Phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số

21-12-2017 11:12 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tại Nghị quyết số 21-NQ/TW, Ban chấp hành Trung ương đã đề ra 8 mục tiêu quan trọng trong công tác dân số đến năm 2030 và một trong những giải pháp để hoàn thành chính là phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số.

Tiếp tục củng cố mạng lưới kế hoạch hóa gia đình

Hiện nay, mạng lưới kế hoạch hóa gia đình đang được triển khai từ các bệnh viện trung ương đến các cơ sở y tế trong cả nước. Tại tỉnh Bắc Ninh, ngoài Trung tâm CSSKSS tỉnh, 8 khoa chăm sóc SKSS thuộc các TTYT tuyến huyện, 126 trạm y tế có buồng đẻ và buồng khám phụ khoa còn có khoa Sản của Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh/huyện.

Bên cạnh đó, một số mô hình cung cấp dịch vụ KHHGĐ như phân phối phương tiện tránh thai phi lâm sàng (viên uống tránh thai, bao cao su) dựa vào cộng đồng, tiếp thị xã hội đã được triển khai với mục đích đưa dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến tận người sử dụng.

Ngoài các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, mô hình còn chú trọng đến đối tượng vị thành niên và thanh niên. Nghị quyết số 21-NQ/TW cũng nêu rõ, cần củng cố mạng lưới dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân.

Tăng cường kết nối, hợp tác với các cơ sở cung cấp dịch vụ ngoài công lập. Đổi mới phương thức cung cấp, đưa dịch vụ tới tận người sử dụng; thúc đẩy cung cấp dịch vụ qua mạng. Ngoài ra, cũng cần tiếp tục củng cố mạng lưới Sắp xếp lại hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội công lập theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tạo lập môi trường thân thiện, hòa nhập giữa các nhóm đối tượng và với xã hội.

Phát triển mạnh hệ thống chuyên ngành lão khoa

Người cao tuổi có vai trò rất quan trọng trong mỗi gia đình và toàn xã hội. Hiện nay, cả nước có hơn 8,7 triệu người cao tuổi. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tuổi thọ của người Việt Nam trong những thập kỷ qua liên tục tăng, nếu năm 1960 tuổi đời của người Việt trung bình chỉ đạt 40 năm (thế giới là 48 năm) thì đến nay tuổi thọ của người Việt đã tăng lên 73,2 (tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm gần 7% dân số) vượt tuổi thọ trung bình của thế giới (trung bình thế giới là 69 tuổi). Dự báo, đến năm 2050, tuổi thọ trung bình của người Việt sẽ tăng lên 80,4 tuổi.

Nâng cao hệ thống chăm sóc người cao tuổi góp phần tăng thời gian sống khỏe mạnh.

Nâng cao hệ thống chăm sóc người cao tuổi góp phần tăng thời gian sống khỏe mạnh.

Tuy nhiên, số năm sống khỏe của người cao tuổi vẫn còn thấp do nhiều nguyên nhân như cuộc sống khó khăn, sống dựa vào con cháu, mắc nhiều bệnh mạn tính… Mặc dù theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, có 93,58% người cao tuổi được khám, chữa bệnh và hưởng chăm sóc của gia đình  nhưng số cơ sở y tế có chuyên khoa lão còn rất ít khiến cho việc chăm sóc sức khỏe gặp khó khăn. Do vậy, Nghị quyết 21-NQ/TW khẳng định, cần phát triển mạnh hệ thống chuyên ngành lão khoa trong các cơ sở y tế. Khuyến khích phát triển các cơ sở chăm sóc người cao tuổi; cơ sở cung cấp các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, văn hóa, giải trí của người cao tuổi nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030, người cao tuổi Việt Nam có số năm sống khỏe là 68 năm.

Một số dịch vụ về dân số khác

Ban chấp hành Trung ương luôn coi dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.

Chính vì vậy, trong giải pháp phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số toàn diện về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố, ngoài việc tiếp tục củng cố mạng lưới kế hoạch hóa gia đình và phát triển mạnh hệ thống chuyên ngành lão khoa, Nghị quyết số 21-NQ/TW còn nhấn mạnh việc ưu tiên đầu tư nguồn lực nhà nước, đồng thời huy động nguồn lực xã hội phát triển các cơ sở cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản bảo đảm các nhóm dân số đặc thù như trẻ em, người khuyết tật, người bị di chứng chiến tranh, người cao tuổi, đồng bào dân tộc ít người, người di cư... đều thực sự bình đẳng về cơ hội tham gia, thụ hưởng thành quả phát triển.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh nghiên cứu về dân số và phát triển, nhất là các vấn đề mới, trọng tâm về cơ cấu, chất lượng, phân bố dân số và lồng ghép yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực. Tăng cường hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, phát triển mạng lưới nghiên cứu về dân số và phát triển.


Nguyễn Lê Phương
Ý kiến của bạn