BS. Vũ Hướng Văn
Thính giác là một giác quan quan trọng. |
Thính giác là một giác quan cực kỳ quan trọng, có những chức năng thiết yếu đối với cuộc sống. Khả năng nghe của tai người chỉ trong phạm vi tần số từ 16Hz đến 20.000 Hz (Hertz = chu kỳ/giây), dưới hoặc trên dải tần này thì không nghe thấy. Tai nghe của con người tuy không tốt hơn loài vật (nhiều động vật có thính giác rất phát triển khả năng nghe tốt hơn người), nhưng nhờ có liên quan chặt chẽ với lời nói, bộ não rất phát triển, nên có nhiều mặt ưu việt hơn loài vật. Với dải tần số nghe được, tai người có thể phân biệt được các tính chất của âm: cường độ, độ cao, âm sắc, hòa âm, phản âm. Trong thiên nhiên hầu như không có âm đơn (âm thuần) như là các âm do những âm thoa tốt tạo ra. Hầu hết là âm phức hợp bao gồm nhiều âm cơ bản, với nhiều tần số, cường độ và âm sắc hòa trộn vào nhau. Cùng nói một câu, nhưng người ta có thể phân biệt được tiếng nói của người này so với người khác. Do đường đi của âm từ nguồn âm đến hai tai rồi đến hai trung tâm thính giác ở vỏ não khác nhau, hướng tới hai tai khác nhau... nên ta có được cảm giác âm thanh nổi.
Từ những âm thanh của tiếng nói, người ta đã hiểu ra ý nghĩa của lời nói. Lại còn sáng tạo ra âm nhạc để diễn tả, truyền cảm những suy tư, tâm trạng, những điều muốn nói mà không cần diễn đạt bằng lời. Thúy Kiều ngồi gảy đàn cho Kim Trọng nghe mà chàng Kim vẫn cảm nhận ra: “... Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như tiếng suối mới sa nửa vời/ Tiếng khoan như gió thoảng ngoài/ Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa...”. Chỉ qua tiếng đàn, Kim Trọng hiểu được tâm tư Kiều, để rồi người nghe “... ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu”.
Cấu trúc tinh vi
Tai người gồm có tai ngoài (gồm vành tai, ống tai ngoài, màng nhĩ), tai giữa (thùng màng nhĩ) và tai trong có cấu tạo phức tạp. Nhiều loài vật có khả năng cử động vành tai hướng vào nguồn phát ra tiếng động; còn ở loài người nhóm cơ vận động vành tai đã thoái triển, tuy nhiên một số ít người vẫn còn khả năng cử động vành tai. Khi sóng âm tới vành tai thì được hướng vào ống tai ngoài - vành tai có tác dụng định hướng nguồn âm. Nếu dùng nến bịt cho mất hết các nếp nhăn lồi lõm ở vành tai thì tuy nghe thấy âm thanh, nhưng không định hướng được nguồn âm. Ống tai ngoài hướng sóng âm vào thẳng góc với màng nhĩ. Màng nhĩ là một màng mỏng có hình phễu, ngăn cách ống tai ngoài và tai giữa. Màng nhĩ chịu một áp suất từ phía ngoài nên cần có một đối lực từ phía trong. Nhờ có vòi nhĩ (ống Eustachi) thông khí từ vòm họng sang tai giữa nên mới có đối lực này. Vòi nhĩ chỉ mở khi ta nuốt, ngáp, ho... để không khí vào tai giữa cân bằng áp suất khiến cho màng nhĩ không bị căng do chênh lệch áp suất, do đó dễ rung hơn.
