Phát triển mô hình Bác sĩ gia đình tại trạm y tế xã, phường: Lợi cho dân

25-09-2017 07:58 | Camera bệnh viện

SKĐS - Chủ trương phát triển nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình tại các trạm y tế được đánh giá là giải pháp phù hợp để vừa tận dụng được mạng lưới cơ sở hạ tầng sẵn có, vừa nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh sàng lọc ban đầu hữu ích với người dân.

Phát triển mô hình Bác sĩ gia đình tại trạm y tế xã, phường: Lợi cho dân

Các phòng khám BSGĐ ở các quận TP.HCM đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu cho nhiều người dân.

Bác sĩ gia đình (BSGĐ) là bác sĩ chăm sóc cho cá nhân và gia đình, mọi giới, mọi tuổi, mọi loại bệnh. BSGĐ chính là tuyến khám chữa bệnh đầu tiên, nơi theo dõi sức khỏe ban đầu, sàng lọc và chữa trị những bệnh thông thường, chỉ những bệnh nặng, đòi hỏi sâu về chuyên môn thì mới chuyển đến tuyến 2 - 3 thuộc lĩnh vực chuyên môn. Do đó, nếu mô hình này phát huy được hiệu quả thì sẽ góp phần giảm tải đáng kể cho tuyến trên.

TP.HCM là địa phương tiên phong triển khai mô hình phòng khám BSGĐ. Sau khi thí điểm tại Bệnh viện Quận 10, từ năm 2013 đến đầu năm 2017, thành phố có 19/23 bệnh viện quận huyện, 6 phòng khám BSGĐ tư nhân, 7 phòng khám BSGĐ nằm trong phòng khám đa khoa tư nhân và 191/319 trạm y tế lập phòng khám BSGĐ. Trong đó, tại tuyến Trạm y tế phường xã hiện có 218 BSGĐ hoạt động.

Phát triển mô hình Bác sĩ gia đình tại trạm y tế xã, phường: Lợi cho dânCác bác sĩ ở phòng khám bác sĩ gia đình tại Trạm y tế xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn khám sức khỏe cho người dân trên địa bàn.

Tại Hà Nội, một trong những nơi làm tốt mô hình BSGĐ là  TTYT huyện Thanh Oai. Ở đây đang triển khai thực hiện mô hình BSGĐ tại Phòng khám đa khoa Dân Hòa và 10 trạm y tế trên địa bàn huyện với 23 bác sĩ và điều dưỡng. Tất cả các bác sĩ phụ trách các phòng khám BSGĐ trên địa bàn huyện đều có chứng chỉ về y học gia đình. Trong 6 tháng đầu năm 2017, các phòng khám BSGĐ của huyện đã quản lý sức khỏe cho 663 người; thực hiện 3.065 lượt khám bệnh, đã phát hiện bệnh cho 295 trường hợp và thực hiện chuyển tuyến 2 trường hợp. Các phòng khám BSGĐ hoạt động lồng ghép với hoạt động khám chữa bệnh của phòng khám và các trạm y tế. Người dân đến khám và điều trị được lập hồ sơ quản lý sức khỏe, tư vấn về cách bảo vệ sức khỏe qua ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Rất nhiều người dân bị những bệnh nhẹ hoặc bệnh mạn tính cảm thấy thuận tiện vì không phải đi lên bệnh viện huyện khám mà có thể xử lý ở ngay xã mình.

Phát triển mô hình Bác sĩ gia đình tại trạm y tế xã, phường: Lợi cho dânMột số bệnh nhân nhẹ hoặc mạn tính thấy tiện lợi khi được khám, phát thuốc ngay tại địa phương chứ không phải đi lại xa.

Theo kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình BSGĐ tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020: đến năm 2017, 100% các trường đại học y có đào tạo bác sĩ đa khoa phải thành lập, kiện toàn bộ môn hoặc khoa y học gia đình, có phòng khám BSGĐ; đến năm 2020, 100% phòng khám BSGĐ ứng dụng phần mềm tin học quản lý hoạt động và sử dụng hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử, có ít nhất 80% tỉnh, thành triển khai phòng khám BSGĐ.

Phát triển mô hình Bác sĩ gia đình tại trạm y tế xã, phường: Lợi cho dânNhiều phòng khám BSGĐ tuyến phường, xã ở TP.HCM nỗ lực để phát huy hiệu quả.

Vấn đề của các nhà quản lý là phải tính toán mức thu nhập tương xứng cho bác sĩ làm việc, đầu tư cơ sở vật chất cho các phòng khám bác sĩ gia đình, nhất là phòng khám đặt tại các trạm y tế. Mô hình bác sĩ gia đình là một bước đi đúng nhưng việc triển khai và thực hiện nó như thế nào để có hiệu quả thực sự, đó không phải là chuyện đơn giản.


Hải Đăng
Ý kiến của bạn