Rước họa vì tiêm chất làm đầy trôi nổi

03-09-2018 07:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Nhiễm khuẩn, sưng tấy, mũi lệch vẹo, cằm méo mó, môi gần hoại tử... là những tai biến đã xảy ra với một số người sau khi “tút tát” nhan sắc bằng chất làm đầy (filler) trôi nổi, không rõ nguồn gốc... Trên thực tế đã có không ít người sau khi tiêm chất làm đầy, đẹp đâu chưa thấy nhưng phải nhập viện vì biến chứng thì thấy trước tiên...

Kỳ 1Phát hoảng với những “tác phẩm” làm đẹp của thẩm mỹ vườn

Kỳ 2Xăm môi, nhấn mí tại nhà đừng “gửi trứng cho ác”

Kỳ 3: Bác sĩ Da liễu: Xăm môi thẩm mỹ “vườn” dễ rước bệnh HIV, viêm gan B

Kỳ 4: Lạm dụng filler, tế bào gốc xách tay: làm đẹp biến thành thảm họa

Kỳ 5Kinh hoàng ổ mủ trên mũi thiếu nữ sau khi tiêm filler làm đẹp

Kỳ 6: Nhiều vụ biến chứng sau tiêm filler làm đẹp: Đóa hoa đẹp bởi hương, không phải sắc

Kỳ 7Cấy phấn cho da: "Tiền mất tật mang"

Kỳ 8: "Thảm họa" phẫu thuật chỉnh hình của sao thế giới

 

Nhập viện vì cả tin vào quảng cáo... căng mọng, tròn đầy

Trước đây, một thiếu nữ ở Quảng Ninh tên H. đã phải nhập BV Việt Nam - Cuba (Hà Nội) điều trị dài ngày vì môi dưới của cô sưng vù, nứt và chảy nước sau một thời gian tiêm chất làm đầy tại một spa ở quận Hoàn Kiếm - Hà Nội. Tiếp nhận ca bệnh này, các bác sĩ BV Việt Nam - Cuba đã phải rạch môi, lấy ra nhiều mủ đặc lẫn chất làm đầy và điều trị kháng sinh liều cao để tránh nhiễm khuẩn.

Vì muốn có đôi môi đầy đặn, căng mọng nên H. đã tìm đến spa để tiêm chất làm đầy nhằm đạt ý nguyện. Cũng chả kịp tìm hiểu chất làm đầy đó nguồn gốc, xuất xứ thế nào, cơ sở này đã được cấp phép cho hoạt động tiêm chất làm đầy hay chưa... mà chỉ cần nghe lời quảng cáo “ngon ngọt” của cửa hàng và tin tưởng vào một đôi môi căng mọng sau khi tiêm chất làm đầy, H. đã đồng ý thực hiện ngay. Thế nhưng chỉ vừa kịp căng mọng thì môi dưới của cô gái đã sưng tấy, nứt toác khiến cô sốt cao... phải vào viện.

lam day moiHậu quả của tiêm chất làm đầy môi.

Hiện nay, dịch vụ tiêm/bơm chất làm đầy được quảng cáo phổ biến đến mức lên mạng gõ từ khóa “chất làm đầy”, chưa đến 1 giây đã có hàng trăm ngàn lời rao hấp dẫn về công dụng của chất làm đầy tại các thẩm mỹ viện/ cơ sở làm đẹp...  Tuy nhiên, cũng với từ khóa này đã xuất hiện không ít chia sẻ hình ảnh của các cô gái với đôi môi sưng tấy, mũi vẹo, cằm lệch, có cục cứng ở cằm, mũi... chỉ vì tiêm chất làm đầy ở spa hoặc cơ sở làm đẹp. Hầu như các cô gái là nạn nhân của chất làm đầy cho biết, khi đi tiêm/bơm chất làm đầy vào cơ thể, đa phần họ chỉ nghe theo quảng cáo của cơ sở spa, cơ sở làm đẹp mà không quan tâm đến chất lượng của chất làm đầy đó và cơ sở thực hiện kỹ thuật này đã được cấp phép hay chưa...

Hiểm họa của chất làm đầy, silicon trôi nổi

Theo BS. Nguyễn Thanh Thái - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ BV Việt Nam - Cuba, trong thẩm mỹ, filler là chất làm đầy có hoạt chất sinh học được phép sử dụng, thích ứng với cơ thể. Chất này có tên axít hyalurounic hữu cơ. “Mục đích sử dụng filler là khi đưa vào cơ thể bằng đường tiêm dưới da, chất làm đầy này sẽ thẩm thấu hút nước phồng lên tăng thể tích, từ đó làm căng bề mặt da, cho làn da bóng, đẹp. Khi bơm vào môi làm môi căng mọng nước. Vì thế, trong thẩm mỹ, filler được sử dụng hợp pháp để làm đẹp như nâng mũi, căng da mặt, bơm môi...”, BS. Thái thông tin.