Ở người, tai giữa có 3 xương nhỏ là xương búa, xương đe, và xương bàn đạp, khớp với nhau và rung động như một khối, ba xương nhỏ này khi rung động cũng có tác dụng đòn bẩy giúp tăng lực lên nhiều lần. Màng nhĩ hứng âm thanh trên diện tích lớn và truyền rung động xuống mặt đế xương bàn đạp có diện tích nhỏ hơn (tỷ lệ là 20/1). Sóng âm được truyền từ môi trường không khí đến môi trường nước (ngoại dịch và nội dịch) của tai trong bị mất đi rất nhiều năng lượng. Nhưng nhờ có hệ màng nhĩ, khối xương con tác động như một máy biến thế, tăng lực lên rất nhiều lần nên vẫn bù trừ được phần giảm sút, và tai chúng ta vẫn nghe được đúng cường độ bên ngoài. Để cảm nhận được vô vàn thông tin của âm thanh, đó là nhờ bộ phận tai trong có khoảng 17.000 tế bào giác quan và 25.000 sợi thần kinh để chuyển về não.
Ngoài việc nghe, tai còn có chức năng giữ thăng bằng cho cơ thể, định hướng trong không gian. Giữ trọng trách này là tai trong, do cơ quan tiền đình và các ống bán khuyên đảm nhiệm. Nếu chức năng này bị rối loạn bệnh nhân sẽ thấy nhà cửa, cây cối... như chao đảo, nghiêng ngả, đất dưới chân như bồng bềnh, sợ ngã không dám đi.
Cần bảo vệ đôi tai
Qua nhiều công trình khảo sát, nghiên cứu, thực nghiệm, các nhà khoa học cho thấy tiếng ồn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nói chung và đưa đến các biến loạn bệnh cụ thể nói riêng. Hội chống tiếng ồn quốc tế (AICB) đã đưa ra quy định: Tiếng ồn 25-35dB (decibel) tương đương tiếng nói thầm, tiếng rì rào của lá cây - tạo cảm giác dễ chịu. Tiếng ồn 35-45 dB tương đương tiếng nói nhỏ ở nơi yên tĩnh như công viên... tạo cảm giác thoải mái, thích hợp cho nghỉ ngơi, giấc ngủ. Tiếng ồn 50-70dB (tương đương tiếng nói, phòng làm việc, khu phố không náo nhiệt) có thể chịu đựng được trong thời gian có hạn. Còn nếu trên 75dB (tương đương tiếng nói quá to, chợ, bến xe...) là tiếng ồn khó chịu, nếu tiếp xúc thường xuyên thì có hại cho thính giác và sức khỏe. Với những tiếng ồn tuy có cường độ không gây hại cho người lớn, nhưng vẫn có thể tác động xấu với các đối tượng nhạy cảm như trẻ em, người già, người yếu...
Qua nghiên cứu thực nghiệm trên súc vật, người ta thấy tiếng ồn làm tăng hoạt động chuyển tiếp của adrenocortical làm biến đổi hoạt động các tuyến nội tiết, gây mất cân bằng hệ thần kinh giao cảm... Chỉ sau vài giờ tiếp xúc với tiếng ồn cao, thì nhịp tim sẽ nhanh, huyết áp tăng lên, tăng tốc độ máu lắng, tăng trương lực cơ gây mệt mỏi. Theo dõi trên điện não đồ của các công nhân dệt thoi làm việc trong môi trường ồn, người ta thấy xuất hiện một thời động lan tỏa ở vỏ não giống như trong tình trạng suy nhược thần kinh... Chính những biến đổi này là lời xác nhận không thể chối cãi tiếng ồn gây tác hại đến sức khỏe, bệnh tật.
Để bảo vệ đôi tai nói riêng, sức khỏe nói chung mỗi người trong chúng ta cần nhận thức đầy đủ và có ý thức trách nhiệm trong phòng chống tiếng ồn để tạo nên một môi trường lao động, sinh hoạt, nghỉ ngơi, và vui chơi có lợi cho sức khỏe. Không gây tiếng ồn lớn. Không tiếp xúc với tiếng ồn cao khi không thật bắt buộc, và cố gắng hạn chế tối đa thời gian phải tiếp xúc. Không chơi, không mở băng đĩa nhạc... với tiếng quá to, quá kích động. Tự tạo yên tĩnh nơi sinh hoạt trong gia đình, nhất là sau giờ lao động mệt mỏi, giờ ngủ, để phục hồi sức nghe của đôi tai và sức khỏe.