(Phỏng vấn nhà thơ Trần Đăng Khoa)
Phóng viên (PV): Việc nóng đầu tiên trong muôn Chuyện đời, thưa ông Trần Đăng Khoa, đó là kiến nghị đánh thuế với các khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm của cá nhân vừa được Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico) đưa ra với Bộ Tài chính tại Hội thảo lấy ý kiến sửa 5 Luật do VCCI vừa tổ chức mới đây. Theo ông Đức, cần phải quy định thêm việc đánh thuế đối với tiền gửi nói chung, tiền gửi tiết kiệm nói riêng tại các tổ chức tín dụng. Ví dụ theo ông, nếu thu nhập từ lãi tiết kiệm cao hơn hai lần mức thuế khởi điểm (tính theo năm) của thu nhập cá nhân tính thuế. Theo quy định hiện nay, mức thuế khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (tính theo năm) là 108 triệu đồng. Như vậy, nếu một khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm của một cá nhân tới hơn 200 triệu đồng, thì theo Luật sư Trương Thanh Đức, cần phải đưa vào diện nộp thuế.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa (NT TĐK): Điều này đâu có mới mẻ gì. Cách đây 4 năm, năm 2013, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đề xuất đánh thuế lãi xuất tiết kiệm. Đề xuất ấy bị người dân phản ứng dữ dội, nên không có khả năng thực thi. Bây giờ lại đến ông Trương Thanh Đức ở Công ty Luật Basico, mà một bà bán thịt ở ngõ nhà tôi đã gọi là ông Ba sí sộ. Ba sí sộ bởi đề xuất rất lẩm cẩm. Không thể cứ tham nhũng, hay mang tiền đi đêm, hoặc làm ăn kém cỏi, để thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, rồi lại bòn rút đến đồng tiền còm cõi của dân. Đánh vào tiền tiết kiệm là đánh vào ai? Hầu hết đấy là những người dân nghèo, những cựu chiến binh, giáo viên về hưu hay công nhân viên chức, có chút tiền tích cóp phòng thân, số tiền ấy đâu có lớn, nếu có tiền lớn, họ đã mở công ty, hay đầu tư bất động sản. Chẳng ai gửi tiết kiệm đâu. Tiền gửi tiết kiệm phần lớn là những đồng tiền nhỡ nhàng, không đầu tư lớn được thì cứ tích lại trong ngân hàng đã, chờ tích cóp thêm, chứ không ai trông vào lãi xuất, vì lãi xuất ngân hàng chúng ta rất thấp, chỉ đủ để bù vào sự trượt giá của đồng tiền mà thôi
PV: Gửi tiết kiệm cũng là đầu tư đấy chứ. Ông Đức “Ba sí sộ” bảo: “Lâu nay chúng ta đã quá yêu chiều ngành ngân hàng. Nhiều người thu nhập từ tiết kiệm ngân hàng tới hai trăm triệu đồng một năm thì như vậy phải gọi là đầu tư rồi”.
NT TĐK: Lãi xuất tiết kiệm mà lên đến mấy trăm triệu đồng, thậm chí đến cả tỷ đồng là những trường hợp rất ít. Nếu muốn thu tiền lãi xuất của những trường hợp cá biệt ấy thì phải tìm cách khác, chứ không thể giết ngành ngân hàng bằng cách đánh thuế đồng loạt. Lãi suất huy động kỳ hạn một năm hiện khoảng 6-7% một năm. Đấy là những người phải gửi kỳ hạn 15 tháng hay 24 tháng. Để thu về khoản lãi 200 triệu đồng một năm từ tiền tiết kiệm, khách hàng phải mở sổ giá trị khoảng trên 3 tỷ đồng. Các cụ hưu trí, các cựu chiến binh, công nhân viên chức chỉ mấy chục triệu, hay cùng lắm vài trăm triệu. Đây là khách hàng chính của các ngân hàng hiện nay. Còn những người có tiền tỷ gửi ngân hàng thì hầu hết là những người kinh doanh nhỏ lẻ chờ tích cóp để làm ăn lớn hay những người bán nhà, bán xe. Có được số tiền để gửi ấy, họ đã phải đóng đủ các loại thuế rồi. Đấy là số tiền sau thuế. Bây giờ lại bòn vét thêm của họ, đánh thuế lãi xuất của họ là thuế chồng lên thuế. Lãi xuất đã ít ỏi, lại phải nộp thuế nữa, tôi tin người dân sẽ rút hết tiền chuyển sang mua đôla hoặc mua vàng, dù đôla không có một xu lãi xuất, nhưng giữ vàng, giữ đôla phòng thân vẫn an toàn hơn, yên tâm hơn, vì không lo đồng tiền Việt mất giá. Nếu dân đồng loạt rút tiền chuyển hình thức tích luỹ khác thì hệ thống ngân hàng sẽ sụp đổ và cả nền kinh tế quốc gia cũng sẽ đổ theo. Vì thế, đề xuất đánh thuế lãi xuất ngân hàng là rất thiển cận. Nếu không nói là một việc làm dại dột. Xin mời ông “Ba sí sộ” hãy nghe tiếng nói của dân: Chị Hệ Vương ở Cổ Nhuế: “Vâng, cứ đánh thuế đi rồi khóc ròng mà huy động vốn nhé. Chưa đánh thuế mà nhiều ngân hàng đã phải huy động bằng cách bắt cả nhân viên của mình phải gửi tiền ngân hàng. Không có từ 300 đến 500 triệu gửi ngân hàng thì không có lương. Làm nhân viên ngân hàng cũng chẳng sướng đâu. Khi người dân không gửi tiết kiệm mà mua vàng với ngoại tệ nhét gầm giường thì tự nghĩ tiếp đi mà đề với chả xuất. Được cái lọ thì mất cái chai thôi”. Còn đây là bà Vũ Hương Giang: “Lãi suất tiết kiệm chừng 7% năm, trong khi sự trượt giá đồng tiền (gọi đúng tên là lạm phát) trung bình 5% năm theo thông báo chính thức (thực tế còn hơn nhiều) thì gửi tiết kiệm hiện tại giống như là ngân hàng giữ tiền và sử dụng tiền của dân mà thôi, chứ dân chả sơ múi gì đâu”. Và đây nữa, cựu chiến binh Vũ Nhang: “Nản lắm, chán lắm với mấy đồng tiền còm mới phải gửi tiết kiệm. Chưa biết phải làm gì mới gửi tiết kiệm. Ông/bà già về hưu, không kinh doanh được mới phải gửi tiết kiệm. Lãi suất thì thấp òm vậy mà còn muốn thu thuế nữa. Điên!”. Tôi không thể dẫn hết sự nổi giận của dân. Chỉ xin ngài luật sư hãy vào mạng xã hội mà xem người dân đã nhìn ngài như thế nào?