Được biết, chất filler có giá thành khá đắt, khoảng 500 - 1.000 USD (11 - 22 triệu đồng) cho một chiếc mũi hoặc chiếc cằm như ý, còn nếu dùng để nâng ngực thì có giá khoảng 8.000 USD (gần 180 triệu đồng). Tuy nhiên, chất filler chỉ có “độ bền” trong vòng 2 năm, sau đó nó tự tiêu.

lam day moiMột ca phẫu thuật tạo hình tại BV Việt Nam - Cuba.

BS. Thái cho biết, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Vì thế, điều lo ngại nhất là người dùng có thể bị tiêm phải sản phẩm chất làm đầy không rõ chất lượng. Trong đó phải kể đến nhiều loại collagen kém chất lượng, collagen làm từ da trâu (còn gọi là keo da trâu) khi dùng có thể gây những hậu họa cả về sức khỏe và thẩm mỹ. Khi có một chất lạ như filler vào cơ thể, dù là hàng tốt cũng có thể gây phản ứng, do đó có thể gây các sự cố không mong muốn như dị ứng, viêm. Còn với hàng trôi nổi khi đưa vào cơ thể, ngay dưới da, chúng có thể nhanh chóng đông cứng và vón cục, gây tình trạng xuất hiện những cục cứng lạ dưới da sau tiêm chất làm đầy. Hay như silicon lỏng cũng được cảnh báo là vô cùng nguy hại vì khi vào cơ thể sẽ đóng cục tại chỗ, chúng cũng lan đến nhiều nơi trên cơ thể gây nên những chất u xơ do bị phản ứng cơ thể bao lại. Chất này rất khó lấy hết và dễ gây viêm nhiễm.

Bên cạnh đó, theo BS. Thái, việc tiêm các chất làm đầy không đảm bảo chất lượng, trôi nổi, làm không đảm bảo vệ sinh có thể gây bội nhiễm, nhiễm khuẩn vùng tiêm.

Theo các chuyên gia, nhu cầu làm đẹp của chị em rất lớn nên các spa, thẩm mỹ nở rộ như trăm hoa đua nở. Vì thế, bản thân các chị em khi đi chăm sóc sắc đẹp cũng phải có ý thức đến các cơ sở uy tín. Đặc biệt khi có sự can thiệp, bơm bất cứ chất gì vào người thì phải biết nó là cái gì, làm như thế nào, có trộn chất gì trong đấy, giá cả như thế nào, nguồn gốc sản phẩm ra sao, kiểm tra tem trên sản phẩm... chứ không nên cứ nhắm mắt làm liều, nghe theo lời quảng cáo một chiều của cơ sở làm đẹp. “Mọi thẩm mỹ viện, spa quảng cáo nâng ngực, hút mỡ bụng đều không được phép và người dân không nên lựa chọn. Bởi dù thẩm mỹ viện dù được cấp phép cũng chỉ được làm các dịch vụ đơn giản xăm mắt, xăm mũi, nâng mũi; nhấn mí. Còn tất cả những thủ thuật như nâng ngực, hút mỡ bụng thì phải làm tại bệnh viện”, BS. Thái lưu ý.

 

Theo quy định, cơ sở spa chỉ được thực hiện các dịch vụ chăm sóc da thông thường. Còn với dịch vụ tiêm filler thì phải được thực hiện tại phòng khám được cấp phép. Người thực hiện kỹ thuật phải có chứng chỉ hành nghề đúng chuyên môn. Chất filler khi sử dụng cho khách hàng phải là sản phẩm được cấp phép lưu hành của Bộ Y tế và phải có nhà nhập khẩu chứng minh nguồn gốc rõ ràng.

Trong bối cảnh các sở thẩm mỹ vườn mọc lên như “nấm sau mưa”, ai cũng có thể dễ dàng trở thành “chuyên gia” phẫu thuật thẩm mỹ chỉ qua một vài tháng. Đã có rất nhiều nạn nhân hứng chịu hậu quả của phẫu thuật thẩm mỹ từ các cơ sở làm đẹp chui, không được cấp phép, đến khi quay đầu nhìn lại đã quá muộn.

Nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về phẫu thuật thẩm mỹ, lợi hại của các phương pháp làm đẹp… để mình không trở thành nạn nhân của thẩm mỹ “vườn”, Báo Điện tử Sức khỏe&Đời sống triển khai tuyến bài về vấn đề này.

Bạn đọc có thể phản ánh về các cơ sở làm đẹp trái phép về hòm thư Báo Điện tử bandientuskds@gmail.com.

Mời bạn đọc đón xem Kỳ 10: Trải lòng làm lay động triệu người của cô gái phẫu thuật thẩm mỹ trên suckhoedoisong.vn vào lúc 7h00 ngày mai 04/09/2018.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn