Thông tin trên được Hội Nhi khoa Việt Nam đưa ra tại hội thảo khoa học diễn ra mới đây tại Hà Nội. Với mục đích tăng cường phối hợp giữa chuyên gia y tế và phụ huynh trong việc phát hiện sớm và chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, Hội Nhi khoa Việt Nam phối hợp với Abbott tổ chức hội thảo này nhằm cung cấp kiến thức, hướng dẫn thực hành đánh giá tăng trưởng cho hơn 400 bậc cha mẹ, giúp họ chủ động nhận biết và hỗ trợ quá trình phát triển chiều cao của con. Cùng với đó là hướng đến mục tiêu chung là cải thiện thể trạng và tầm vóc của thế hệ trẻ em Việt Nam. Điều này trong Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2025–2030 cũng đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 15%, và nâng chiều cao trung bình của thanh niên thêm từ 1,5 đến 2,5 cm so với năm 2020.
PGS.TS.BS Khu Thị Khánh Dung, Phó Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cho biết: "Cha mẹ nên thường xuyên theo dõi, đánh giá tăng trưởng của trẻ dựa trên tiêu chuẩn của WHO và chủ động trao đổi với bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp. Hành động sớm sẽ giúp trẻ em tránh những tác động lâu dài về sức khỏe và có điều kiện phát triển tối đa tiềm năng".

Hội Nhi khoa Việt Nam cho biết, 1/5 trẻ em Việt Nam đang bị suy dinh dưỡng thấp còi – một dạng suy dinh dưỡng mạn tính thể hiện qua chiều cao thấp hơn chuẩn theo tuổi.
"Phát hiện sớm là cực kỳ quan trọng giúp can thiệp kịp thời suy dinh dưỡng thấp còi, vì chỉ trong 5 năm đầu đời đã quyết định đến 60% chiều cao trưởng thành của trẻ", PGS.TS Khu Thị Khánh Dung nhấn mạnh.
Theo thông tin trong hội thảo, tại Việt Nam, tốc độ giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi hiện đang chậm lại, dưới 1% mỗi năm kể từ năm 2015. Thống kê cũng cho thấy, mức chênh lệch chiều cao giữa trẻ Việt Nam và các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia chỉ vài cm, nhưng có thể tăng gấp 2–3 lần khi trẻ đến tuổi dậy thì.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng khuyến cáo, vấn đề chậm phát triển chiều cao ở trẻ thường ít được chú ý và khó nhận biết rõ ràng. Trẻ có thể vẫn ăn uống bình thường nhưng lại âm thầm tăng trưởng kém so với chuẩn. Theo đó, hội thảo đã cập nhật cũng như giới thiệu các công cụ để đánh giá tăng trưởng chiều cao cho trẻ, trong đó công cụ đánh giá tăng trưởng trực tuyến của Hội Nhi khoa Việt Nam dựa trên tiêu chuẩn của WHO sẽ cho biết tình trạng tăng trưởng của trẻ và cảnh báo các nguy cơ suy dinh dưỡng với thao tác đơn giản.
Các chuyên gia lưu ý rằng trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng hoặc thiếu hụt dinh dưỡng thường cần nhu cầu năng lượng cao hơn so với trẻ phát triển đạt chuẩn. Do đó, cần chú trọng bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu như đạm chất lượng cao, arginin, vitamin K2, các loại vitamin và khoáng chất quan trọng, lợi khuẩn và prebiotics... Giải pháp giúp trẻ tăng trưởng chiều cao hiệu quả sẽ bao gồm chế độ dinh dưỡng hợp lý, vận động thể chất đều đặn và giấc ngủ chất lượng. Trong đó, 5 năm đầu đời được xem là "thời gian vàng" để khắc phục hiệu quả tình trạng thấp còi. Nhiều nghiên cứu cho thấy, dinh dưỡng có tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng chiều cao trong giai đoạn này.
Đối với nhóm trẻ tăng trưởng kém, biếng ăn hoặc kém hấp thu, thực phẩm bổ sung đường uống với công thức đầy đủ và cân đối là giải pháp hỗ trợ hiệu quả. Phụ huynh nên ưu tiên lựa chọn các sản phẩm được thiết kế chuyên biệt cho trẻ tăng trưởng chậm, biếng ăn hoặc kém hấp thu, đã được nghiên cứu và chứng minh lâm sàng, cũng như công bố minh bạch trên các tạp chí khoa học quốc tế.