Phát huy hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành bảo hiểm

15-12-2017 08:58 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, 11 tháng năm 2017, đã thanh tra chuyên ngành tại 2.859 đơn vị và thanh tra liên ngành tại 2.805 đơn vị, qua đó truy thu đóng hàng chục tỷ đồng.

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, trong 11 tháng năm 2017, thanh tra chuyên ngành tại 2.859 đơn vị và thanh tra liên ngành tại 2.805 đơn vị. Qua đó phát hiện 29,56 ngàn lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian (số tiền phải truy đóng hơn 45 tỉ đồng); hơn 27 ngàn lao động đóng không đúng mức quy định (số tiền yêu cầu truy đóng 20,25 tỉ đồng). Số tiền các đơn vị được thanh tra đang nợ 1.862 tỉ đồng, số tiền đã nộp trong thời gian thanh tra là 590 tỉ đồng, số tiền đơn vị đã nộp khi thực hiện kết luận thanh tra là 239 tỉ đồng. Ngoài ra, qua công tác thanh tra chuyên ngành đã phát hiện 1.840 lao động đóng không đúng đối tượng, đóng dư, gửi đóng với số tiền yêu cầu thoái thu, hoàn trả hơn 5 tỉ đồng. Cũng qua thanh tra chuyên ngành, các đơn vị ban hành 158 quyết định xử phạt với số tiền 5,7 tỉ đồng.

Thanh tra chuyên ngành BHXH đã đạt được kết quả tích cực bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Ảnh: Trần Minh

Thanh tra chuyên ngành BHXH đã đạt được kết quả tích cực bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Ảnh: Trần Minh

Những địa phương thu hồi nợ sau khi thanh tra chuyên ngành đạt trên 90% như: Bắc Giang, Trà Vinh, Kiên Giang, Thái Nguyên… Những con số đó cho thấy quy định giao chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho cơ quan BHXH là hoàn toàn đúng đắn, mang lại hiệu quả cao, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; đồng thời có tác dụng răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm của các chủ sử dụng lao động. Tuy nhiên, theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến nay tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH tại các doanh nghiệp vẫn rất phức tạp. Để hạn chế tình trạng này, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, ngành BHXH cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH tới chủ sử dụng lao động và người lao động để nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể này. Đồng thời, công khai các hành vi vi phạm pháp luật để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của dư luận trong đấu tranh ới các chủ thể vi phạm. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường phối hợp cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc quản lý, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách BHXH; thường xuyên trao đổi, thống nhất, tạo sự đồng thuận với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan trong việc xử lý vi phạm của các đơn vị sử dụng lao động. Đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ với công đoàn các cấp và tòa án để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện biện pháp khởi kiện đối với những đơn vị sử dụng lao động cố tình nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Cùng với đó, cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để cùng các ngành liên quan triển khai quy định xử lý hình sự đối với hành vi tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT theo quy định của Bộ luật Hình sự. Phát biểu tại “Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành, nghiệp vụ kiểm tra tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo” do BHXH Việt Nam vừa tổ chức, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương cho biết, qua một thời gian thực hiện, hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác thanh tra chuyên ngành còn mới mẻ, đòi hỏi sự cố gắng hơn nữa của lãnh đạo cũng như cán bộ chuyên môn.

Trước đó, trong năm 2016, thanh tra chuyên ngành BHXH đã thực hiện thanh tra tại 1.135 đơn vị sử dụng lao động, phát hiện 39.770 lao động chưa tham gia (số tiền yêu cầu truy đóng hơn 24 tỉ đồng); hơn 11,6 ngàn lao động đóng không đúng mức quy định (số tiền yêu cầu truy đóng 9,3 tỉ đồng). Qua thanh tra đã lập 104 biên bản xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2,17 tỉ đồng.


Hoàng Nguyễn
Ý kiến của bạn