Người đàn ông 55 tuổi này đã phàn nàn về việc khó nuốt, cảm giác khó thở và bị ho suốt 2 ngày.
Ông giải thích rằng mình bị động kinh từ nhỏ và phải uống thuốc chống động kinh thường xuyên.
Cách đây 1 tuần, ông lên cơn động kinh trong khi đang đeo răng giả. Khi tỉnh dậy sau cơn động kinh, ông thấy một phần của chiếc răng giả ở trên sàn. Ông tìm kiếm phần còn lại nhưng không thấy. Ông cứ nghĩ phần răng đó bị mất nên không bận tâm nữa và tiếp tục công việc hàng ngày. Nhưng 5 ngày sau ông bắt đầu có dấu hiệu nuốt khó, thức ăn như bị mắc kẹt ở ngực và bị ho.
Các triệu chứng trở nên tồi tệ đến mức ông phải đi bệnh viện.
Ở đó, các bác sĩ đã chụp X-quang và phát hiện ra rằng ông đã nuốt phải một phần của chiếc răng giả trong khi bị động kinh.
Mẩu răng này nằm sâu trong thực quản của ông, cách miệng 32 cm.
Phần răng giả này đã cắm vào thành thực quản và bị kẹt ở đó.
Các bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật nội soi và dùng kẹp cá sấu để gắp mẩu răng này ra. Nhưng nó bị ghim chặt vào thành thực quản, mỗi lần họ định gắp ra bằng kẹp nó lại trượt đi. Cuối cùng, các bác sĩ đã có thể kéo nó lên đoạn trên của thực quản và loại bỏ nó bằng thủ thuật nội soi thực quản cứng. Sau phẫu thuật bệnh nhân bị sốt và được điều trị bằng kháng sinh.
Các bác sĩ khuyên ông nên trồng răng giả thay vì đeo những chiếc răng giả dễ rơi.
Nói về trường hợp này, các bác sĩ cho biết những trường hợp nuốt phải răng giả là rất phổ biến, chiếm khoảng 11,5% dị vật bị rơi xuống thực quản.
Thông thường, răng giả rất khó rơi ra vì chúng có móc cài.
Họ cho biết trên tờ J ournal BMJ Case reports rằng các dị vật có đầu nhọn bị kẹt trong thực quản là một cấp cứu y khoa. Bệnh nhân có thể hoàn toàn không nhận thức được họ đã nuốt phải răng giả, đặc biệt là những chiếc răng không được gắn chặt trong quá trình ăn uống và trong khi ngủ hoặc nếu rơi vào tình trạng vô thức.
Những bệnh nhân động kinh càng có nguy cơ bị nuốt phải răng giả khi lên cơn và vì vậy giải pháp thích hợp với họ là trồng răng giả mặc dù đây là lựa chọn tốn kém hơn.
Hà Ngân
(Theo Univadis/Dailymail)