Quyết tâm, đồng thuận về một Hà Nội ít xe máy...

27-07-2017 18:00 | Thời sự

SKĐS - Lo lắng lớn nhất - đó là những người sử dụng xe máy không sẵn lòng chuyển sang phương thức vận tải khác trong tương lai gần.

Trong chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4 HĐND TP. Hà Nội, gần đây, HĐND thành phố đã nghe đại diện UBND TP. Hà Nội đọc tờ trình dự thảo về Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030 với các lộ trình cụ thể…

Đa số người dân và cử tri Hà Nội đều đồng tình về việc thành phố cần triển khai đề án để quản lý, kiểm soát phương tiện đang gia tăng tự do hiện nay. Điều này nói lên mơ ước của người dân về một Hà Nội thanh lịch, văn minh, không ồn ào… sánh kịp với thủ đô các nước phát triển. Một Hà Nội mà ai cũng đi nhẹ, nói khẽ, người dân đọc sách trên tàu điện… là bức tranh được phác họa cho 13 năm tới. Hướng đến kỳ vọng trên ở mốc thời gian 2030, hơn 91% đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội bỏ phiếu thuận cho đề án hạn chế xe cá nhân, cấm xe máy. Đó là quyết tâm lớn của các đại biểu, phản ánh ước vọng của người dân Thủ đô hướng tới một nền giao thông văn minh, được quản lý bài bản.

Nhiều ý kiến cho rằng: 70% các vụ tai nạn giao thông hiện nay có liên quan đến xe máy, điều này chứng minh rằng tham gia giao thông bằng phương tiện này đang có rủi ro cao nhất. Xe máy chiếm tỷ lệ cao nhất trong dòng giao thông. Điều tra chọn mẫu xác định tỷ lệ xe máy trong dòng xe là 85,8%; ôtô là 12,3%; buýt là 0,7% và xe tải 1,2%. Cấm hay hạn chế xe máy tức sẽ ảnh hưởng đến việc thay đổi phương tiện tham gia giao thông của bộ phận lớn người dân. Điều này đặt ra những lo lắng và thách thức không nhỏ.

Lo lắng lớn nhất - đó là những người sử dụng xe máy không sẵn lòng chuyển sang phương thức vận tải khác trong tương lai gần. Họ thấy rằng vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là xe buýt, không có những ưu điểm của xe máy và không đủ hấp dẫn so với xe máy. Phương tiện công cộng trên địa bàn thành phố hiện chưa đáp ứng nhu cầu, giờ cao điểm chen chúc, bỏ chuyến, thái độ lái phụ xe phục vụ chưa tốt, thậm chí thiếu văn hóa. Hơn nữa, hạ tầng giao thông hiện nay quá kém, xuống cấp, thiếu đồng bộ.

Nhìn vào con số gần 91% đại biểu HĐND TP. Hà Nội bỏ phiếu thuận cho đề án hạn chế xe cá nhân, cấm xe máy cũng thấy được quyết tâm lớn của những người có trách nhiệm vì cuộc sống của người dân Thủ đô. Hàng loạt quyết sách cho tầm nhìn 2030 được đưa ra: hạn chế thấp nhất việc xây dựng nhà cao tầng để bán căn hộ trong các quận nội thành. Như vậy mới giảm được dân số, giảm được các phương tiện cá nhân, hạn chế được việc quá tải của hạ tầng giao thông. Muốn hạn chế xe máy trước hết phải có lộ trình, trong đó có việc giảm đăng ký mới xe máy. Quan trọng hơn cả là Hà Nội cần phát triển mạng lưới giao thông công cộng rộng khắp thành phố. Bởi theo cử tri, nếu phương tiện giao thông công cộng thuận tiện thì người dân mới bỏ xe máy đi xe buýt. Cũng theo lãnh đạo TP. Hà Nội, đề án của thành phố phấn đấu đến 2030 chỉ hạn chế phương tiện cá nhân chứ không cấm hẳn. Hà Nội hiện đang đẩy mạnh hệ thống giao thông công cộng, sẽ xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, tăng xe buýt, tăng tuyến... Đến 2020, Hà Nội sẽ có thêm 1.500 xe buýt với nhiều loại hình như buýt mini, buýt phục vụ du lịch... Đến năm 2030, hệ thống phương tiện công cộng phải đảm bảo phục vụ 50-70% hành khách thì mới tiến hành hạn chế dần xe máy và các phương tiện cá nhân. Hà Nội cũng sẽ tập trung đầu tư các tuyến metro với tổng mức đầu tư lớn. Các dự án này sẽ được tạo điều kiện tối đa để sớm đi vào hoạt động, giảm áp lực hạ tầng, phục vụ nhân dân. Ngoài ra, để quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông, Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc lập quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi đến năm 2030, lộ trình thực hiện 2017-2020. Với xe taxi và các phương tiện hoạt động kinh doanh tương tự taxi (Uber, Grab...), thành phố cấp hạn ngạch phù hợp với điều kiện giao thông và năng lực của kết cấu hạ tầng. Hà Nội cũng sẽ rà soát, nghiên cứu đưa ra số lượng ôtô điện hoạt động theo khu vực trên địa bàn toàn thành phố, phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông.

Quyết tâm đã có. Sự đồng thuận của người dân cũng sẵn sàng. Đây là những động lực cho công tác quản lý, điều hành giao thông. Nhưng nếu không nhìn thẳng vào thực tế để có những biện pháp quản lý, thực hiện đồng bộ, vượt lên phía trước thì viễn cảnh về một thủ đô văn minh, đọc sách trên tàu điện, ngồi xe buýt ngắm cảnh..., sẽ khó thành hiện thực.


MẠNH THẮNG
Ý kiến của bạn