Phép luyện “thần” giúp sống thọ

27-02-2015 08:00 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Y học cổ truyền cho rằng “thần” là biểu hiện ra ngoài của hoạt động sống mà ta có thể cảm nhận được. Bảo vệ được cái “thần” sẽ giúp cho cơ thể luôn ở trạng thái hài hòa và sống thọ.

Y học cổ truyền cho rằng “thần” là biểu hiện ra ngoài của hoạt động sống mà ta có thể cảm nhận được. Nó là tổng hòa của cảm giác, tư duy, hành vi của con người. Riêng tư duy còn có tên là thần minh và nó tương tự như hoạt động tâm thần.

Tinh của tạng phủ vượng, khí đưa vào cơ thể đủ thì thần vượng. Nếu thần thái suy tức là có sự hao tinh, tổn khí và cơ thể sẽ suy yếu. Bảo vệ được cái “thần” sẽ giúp cho cơ thể luôn ở trạng thái hài hòa và sống thọ. Sau đây là liệu pháp chúng ta nên luyện tập giúp bảo vệ “thần”:

Lạc quan

Lạc là vui vẻ, quan là nhìn. Lạc quan là cách nhìn, thái độ tin tưởng ở triển vọng phát triển tốt đẹp của sự việc, của tương lai.

Y học cổ truyền cho rằng, mỗi sự vật đều có hai mặt âm dương đối lập thống nhất với nhau, dựa vào nhau để phát triển, cái nọ sinh ra cái kia và luôn giữ ở thế cân bằng động. Mặt dương đại diện cho mặt tích cực vươn lên, mặt âm đại diện cho mặt tiêu cực đi xuống, tạo cho sự vật phát triển theo quỹ đạo của nó. Hãy biết vui với cái mình đang có, hòa mình vào hiện tại, hy vọng sẽ có những việc tốt đẹp hơn để làm việc có ích cho bản thân, cho đời. Biết tự giải thoát khỏi những vấn vương để lòng thanh thản, muốn vậy, cần biết phân tích mặt xấu, mặt tốt của sự việc một cách khách quan để có cách giải quyết hiệu quả.

Nên biết rằng trong cái xấu (âm) vẫn có cái tốt (dương), trong cái vui (dương) vẫn tiềm ẩn cái đáng ghét (âm). Người có được cách nhìn đó thường có thái độ lạc quan, yêu đời.

Lấy thiện hay ác trong suy nghĩ và hành động. Thích ứng tốt với cuộc sống khi nhận thức được rằng các sự việc tốt xấu đan xen lẫn lộn, phức tạp luôn diễn ra quanh ta, từ đó tìm ra hướng phát triển, tự hình thành cho mình một thế ổn định trong cuộc sống luôn luôn biến động để tiến lên. Những kết quả đạt được bước đầu sẽ là động lực cho việc nối tiếp và làm cho mình lạc quan hơn.

Sống lạc quan, vui vẻ giúp người già luôn khỏe mạnh.

Có ý chí kiên cường

Y học cổ truyền cho rằng: “Người có ý chí thì có thể chế ngự được thần, thu được hồn phách, thích ứng được hàn ôn, điều hòa được vui vẻ, giận hờn”. Có thể hiểu, có ý chí kiên cường thì có thể điều khiển được hoạt động tinh thần, điều hòa được tình chí, không cho tà khí vào cơ thể và phòng được bệnh.

Biện pháp để rèn luyện ý chí chủ yếu là được rèn luyện trong những điều kiện sống đan chen cụ thể khác nhau và tìm được cách vươn lên trong những điều kiện đó.

Tình chí phải hòa hợp

Y học cổ truyền ghi nhận 7 loại tình chí: vui vẻ, giận hờn, buồn rầu, bi ai, lo lắng, sợ hãi, suy nghĩ. Nếu 7 tình chí này mà hòa hợp thì tâm, can, tỳ, phế, thận được yên. Để tình chí hòa hợp phải luôn vui vẻ vì vui vẻ làm cho tâm hoạt động tốt, “thần” được yên. Song không nên vui quá mức hóa điên, hóa thần. “Tiếng cười làm trẻ mười năm, âu sầu làm bạc đầu sớm”. Phải nén cái giận không để bùng ra, vì giận quá làm can khí mất điều hòa. Biện pháp khống chế cái giận là từ từ uống 1 - 3 ngụm nước, thở dài ra vài cái (thời gian này làm cho yếu tố bùng ra mất đi); nhân nhượng khi tranh luận căng thẳng làm cho không khí dịu lại, mỗi người đều tĩnh tâm mới giải quyết được công việc; tạm thời quên việc đó bằng cách làm việc khác vui hơn.

Cũng cần giảm tối đa sự lo lắng bởi lo lắng là trạng thái rất không yên lòng và phải để hết tâm trí vào công việc. Y học cổ truyền cho “lo lắng làm tâm khí hỗn loạn”. Cái gốc của lo lắng là sự chờ đợi một việc sắp đến mà chưa biết kết quả tốt hay xấu. Để giảm lo lắng, nên tìm hiểu rõ vấn đề để có cơ sở tin tưởng trong chờ đợi. Trong khi chờ đợi, hãy tạo ra một trạng thái vui vẻ. Tuệ Tĩnh viết: “Vì lo mà sinh bệnh thì lấy mừng mà chữa”.

Tránh những việc khiến khiếp sợ. Khiếp sợ là trạng thái sợ hãi đến mức mất thần (ngất xỉu), y học cổ truyền cho là nó làm “khí hạ”. Vì thế không cho biết những tin đột ngột (nghe tin xấu, nhìn cảnh sợ chết khiếp); biết mình sợ cái gì thì tập tiếp xúc dần cho quen. Tuệ Tĩnh viết: “Sợ quá sinh bệnh thì lấy suy nghĩ mà chữa”.

Không tự đưa mình vào cảnh buồn, bi ai. Y học cổ truyền cho rằng, “buồn, bi làm khí tắc không hành được, làm khí tiêu”. Người mà “buồn cứ tích lại thì thần hồn cũng bị tổn thương” và “ở người 60 tuổi, tâm khí bắt suy, dễ cảm thấy buồn bi”. Do vậy, nên vui với cái mình đang có, hy vọng sẽ có cái khác mình đang thiếu, theo ý “lấy cái vui vẻ của tâm hỏa để chế ngự cái buồn bi của phế kèm” tức là dùng  hỏa để chế khắc kim.

BS. Nguyễn Phương Hoa

 

 


Ý kiến của bạn