Sách sai chủ quyền, lịch sử: Cần xử lý nghiêm

04-01-2018 20:48 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Dù cơ quan chức năng ngành xuất bản thời gian qua đã siết chặt quản lý, xử phạt nhiều đơn vị, nhà xuất bản (NXB)... để xảy ra vi phạm về nội dung trong các xuất bản phẩm, đặc biệt là sách sai lệch về lịch sử, chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam.

Mới đây, trước sự bức xúc, phản ánh từ dư luận, Cục Xuất bản - In và Phát hành (Bộ Thông tin - Truyền thông) đã ra quyết định thu hồi và tiêu hủy một cuốn sách đưa thông tin sai lệch về biển Đông lưu hành ở nước ta.

Sự việc được dư luận quan tâm vào những ngày cuối năm 2017 và đầu 2018 là Cục Xuất bản - In và Phát hành đã ra quyết định thu hồi, tiêu hủy cuốn Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc (tập 3) - nhà Minh, nhà Thanh do Cát Kiếm Hùng chủ biên và dịch, NXB Văn hóa Thông tin, Công ty văn hóa Minh Trí - Nhà sách Văn Lang liên kết xuất bản và phát hành. Theo Cục Xuất bản, cuốn sách trên đã vi phạm Điểm D, Khoản 1, Điều 10, Luật Xuất bản 2012: “Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Sách sai chủ quyền, lịch sử: Cần xử lý nghiêm

Cuốn sách có nội dung sai lệch về chủ quyền Việt Nam vừa bị Cục Xuất bản - In và Phát hành ra quyết định thu hồi, tiêu hủy.

Khi đọc cuốn Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc (tập 3) - nhà Minh, nhà Thanh, độc giả phát hiện nhiều chi tiết sai lệch về chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông, như khi nói về cương vực lãnh thổ nhà Thanh dưới triều Khang Hy và Càn Long đều nói cương thổ của Trung Quốc phía Nam đến quần đảo Nam Sa. Thực chất, tên gọi “Nam Sa” là cách người Trung Quốc “nhận vơ” quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Với nội dung sai lệch nghiêm trọng của cuốn sách, Cục Xuất bản đề nghị Sở Thông tin - Truyền thông các tỉnh, thành phố thu hồi và tiêu hủy cuốn sách trên. Đồng thời, Cục Xuất bản yêu cầu các cơ sở phát hành không phát hành, các thư viện trên toàn quốc không lưu trữ, không luân chuyển, không phục vụ bạn đọc cuốn sách trên.

Đây không phải là lần đầu tiên sách sai về chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam khiến dư luận dậy sóng và cơ quan chức năng vào cuộc xử lý mạnh mẽ. Ngược dòng thời gian, Cục Xuất bản từng ban hành quyết định thu hồi và tiêu hủy tiểu thuyết Đạo mộ bút ký - tác giả Nam Phái Tam Thúc (Trung Quốc) do NXB Thời đại và Công ty Bách Việt liên kết thực hiện. Trong Đạo mộ bút ký, bạn đọc nước nhà đã rất bức xúc vì nội dung cuốn sách “gài” chi tiết thể hiện sai chủ quyền biển đảo Việt Nam. Trong Đạo mộ bút ký có đoạn kể về cuộc truy tìm mộ cổ của nhóm đào mộ, nhắc đến rất nhiều tên đảo: “Kế hoạch của bọn họ là bắt đầu tìm kiếm từ khu vực đảo Tiên Nữ ở gần nhất, rồi đến đảo Hà Giải bổ sung vật tư; tiếp đến ba khu vực ở gần cụm đảo Thất Liên… Còn về phương pháp tìm kiếm, nước biển ở (cụm đảo) Tề Ân cực kỳ trong…”. Với những chi tiết này, độc giả nhận thấy “đảo Tiên Nữ” và “cụm đảo Thất Liên” trùng với tên các địa danh có thật. “Tiên Nữ” là tên một đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, còn “Thất Liên” là tên Trung Quốc đặt cho 7 đảo thuộc nhóm An Vĩnh ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bên cạnh sách sai về chủ quyền, lãnh thổ; thị trường sách nước ta thời gian qua còn xuất hiện một số xuất bản phẩm không đúng với sự thật lịch sử. Điển hình, tháng 6/2017, Cục Xuất bản đã có công văn yêu cầu đơn vị phát hành cuốn Một cơn gió bụi (Kiến văn lục) của tác giả Trần Trọng Kim phải lập tức thu hồi vì nội dung Một cơn gió bụi bị sai lệch, vi phạm Luật Xuất bản, sách có nhiều chi tiết, đánh giá không phù hợp, không khách quan hoặc chưa được kiểm chứng.

Có thể nói, ngành xuất bản nước ta thời gian qua dù đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, phát hành nhiều cuốn sách ra thị trường, đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình trạng sách sai về nội dung, hình thức thể hiện, sách lậu, sách giả... vẫn đang tồn tại. Theo tổng kết của Cục Xuất bản, năm 2017, đơn vị này đã phát hiện và xử lý 129 xuất bản phẩm vi phạm, trong đó có 96 xuất bản phẩm vi phạm nội dung. Điều này cho thấy, bên cạnh những cuốn sách giàu giá trị, có tính nhân văn cao được bạn đọc đón nhận thì trên thị trường cũng đang có sự “ẩn náu” của không ít cuốn sách sai lệch về nội dung ảnh hưởng đến cách tiếp cận thông tin và sự cảm thụ của người đọc.

Theo Cục Xuất bản, để xảy ra tình trạng này là do việc quản lý lỏng lẻo của các NXB. Chính vì vậy, Cục Xuất bản đã yêu cầu các NXB rà soát chặt chẽ nội dung cuốn sách trước khi phát hành, đồng thời siết chặt hơn nữa trình độ, trách nhiệm của các biên tập viên. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để không còn sách sai về nội dung làm lệch lạc thẩm mỹ độc giả, bên cạnh việc phạt tiền theo đúng Luật Xuất bản, cơ quan chức năng cần “đóng cửa” các NXB, đơn vị liên kết xuất bản và tước thẻ hành nghề các biên tập viên để xảy ra sai sót nhằm tăng tính răn đe và không tạo ra tiền lệ như đã từng.


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn