Trong miền Nam Cho đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM là đơn vị đầu tiên thực hiện kỹ thuật này.
Đây là phương pháp không cần phải chẻ xương ức nhưng vẫn làm được những cầu nối mạch vành vào những mạch máu quan trọng nhất của tim, đảm bảo chất lượng miệng nối thông suốt lâu dài, giúp giảm nguy cơ tái hẹp và các biến cố tim cho người bệnh.
Người bệnh Nguyễn Văn L., 54 tuổi, ngụ tại Tiền Giang, nhập viện trong tình trạng đau ngực khi gắng sức. Trước đó, người bệnh đã bị nhồi máu cơ tim cấp một lần vào năm 2016, và được đặt stent động mạch vành, cùng với tiền căn khác như: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu. Người bệnh được chỉ định chụp động mạch vành thì phát hiện bị tái hẹp trong stent động mạch liên thất trước. PGS.TS.BS. Nguyễn Hoàng Định - Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch nhận định: mặc dù đây không phải là trường hợp cấp cứu trong hội chứng vành cấp nhưng cũng đòi hỏi phải phẫu thuật sớm cho người bệnh, vì nguy cơ tắc mạch vành gây ra nhồi máu cơ tim cấp. Người bệnh đã được êkíp bác sĩ điều trị bằng phương pháp mới: phẫu thuật bắc cầu động mạch vành ít xâm lấn, không cần chẻ xương ức mà tiếp cận qua một đường mở ngực bên trái 7cm để làm cầu nối mạch vành. Sau điều trị người bệnh ổn, thời gian nằm hồi sức và thời gian nằm viện ngắn, chỉ khoảng 7 ngày là có thể xuất viện.
Ca phẫu thuật tim
PGS. Nguyễn Hoàng Định cho biết, để ứng dụng thành công kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật tim phải được huấn luyện bài bản, có dụng cụ đặc biệt để đảm bảo chất lượng mạch máu và cầu nối tương đương phẫu thuật hở. Êkíp cần có sự thống nhất và phối hợp nhịp nhàng, cần các bác sĩ có chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm trong cả tim mạch can thiệp và phẫu thuật tim cùng hội chẩn để đưa ra quyết định đúng đắn và có lợi nhất cho người bệnh.Kỹ thuật này đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh như: giảm chảy máu, giảm đau sau mổ, giảm thời gian thở máy, nằm viện, và có tính thẩm mỹ. Chi phí không tăng lên đáng kể so với phẫu thuật bắc cầu mạch vành kinh điển và được BHYT thanh toán đầy đủ. Tuy nhiên, phương pháp này chống chỉ định đối với những trường hợp xạ trị vùng ngực, lao phổi cũ, phẫu thuật ở vùng ngực trái hoặc đã phẫu thuật bắc cầu mạch vành trước đây.
Hội Tim mạch Việt Nam dự báo, đến năm 2017, Việt Nam sẽ có 1/5 dân số mắc bệnh tim mạch và tăng huyết áp. Đáng lưu ý, tỉ lệ tăng huyết áp ở những người trẻ từ 25 tuổi đang gia tăng, chiếm 21,5% tổng số ca mắc bệnh. Cùng với đái tháo đường, rối loạn lipid máu và tăng huyết áp là những yếu tố nguy cơ lớn cho bệnh động mạch vành.
Theo ThS.BS. Võ Tuấn Anh - Khoa Phẫu thuật tim mạch, các yếu tố nguy cơ tim mạch bao gồm hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, ít vận động, rối loạn lipid máu,... Bệnh thường gặp ở nam giới hơn nữ giới, người lớn tuổi có các nguy cơ kể trên và tỉ lệ mắc bệnh đang ngày càng trở nên phổ biến cùng với các bệnh rối loạn chuyển hóa.
Dấu hiệu của bệnh đặc trưng nhất là đau thắt ngực - cơn đau đè ép ở giữa xương ức, lan lên cằm, vai trái và tay trái. Đau kèm khó thở, vã mồ hôi, hoảng hốt và lo sợ. Ở giai đoạn đầu, đau xuất hiện khi gắng sức. Trong những giai đoạn muộn, đau xuất hiện cả khi nghỉ ngơi, được gọi là hội chứng động mạch vành cấp. Các dấu hiệu này có thể nhầm lẫn với thuyên tắc phổi, bóc tách động mạch chủ. Tuy nhiên đây cũng là 2 tình trạng bệnh lý cần cấp cứu khẩn.
BS. Tuấn Anh nhấn mạnh, ở một số trường hợp nhồi máu cơ tim vùng hoành (vùng nằm sát dạ dày) có biểu hiện đau ở thượng vị, làm người bệnh có thể được chẩn đoán nhầm thành đau dạ dày, dẫn đến bỏ qua thời gian vàng của tái tưới máu cơ tim. Hoặc trên người bệnh đái tháo đường týp II, triệu chứng đau ngực không còn điển hình, thậm chí có thể biến mất, làm bỏ sót chẩn đoán và ảnh hưởng đến tiên lượng của người bệnh. Chính vì vậy, người bệnh cần đi khám sức khỏe sớm khi có triệu chứng bệnh. Bên cạnh đó, người dân cần tập thể dục điều độ, ăn nhạt, giảm mỡ, duy trì cân nặng lý tưởng, ngưng hút thuốc lá và khống chế tốt huyết áp, đường huyết để phòng tránh bệnh.