Có thể trong một lần nào đó bạn đi siêu âm bụng và được bác sĩ cho biết là bạn bị polyp cholesterol. Bạn sẽ tự hỏi: đây là loại bệnh gì, điều trị ra sao, có phòng ngừa được không?
Thế nào polyp cholesterol?
Trước hết phải xác định: polyp cholesterol là dạng u nhô vào trong túi mật không phải là polyp thật.
Trong bệnh polyp túi mật thì polyp cholesterol chiếm 2/3 các trường hợp, đường kính trung bình < 5mm và không bao giờ có kết hợp với sỏi cholesterol.
Polyp cholesterol thường có cuống nhỏ, mảnh, dễ đứt cuống ra ngoài túi mật và gây nghẹt ở đoạn cuối ống mật chủ. Tác giả Takii (Nhật Bản) báo cáo năm 1994 một trường hợp hiếm gặp, bệnh nhân vàng da tắc mật, đoạn cuối ống mật chủ có polyp 14mm gây tắc nghẽn, và hai polyp trong đường mật, mổ ra là polyp cholesterol. Chúng tôi nghiên cứu 109 trường hợp polyp túi mật tại BV. Đại học Y Dược TP.HCM thì polyp cholesterol chiếm 56,9% (62/109). Polyp cholesterol thường gặp là đa polyp (≥ 2 polyp), có cuống và lớn nhanh, có khi tăng số lượng polyp rất nhanh. Nếu chúng ta mắc bệnh polyp túi mật nên khám xét bằng siêu âm bụng sẽ phát hiện. Cho đến nay, polyp này lành tính chưa thấy có khả năng ác tính theo các nghiên cứu trên thế giới cũng như trong nước.
Cholesterol là gì?
Polyp dạng này liên quan đến cholesterol, đây là loại lipid đơn giản, là một chất béo steroid, không tan trong nước nhưng khi kết hợp với muối mật trong các hạt mixen sẽ tan được trong nước. Cholesterol có ở màng tế bào của tất cả các mô trong cơ thể, và được vận chuyển trong huyết tương. Cholesterol có 2 nguồn: ngoại sinh, và nội sinh. Nguồn gốc nội sinh: cholesterol được hấp thu từ ruột vào máu. Nguồn gốc ngoại sinh là phần lớn cholesterol được sinh tổng hợp tại gan. Hai dạng chính chuyên chở cholesterol trong máu là LDL (lipoprotein có tỉ trọng thấp), và HDL (lipoprotein có tỉ trọng cao) là hai chất mà chúng ta cần quan tâm.
Cholesterol có tỉ trọng thấp (LDL-c:Low Density Lypoprotein-cholesterol) là cholesterol “xấu” vì LDL có vai trò chuyên chở cholesterol từ gan đi khắp cơ thể mà các tiểu thể LDL-c lại dễ dàng bị oxy hóa. Các gốc tự do được sinh ra trong quá trình oxy hóa này sẽ: tăng ngưng tụ tiểu cầu; kích thích tăng sinh cơ trơn thành mạch. Các LDL-c oxy hóa bị các đại thực bào bắt giữ, tạo nên các tế bào bọt, tích tụ thành mảng bám vào thành động mạch gây hẹp lòng mạch, mất tính đàn hồi, xơ vữa động mạch, gây đột quỵ.
Cholesterol có tỉ trọng cao (HDL-c: High Density Lipoprotin-cholesterol) là cholesterol “tốt” vì HDL được tổng hợp từ gan và ruột non. Nhiệm vụ của HDL là chuyển cholesterol từ HDL sang IDL và LDL để trở về gan, ngoài ra có thể HDL hấp thu các tinh thể cholesterol bắt đầu đóng trên thành mạch máu, như vậy sẽ chống lại việc tích tụ cholesterol ở thành mạch gây bệnh xơ vữa động mạch, tức là nó có lợi cho cơ thể. Như vậy HDL sẽ giúp làm giảm nguy cơ đau tim và giảm nguy cơ gây xơ vữa động mạch. Nhưng nếu nồng độ HDL thấp (dưới 40 mg/dL) cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch.
Khi cholesterol có nhiều trong tế bào sẽ ức chế sự sinh tổng hợp cholesterol mới và ức chế sinh tổng hợp của lipoprotein có tỉ trọng thấp (LDL). Khi nồng độ LDL trong máu quá cao, đại thực bào sẽ chứa đầy cholesterol ester hóa tạo thành mãng xơ vữa thành mạch.
Tỉ lệ LDL/HDL lớn dẫn đến nguy cơ tích tụ cholesterol nhiều ở thành mạch gây xơ vữa động mạch do thiếu HDL không vận chuyển được cholesterol về gan.
Nếu LDL càng lớn dẫn đến nguy cơ bị xơ vữa động mạch càng lớn. Ngược lại nếu HDL càng lớn thì xơ vữa động mạch càng thấp. Khi tỉ lệ LDL/HDL > 5 thì nguy cơ bệnh mạch vành càng tăng. Khi HDL/LDL tăng thì tiên lượng tốt.
Trong cơ thể, hầu hết cholesterol huyết thanh là LDL-C, do đó khi cholesterol toàn phần tăng thì cũng là biểu hiện nguy cơ của bệnh mạch vành.
Điều trị - phòng bệnh như thế nào?
Thay đổi lối sống:
Nên hạn chế ăn mỡ động vật và lòng đỏ trứng gà để vì cholesterol có nhiều trong những thực phẩm này.
Trước hết, chúng ta chú ý đên chế độ ăn: cholesterol có nhiều trong mỡ động vật và lòng đỏ trứng gà nên hạn chế ăn các loại thức ăn này. Đừng để cơ thể quá mập bằng cách tính chỉ số BMI = cân nặng cơ thể/chiều cao bình phương. Bình thường = 18,5 - 22,9.
Thứ đến, chú ý vận động cơ thể: đi bộ và hoạt động cơ thể nhiều hơn sẽ làm cho HDL trong máu cao và giảm cholesterol trong máu.
Bột lúa mạch làm giảm cholesterol trong máu
Hóa chất cholestipol, bột lúa mạch làm giảm cholesterol trong máu. Mevinolin làm giảm cholesterol máu do ức chế men HMG-CoA reductaza, giảm LDL từ 25 - 45%.
Cuối cùng, chú ý không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia.
Các thuốc làm giảm cholesterol:
- Thuốc statin (Atorlip, Fluvastatin, Atorvastatin, Lovastatin, Pravastatin, Rosuvastatin, và Simvastatin) làm giảm tổng hợp cholesterol và LDL-choleterol (loại cholesterol xấu) mặt khác, statin làm tăng HDL-cholesterol (loại chllesterol tốt). Do đó, statin giúp làm ổn định các mảng bám xơ vữa mạch máu và vì vậy làm giảm nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
- Các loại thuốc ức chế(như ezetimibe) làm giảm quá trình hấp thụ cholesterol thông qua qua chế độ ăn uống.
- Fibrates (dẫn xuất acid fibric và có tên chung là fenofibrate và gemfibrozil) làm giảm lượng triglycerides trong máu và làm tăng HDL.
- Acid Bile resin(acid bile sequestrants và được biết đến với cái tên cholestyramine, colesevelam và colestipol) làm giảm lượng cholesterol LDL.
Niacin(còn được gọi là acid nicotinic) là một loại vitamin nhóm B (B3) giúp làm giảm triglycerides và LDL, làm tăng HDL khi chúng ta sử dụng với liều lượng lớn.
TS. BS. Nguyễn Anh Tuyến