PV: Đấy là thuế Lãi xuất tiết kiệm. Thuế này mới chỉ là đề xuất của một luật sư mà dân gọi là cái ông “Ba sí sộ”. Còn một loại phí, thuế khác nữa đang hiện hình. Đó là phí, thuế BOT.
NT TĐK: Đây cũng là một vấn đề rất nóng. Người ta bỏ một khoản tiền rất lớn ra để làm đường thì người ta cũng phải thu lại vốn. Rồi còn cả lãi nữa chứ. Nếu không thế thì còn ai bỏ tiền ra để làm đường? Tuy nhiên, thu thuế làm sao cho hợp lý. Sự hợp lý này cũng phải hợp lý đối với người bỏ tiền ra làm đường và cả người đi đường nữa chứ. Mà cần có sự giám sát chặt chẽ để tránh sự trục lợi của một nhóm người hay lợi ích nhóm. Nghĩa là cần xem vốn đầu tư bỏ ra bao nhiêu. Một ngày bao nhiêu xe qua, thu phí một ngày bao nhiêu? Một tháng bao nhiêu. Sau bao nhiêu năm thì thu lại được vốn. Và sau khi đã thu được vốn rồi thì giá vé phải giảm đi chứ. Người dân kêu trời vì phí đường quá cao. Có đường cũ đã xuống cấp rồi, đã thu phí đến chục năm rồi mà vẫn phải trả phí cao chót vót thì vô lý quá. Chính vì thế mới có sự phản ứng rất gay gắt của cánh lái xe. Họ “chiến” lại bằng cách mang tiền lẻ ra để thanh toán. Mà toàn tiền rải đường cho người chết trong các đám ma. Nghĩa là toàn tiền 500 đồng, tiền một ngàn đồng. Đếm đủ số tiền thanh toán là đầu loạn xì ngầu. Đếm cả ngày thì khéo phát điên. Đường tắc dài đến cả mấy chục cây số vì nạn thu vé…
Trả phí qua trạm BOT bằng tiền lẻ gây ách tắc giao thông nhưng khó xử lý. (Ảnh minh họa)
PV: Người ta đã tính đến việc xử lý những người đưa tiền lẻ như một hành vi phá rối.
NT TĐK: Làm sao mà khép tội người ta được. Đấy là đồng tiền chính thức của Nhà nước phát hành. Có phải tiền giả đâu. Nếu cần xem, cần xét tội thì phải xét tội người thu phí bất hợp lý chứ. Ta hãy nghe TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng: “Vấn đề đầu tiên là thu phí BOT như kiểu trấn lột, người ta không đi trên đường BOT thì không thể thu phí. Đường một chỗ, đặt trạm thu phí một chỗ là không được. Chỉ trả một đồng mà bất công vô lý thì người dân cũng không chịu. Điều đó chẳng khác gì ta đi mua hàng mà người bán hàng lại “cân điêu”. Anh đặt trạm BOT ở đó, người dân sống xung quanh đó, nhưng không đi trên đường anh làm mà anh vẫn thu phí của người ta. Thế thì anh chẳng khác gì kẻ trấn lột. Hay mỗi lần người ta đi qua, chỉ có 2km đường, nhưng anh thu tiền của người ta cả chặng đường, tức là anh đang “cân điêu” cho người dân rồi còn gì; chưa nói đến chuyện trạm thu phí khiến cuộc sống của họ hết sức khó khăn, bất tiện. Do đó phải tính khác và phải miễn phí cho những người sống ở đó. Thêm nữa, cũng theo ông Dũng là phải minh bạch. “Đường chỉ tráng lại mà thu phí thì cần phải hủy bỏ, bởi người dân đã trả phí bảo trì đường bộ rồi. Không thể nào láng lại đường là anh lại thu lần nữa như tiền làm đường. Người dân đã đóng phí bảo trì đường bộ rồi thì không thể có chuyện đó”. Cũng theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, cần phải xem xét lại tất cả các hợp đồng BOT. “Bởi anh nhân danh người dân, xã hội nhưng xã hội chưa được hỏi ý kiến, các cổ đông liên quan trực tiếp chưa có ý kiến nên phải được xem xét lại. Khoản chi phí nào bất hợp lý phải được huỷ bỏ. Điều vô lý nữa ở các hợp đồng BOT là có ghi điều khoản “bí mật”. Một hợp đồng kinh tế bình thường thì có gì mà phải bí mật. Chỉ có “ma” thì mới thích bóng tối”. Tôi nghĩ chúng ta cần nghe tiếng nói khách quan, không vụ lợi ấy. Đấy là tiếng nói của dân…
PV: Xin cảm ơn ông!