Phải thay đổi nhận thức về học nghề

30-04-2018 06:17 | Xã hội

SKĐS - Tình trạng thừa thầy thiếu thợ tay nghề cao vẫn luôn là bài toán chưa có lời giải. Mỗi năm cả nước có gần 1 triệu thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng.

Rất ít trong số đó có suy nghĩ học nghề để đi làm. Hiện nay, nhiều nhóm ngành, nghề cần nguồn nhân lực lớn mà lao động phổ thông chưa đáp ứng được.

Theo ông Đỗ Văn Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, 2018 sẽ là năm đột phá của chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Tổng cục GDNN đã ban hành quy chế tuyển sinh mở, tạo điều kiện tốt cho cả các trường và người học. Vấn đề được nhiều học sinh và phụ huynh quan tâm nhất hiện nay là những nhóm ngành, nghề nào sẽ có vị trí ổn định trong tương lai. Giải đáp thắc mắc này, ông Đỗ Văn Giang cho biết, nghề hàn, cắt gọt kim loại, cấp thoát nước, nghề điện, dịch vụ chăm sóc gia đình đang là những ngành nghề thiếu nguồn nhân lực, cả trong nước lẫn xuất khẩu lao động. Đồng thời, các ngành nghề này đều được đào tạo tại trường nghề địa phương. Sau khi kết thúc chương trình, học viên có thể hành nghề tốt ngay tại địa bàn của mình.

Ngoài các ngành kể trên, điều dưỡng cũng là ngành có tiềm năng việc làm lớn. Các nước lớn như Nhật Bản và Đức rất cần nguồn nhân lực trong ngành điều dưỡng của Việt Nam. Đây là thị trường việc làm rất lớn cho các sinh viên theo học nghề điều dưỡng hoặc chăm sóc sức khỏe gia đình.

Giải quyết vấn đề tuyển sinh và hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp cho học viên, Tổng cục đang áp dụng chương trình thí điểm giáo dục cấp độ quốc tế đối với trường giáo dục nghề. Theo đó, 12 chương trình giáo dục tiên tiến của Australia đang được đưa vào thí điểm đối với khoảng 40 trường đào tạo nghề trên toàn quốc. Toàn bộ chương trình dạy, đề thi, phương pháp, công nghệ đều được thực hiện theo tiêu chuẩn của Australia. Kết thúc khóa học 3 năm, sinh viên sẽ được cấp bằng cao đẳng hoặc cao đẳng nâng cao từ nước này. Đồng thời, người học còn được cấp thêm một bằng Việt Nam sau khi học xong một số môn chung theo quy định.

Ngoài ra, trong năm 2018, hệ thống giáo dục nghề sẽ chuẩn bị triển khai đào tạo 22 nghề quốc tế trọng điểm chuyển giao từ Đức. Sinh viên được đào tạo theo mô hình đào tạo kép, kết hợp giữa nhà trường, nhà tuyển dụng lao động và doanh nghiệp.

Thực tế trong thời gian qua, GDNN đã có sự thay đổi cả về quy mô và chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều thách thức ở phía trước, trong đó nhận thức của xã hội đối với học nghề, dạy nghề chưa thực sự được coi trọng là một thách thức lớn nhất. Dù đã có nhiều đổi mới trong công tác tuyển sinh, từ cơ quan quản lý nhà nước đến các cơ sở đào tạo. Xu hướng mà các trường nghề đang hướng tới hiện nay là đào tạo những gì doanh nghiệp và xã hội đang cần chứ không phải đào tạo những gì đang có, xây dựng chương trình đào tạo gắn với nhu cầu thực tế. Trong đó, nhà trường cần tạo nên không gian trải nghiệm trong quá trình học cho sinh viên.

Để giải quyết việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục GDNN đã thực hiện nhiều nội dung như: tăng cường hợp tác với các nước để đẩy mạnh việc xuất khẩu lao động; ký kết hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số tập đoàn kinh tế lớn trong việc gắn kết GDNN với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm. Tính trung bình, năm 2017, tỉ lệ học viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt 80%; trong đó, tỉ lệ sinh viên cao đẳng ra trường có việc làm đạt 79%, trung cấp đạt 82%.

Những con số trên đã phần nào nói lên, thực trạng học nghề và cơ hội việc làm hiện nay là rất lớn. Một mùa tuyển sinh và hướng nghiệp đang ở phía trước. Các em học sinh và phụ huynh hãy có những lựa chọn thông thái để xác định bước đường lập nghiệp tương lai vững chắc. Thực tế cho thấy, gần đây, tỷ lệ thất nghiệp tập trung nhiều nhất ở các bậc học trình độ cao, không ít sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường nhưng không có việc làm, phải quay về học nghề. Do vậy, cần tránh tình trạng người học học ồ ạt theo nhu cầu của bản thân, học để có bằng cấp nhưng lại không có việc làm.


MINH HIẾU
Ý kiến của bạn