Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm

09-03-2018 14:26 | Xã hội
google news

SKĐS - Trước phiên họp 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 12-13/3, trao đổi với báo chí sáng 8/3, Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội - ông Trần Văn Túy cho biết, đã 2 lần lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội (QH) bầu hoặc phê chuẩn. Theo đó, các cấp ủy đảng cần lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát để hoạt động lấy phiếu tín nhiệm bảo đảm dân chủ, khách quan, thực chất, không hình thức,...

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước

Đây là chủ trương đúng đắn, cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển mới, thực sự là kênh thông tin quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền xem xét mức độ tín nhiệm và đánh giá cán bộ, thực hiện quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, đúng người, đúng việc. Việc bỏ phiếu này cũng giúp những người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để có phương hướng khắc phục, phấn đấu, rèn luyện, phát huy tối đa năng lực và nhiệt huyết để cống hiến, nâng cao hiệu quả công việc.

Đồng thời, khuyến khích những người tín nhiệm thấp tự nguyện từ chức; kịp thời đưa ra khỏi vị trí lãnh đạo những người không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ mà không phải chờ đến hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Qua đó, tăng cường hiệu quả giám sát, bảo đảm QH, HĐND thực hiện tốt hơn trách nhiệm của mình, thay mặt nhân dân giám sát người giữ chức vụ. Qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối nămÔng Trần Văn Túy - Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội

Nghiêm cấm vận động phiếu

Cũng theo ông Trần Văn Túy, để việc lấy phiếu tín nhiệm hiệu quả, thực chất, tránh tình trạng nể nang, hình thức, căn cứ vào kết quả lấy và bỏ phiếu tín nhiệm, kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc vận động, lôi kéo hoặc có hành vi tác động làm sai lệch mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm tổn hại uy tín tập thể và cá nhân, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.

Để tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, ngày 28/11/2014, QH đã có Nghị quyết 85/2014/QH13 chuyển từ lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm, bắt đầu từ năm thứ hai của nhiệm kỳ sang lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ.

Đối với mức độ lấy phiếu tín nhiệm vẫn gồm 3 mức là tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp.

Tiếp đó, QH đã luật hóa quy định lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND năm 2015. Qua đó xác định cụ thể phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, trình tự và hệ quả lấy phiếu tín nhiệm tại QH và HĐND.

Căn cứ vào đó, QH khóa XIV sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm vào giữa nhiệm kỳ, dự kiến vào cuối năm 2018.

Những chức danh nào phải lấy phiếu tín nhiệm?

Theo Điều 18 Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND năm 2015 về lấy phiếu tín nhiệm, QH lấy phiếu tín nhiệm các chức danh: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch QH, Uỷ viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của QH; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu QH đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức. Nếu có từ 2/3 tổng số đại biểu QH trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì Ủy ban Thường vụ QH trình QH bỏ phiếu tín nhiệm.


Kiên Giang
Ý kiến của bạn