Quà xuân của nhà văn hóa Hữu Ngọc

25-01-2009 08:06 | Văn hóa – Giải trí

Mỗi khi Xuân về, Tết đến, chúng ta hay nghĩ đến những người thân nơi xa, thường chọn mua một tấm bưu thiếp có hình ảnh thích hợp, viết kèm lời chúc thân ái hoặc nồng nhiệt, tính ngày gửi để bạn nhận được đúng dịp Tết.

Mỗi khi Xuân về, Tết đến, chúng ta hay nghĩ đến những người thân nơi xa, thường chọn mua một tấm bưu thiếp có hình ảnh thích hợp, viết kèm lời chúc thân ái hoặc nồng nhiệt, tính ngày gửi để bạn nhận được đúng dịp Tết.

Riêng nhà văn hóa Hữu Ngọc, năm nào tôi cũng nhận được một sản phẩm độc đáo riêng do ông nghĩ ra, thường bao hàm một ý nghĩa nhân sinh, văn hoá nào đó. Tôi chỉ đơn cử ba cái Tết vừa qua:

Tết năm Đinh Hợi (2007), ông viết chữ Duyên (bằng chữ Hán) vào lòng đĩa, có phác họa một cành đào, rồi thuê thợ gốm nung vài chục chiếc đĩa (có móc gắn phía sau để treo tường), men sứ trắng, chữ xanh, hoa màu phớt đào làm quà tặng bạn buổi đầu năm. Đó là ngụ ý chúc bạn năm tới sẽ gặp một cơ duyên nào đó, mà đôi khi nhờ nó, có thể tạo bước ngoặt, hoặc một thăng tiến, thăng hoa trong sự nghiệp và trong sáng tạo. Chữ Duyên của cụ Hữu Ngọc còn nhắc ta nhớ đến lời cụ tổng kết sau khi đã trải nghiệm sống trên tám chục năm: Việc đời, cụ cho là phải đến 70% do cơ duyên mà thành, có Nhân phải gặp Duyên mới thành quả. Vậy là tài sức, ý chí cá nhân (nhân định) chỉ chiếm 30%. Trong khi ai cũng nghĩ một người như cụ, phải đến 70 % là do ý chí, rèn luyện cả đời, mà làm nên! Thoạt nghĩ thì như vậy, nhưng khi bật lại cuốn phim cuộc đời nhà văn hóa nổi tiếng lão thực này, mới thấy: Ước mơ hồi trai trẻ (lúc đang là học sinh sư phạm trường Bưởi, 18 tuổi, trong thời Pháp thuộc) của Hữu Ngọc là: dạy học ở một tỉnh miền núi, dựng một căn nhà nho nhỏ bên bờ suối, rồi có thể yêu và lấy một cô gái miền núi nào đó. Hóa ra cái lãng mạn từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối không chỉ là Suối mơ của Văn Cao, mà là “bệnh thời đại” của lớp trẻ thời ấy, khi chán ghét chốn phồn hoa ô trọc, muốn giữ được “thanh cao” mà chưa tìm ra lối thoát. Và cơ duyên lớn của họ chính là cuộc Cách mạng rũ bỏ ách thống trị thực dân, để Hữu Ngọc đang từ người muốn sống cô đơn yên ả, trở thành người cả đời đi bắc các nhịp cầu văn hóa, làm bạn với cả thế giới (cụ từng làm Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới, xuất nhập khẩu các nền văn hóa qua hoạt động dịch sách và xuất bản).

Tết năm Mậu Tý, cụ cho in bài thơ (chữ Hán) Xuân hiểu (Buổi sớm xuân) của Mạnh Hạo Nhiên lên một góc tờ giấy rộng, choán cả bề mặt trang giấy là bức vẽ theo lối quốc họa Trung Quốc hiện đại, một nhành mai có đôi chim đang nép vào nhau.

Bài thơ nổi tiếng thời Thịnh Đường (thế kỷ VIII) do Tương Như dịch, cụ chuyển thể sang tiếng Anh và tiếng Pháp, in bản phụ lục kèm theo, còn bức tranh - thơ thì để nguyên chữ Hán, hẳn là chữ một danh nho nào, nên cũng trở thành tiết họa khá hài hòa của bức tranh - thơ!

Xuân hiểu

Xuân miên bất giác hiểu

Xứ xứ văn đề điểu

Dạ lai phong vũ thanh

Hoa lạc tri đa thiểu.

Mạnh Hạo Nhiên

dịch thơ Việt:

Giấc xuân, sáng chẳng biết

Khắp nơi chim ríu rít

Đêm nghe tiếng gió mưa

Hoa rụng nhiều hay ít?

Tương Như

Cụ Hữu Ngọc bình rằng: bài thơ có cái tứ hiện đại về nhân sinh, có tâm lý thầm kín của cái tôi, của dòng thời gian và dòng Tâm không ngừng chảy, dĩ vãng đan xen hiện tại, cái vui lại đượm cái buồn của phận người.

