Phục dựng thành công văn bia cổ chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh

17-09-2013 07:16 | Văn hóa – Giải trí
google news

Làng cổ Duy Tinh (Văn Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) có một bề dày lịch sử - văn hóa hiếm có. Đây là lỵ sở quận Cửu Chân hai triều đại Lý - Trần, là nơi đóng đại bản doanh của Thái úy Lý Thường Kiệt suốt 19 năm từ 1082 - 1101. Tại làng cổ này đã dựng lên ngôi chùa tên là Sùng Nghiêm Diên Thánh có trước đời Lý, nhưng do đổ nát mà trong cuộc tuần du phương Nam, vua Lý Nhân Tông đã dựng lại chùa mới trên nền cũ vào cuối năm Mậu Tuất (1118).

Làng cổ Duy Tinh (Văn Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) có một bề dày lịch sử - văn hóa hiếm có. Đây là lỵ sở quận Cửu Chân hai triều đại Lý - Trần, là nơi đóng đại bản doanh của Thái úy Lý Thường Kiệt suốt 19 năm từ 1082 - 1101. Tại làng cổ này đã dựng lên ngôi chùa tên là Sùng Nghiêm Diên Thánh có trước đời Lý, nhưng do đổ nát mà trong cuộc tuần du phương Nam, vua Lý Nhân Tông đã dựng lại chùa mới trên nền cũ vào cuối năm Mậu Tuất (1118). "Trái tim" của chùa là tấm bia lớn (1,9X1,25m) gọi là Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh do Pháp Bảo Đại Sư soạn vào năm hoàn thành chùa.

Năm 1949, học giả Hoàng Xuân Hãn xuất bản cuốn Lý Thường Kiệt sau 4 - 5 năm đi khảo cứu nhiều ngôi chùa ở vùng tỉnh Thanh có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của vị anh hùng dân tộc. Ông đã phát hiện ra những tấm bia thời Lý vô cùng quý giá, trong đó có bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn (núi Hàm Rồng hiện nay) do Pháp Bảo Đại Sư soạn năm 1128. Điều đáng nói là do sự tàn phá của thời gian cùng các biến loạn xã hội trong khoảng 1000 năm nay mà nhiều ngôi chùa cùng các văn tự lịch sử bằng đá đã bị xóa sạch dấu vết. Rất may, bia Sùng Nghiêm Diên Thánh còn tồn tại về mặt thực thể trong chùa.

Đầu năm 1990, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và nhiều cuộc tu bổ lớn đã diễn ra trong các năm 1997, 2005, 2007, đến năm 2010 được coi là cơ bản hoàn thành. Bộ mặt của khu di tích cấp quốc gia này đã có nhiều thay đổi, từ cổng tam quan đến nhà tổ; nhà tăng; tiền, trung, hậu đường. Còn nơi "trái tim" của chùa là tấm bia nghìn tuổi thì ra sao?

Phục dựng thành công văn bia cổ chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh 1
 Mặt trước tấm bia mới với bài "minh" của Pháp Bảo Đại Sư.

Cái vỏ ngoài của bia đã được sửa mới, nhưng tấm bia quý thì bị biến dạng sứt sẹo, lỗ chỗ vết đạn, mặt bia loang lổ trát vữa xi măng, chỗ còn chữ mờ không thể đọc nổi. Điều đáng ngạc nhiên là ngày ấy, những người có trách nhiệm về lịch sử - văn hóa của địa phương không ai nghĩ đến việc phục chế bia, chỉ chăm chú đến các công trình "bề nổi" của chùa. Ông phó ban quản lý dự án trùng tu cho biết: trong 13,5 tỷ đồng dành cho các hạng mục, không có hạng mục nào gọi là "phục dựng lại tấm bia".

Năm 1992, một số cán bộ của Viện Văn học do GS. Nguyễn Huệ Chi dẫn đầu trong quá trình hoàn thành công trình nghiên cứu về thơ văn Lý - Trần đã về chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, thấy được thực trạng đáng buồn đó đã viết vào sổ lưu niệm của chùa một gợi ý: "Xin nhà chùa hết sức lưu ý tìm mọi cách phục chế lại tấm bia giống như bia gốc, vì bản dập thuở xưa ở trung ương vẫn còn giữ được".

Có một người bao nhiêu năm vẫn âm thầm lo lắng cho số phận tấm bia, đó là nhà sư trụ trì Thích Đàm Tâm. Bà về chùa này từ khi còn rất trẻ và bà hiểu rằng bài "minh" sư Tổ viết trên bia là vô cùng quý giá. Lưu bút của vị giáo sư Viện Văn học đã giúp bà hướng hồi sinh tấm bia. Từ đó, bà có chủ ý tích cóp ngân quỹ từ món tiền công đức của thiện nam tín nữ mọi miền đất nước, chờ dịp thuận tiện dùng cho công việc. Đến năm 2006, cảm thấy đủ điều kiện, mặc dù tuổi đã cao, bà gọi điện mời GS. Huệ Chi chính thức thực hiện việc phục dựng bia. Lại thêm 7 năm nữa, những người cùng chí hướng phục chế bia đi lại như con thoi giữa hai nơi Hà Nội - Thanh Hóa. Ngoài GS. Nguyễn Huệ Chi chỉ đạo chung còn có các nhà thư pháp am hiểu chữ Hán, gồm cả chữ Hán hậu điền, chữ khải thời Lý - Trần như: Lê Quốc Việt, Phan Bảo, Nguyễn Kim Hưng, Nguyễn Văn Thanh, Phạm Văn Ánh... Riêng việc chọn được phiến đá lớn nguyên khối cho bia cũng tốn khá nhiều thì giờ, rồi còn phải kén kíp thợ đục đá giỏi tay nghề. Cuối cùng, họ đã tới đích.

Ngày 17/8/2013 vừa qua, tấm bia mới đã được khánh thành, đặt ở vị trí trang trọng trong chùa, trước sự hân hoan của mọi người. Bia mới kích cỡ giống bia cũ, mặt trước khắc lại toàn bộ bài "minh" của Pháp Bảo Đại Sư theo bản dập có từ thời Pháp thuộc còn lưu giữ được. Mặt sau cũng giữ lại như cũ với 13 hàng chữ ghi rõ việc cúng ruộng hậu điền cho chùa cùng ít dòng bổ sung sự việc phục dựng bia mới hôm nay.

Nhà sư Thích Đàm Tâm cùng các nhà phục dựng hiện còn có một tâm nguyện "nho nhỏ" nữa là dịch toàn bộ bài "minh" ra quốc ngữ để bên cạnh bia cho mọi người đều có thể hiểu được lịch sử của 1000 năm trước.

Phạm Quang Đẩu


Ý kiến của bạn