bài bác đến triệt để, ngày nay khái niệm tâm linh vẫn cứ được dùng như một sự thừa nhận đương nhiên (de facto).

Con người ai cũng có ba năng lực: thể chất, tinh thần và tâm linh (ảnh minh họa).

Con người ai cũng có ba năng lực: thể chất, tinh thần và tâm linh (ảnh minh họa).

Biểu hiện năng lực tâm linh thì nhiều, nhưng có một thứ ít mang màu sắc dị đoan hơn cả, và đã được kiểm chứng khá thuyết phục qua nhiều nhân chứng cụ thể, là khả năng ngoại cảm, bao gồm: 1) Thần giao cách cảm hay trực giác xuất thần (đoán được ý nghĩ của người khác, linh tính mà ta hay gọi giác quan thứ 6). 2) Thấu thị (nhìn xuyên vật thể,...). 3) Tiên tri (như bà Vanga, Bungaria, dự đoán đúng nhiều thảm họa sẽ xảy ra sau nhiều năm).

Ông thầy tâm linh người Đức Eckhat Tolle (sinh năm 1948) lại nhìn nhận tâm linh theo tinh thần Đạo học phương Đông. Trong cuốn sách Sức mạnh của hiện tại (NXB Trẻ, 2010 ) ông đã chỉ ra rằng năng lực tâm linh là khả năng có sẵn trong mỗi người cần phải được đánh thức để giác ngộ bản chất chân thực của mình; để chuyển hóa được khổ đau và đưa ta đến giải thoát; để có được niềm an lạc thuần khiết trong đời sống thường nhật, ngay lúc và ngay tại chỗ ta hiện diện. Muốn đạt được những điều trên, điều kiện tiên quyết cho bất cứ ai là phải trải qua quá trình du hành tâm thức trong nội tâm để tự nhận thức lần lượt từ thân xác, rồi đến ký ức, trí tuệ, và cuối cùng là chân tâm của chính mình. Người bình thường phải tu tập hành thiền một cách hết sức kiên nhẫn và đúng phương pháp mới mong bước qua được điều tiên quyết ấy để đi tiếp đến giác ngộ, giải thoát và an lạc, như tín điều của các tôn giáo nguyên thủy, chẳng hạn Phật giáo và Thiên chúa giáo.

Con người ai cũng có ba năng lực: thể chất, tinh thần và tâm linh (ảnh minh họa).

Con người ai cũng có ba năng lực: thể chất, tinh thần và tâm linh

Điều ấy gắn liền với đức tin, không có đức tin thì hành thiền cũng chẳng đi đến đâu cả. Tin vào cái gì? Vào sự tồn tại của hiện hữu mà Exkhat Tolle chủ định dùng thay cho từ thượng đế hay đấng sáng tạo bởi nó không mang màu sắc tôn giáo. Hiện hữu của tác giả ám chỉ tất cả những gì đang có mặt trong vũ trụ bao la, kể cả những gì mà ta không cảm nhận được bằng 5 giác quan thiên bẩm của con người; liên kết mật thiết với nhau không thể tách rời, vừa là nhân vừa là quả của nhau, mọi cái đều là một với tất cả; là cái thực tại không thể nghĩ bàn, một thực tại vượt lên trên thế giới hiện tượng mà ta đang sống; được chi phối bởi các định luật thiên nhiên siêu việt mà trí tuệ con người chưa (hay không bao giờ) vươn tới được. Hiện hữu có gì đó giống như “Bản thiết kế vĩ đại” được trình bày trong cuốn sách cùng tên của Stephen Hawking (NXB Trẻ, 2012) hay Chúa phiếm thần của Trịnh Xuân Thuận (xem chẳng hạn Vũ trụ và Hoa Sen, Trịnh Xuân Thuận, NXB Tri thức 2013 ).

Như các bạn đã thấy, ngoài khả năng ngoại cảm, năng lực tâm linh còn cho ta khả năng đi đến giác ngộ để giải thoát khỏi tham - sân - si cố hữu của con người. Lúc đã ở trạng thái an lạc, chung quanh ta chỉ tràn ngập một tình yêu thương vô bờ bến, biết chấp nhận tất cả với lòng vị tha. Thế chẳng hạnh phúc và đáng sống lắm sao?


GS. Chu Hảo
Ý kiến của bạn