Tết năm nay (Kỷ Sửu), cụ lại có “bưu ảnh” mới, nhưng chẳng phải nhờ gì đến bưu chính, cụ gặp ai đáng tặng là rút ngay bút ra đề tặng vào những ngày đầu xuân. Bưu ảnh là một tấm bìa gấp đôi thành 4 trang. Bìa 1 là chân dung nhà “lữ hành” Hữu Ngọc. Gọi vậy, bởi đó là tư thế cụ đang đi, như hàng ngày cụ vẫn tạo điều kiện để được đi bộ nhiều nhất, chiếc quai túi dết mắc qua vai, chiếc mũ vải mềm quen thuộc. Nền ảnh ló ra chiếc ô tô ca và hàng rào cây xanh, tỏ ra ảnh chụp lúc cụ đang băng qua đại lộ. Bìa 3: ảnh chụp bức tranh sơn dầu, cảnh một đôi vợ chồng nông dân trong giờ nghỉ. Chồng mặc quần cộc, ngả lưng vào con trâu đang nằm lim dim thụ hưởng phút thư giãn, ông chủ của nó cũng lim dim rít khói thuốc lào, vồng ngực và bắp tay ngồn ngộn sinh lực. Cô vợ chỉ mặc chiếc yếm trắng, quần xắn trễ nải trên đầu gối, thắt lưng màu hoa đào, đang cười mãn nguyện nhìn chồng và đứa con trai ngồi trên lưng trâu hớn hở khoe con cào cào... Đối với cô vợ nông dân, trước mắt cô là toàn bộ cơ nghiệp, toàn bộ hạnh phúc đơn sơ, không còn mong gì hơn! Bìa 2 dành cho chú thích:

Ngày xửa, ngày xưa...

(tranh Tết Phạm Tăng – Paris 1973, tha hương vẽ tưởng tượng)

Những bạn chưa biết Phạm Tăng sẽ được cụ Ngọc giới thiệu khái quát:

Phạm Tăng học trường Cao đẳng Mỹ thuật Yết Kiêu, đi kháng chiến ở Nam Định. Đến cải cách ruộng đất bị dính thành phần, chạy vào Sài Gòn. Ở đây, ông vẽ và viết báo Tự Do, chửi Ngô Đình Diệm, bị bắt giam. Sau có người quen lo lót với Trần Kim Tuyến, trùm mật vụ, được thả nhưng phải tránh khỏi Sài Gòn. Ông sang Ý, lần lượt học hết các bộ môn của nghệ thuật tạo hình, trở thành họa sĩ nổi tiếng, được giải nhất hội họa của UNESCO.

Bìa 4 là bút tích và hai câu thơ chữ Hán của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, nhà văn hóa nổi tiếng của ta thế kỷ 20:

Thỉnh nhĩ tu du vong thế sự

Tùng lâm tuyết lạc tự mai hoa

(Xin bạn phút giây quên thế sự

Rừng thông tuyết rụng tựa hoa mai)

Tiếp đó là bản tiếng Pháp, tiếng Anh do Hữu Ngọc chuyển ngữ, bởi danh sách bạn cụ gặp hàng ngày, có khi các nhà báo, nhà văn nước ngoài nhiều hơn bạn Việt! Đôi câu thơ này cũng có sự tích của nó:

Hồi Nguyễn Khắc Viện hoạt động và chữa bệnh ở Pháp, sau 6 - 7 lần bị mổ, cắt đến ba phần tư phổi và mấy cái xương sườn, ông vẫn hoạt động trong phong trào yêu nước của người Việt ở nước ngoài và nghiên cứu văn hóa. Một giáo sư Trung Quốc tìm đến tham vấn ông. Ông này có nhiều mối lo về thế sự. Ông Viện đưa vị giáo sư dạo rừng thông và ứng khẩu hai câu thơ trên, nhằm giải tỏa những ức chế của bạn. Cụ Hữu Ngọc thường nói “Đó là thơ chống stress của ông Viện!”. Quả nhiên là với ý chí rèn luyện sức khỏe (phương pháp luyện thở Nguyễn Khắc Viện) và tinh thần lạc quan của ông, Nguyễn Khắc Viện đã làm giới y học Pháp, Việt phải kinh ngạc về tuổi thọ của ông, không thua gì một người khỏe mạnh!

Không phải ai trong chúng ta muốn là có thể học được phong cách giao lưu đầy tinh thần nhân văn, nhân ái của những người “xưa nay hiếm” như Hữu Ngọc, Nguyễn Khắc Viện. Nhưng ta vẫn cần biết để tránh những hành động, phong cách trái ngược với nét đẹp văn hoá của hai ông ở một cực khác mà không thể kể ra đây, e làm tổn hại những ngày xuân trong sáng của bạn!

Vân Long


Ý kiến của bạn