Những vụ tai tiếng tình ái của các nguyên thủ Pháp

23-02-2014 07:40 | Quốc tế
google news

SKĐS - Đàn ông Pháp nổi tiếng là ga lăng và đào hoa. Họ thường có những tình ái “vụng trộm”. Dù gì đi nữa, chính trường Pháp dấy lên nhiều tranh luận về ranh giới giữa chuyện công – chuyện tư của các cặp đôi Tổng thống.

Đàn ông Pháp nổi tiếng là ga lăng và đào hoa. Họ thường có những tình ái “vụng trộm”. Dù gì đi nữa, chính trường Pháp dấy lên nhiều tranh luận về ranh giới giữa chuyện công – chuyện tư của các cặp đôi Tổng thống. Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin từ internet, điện thoại thông minh cho đến các mạng xã hội đã thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình sụp đổ chiếc rào cản công – tư được duy trì từ hàng chục năm nay. 

Những tin đồn không được xác minh

Dưới thời Tướng Charles De Gaulle, cũng là vị Tổng thống đầu tiên của chế độ cộng hòa, việc xâm nhập chuyện đời tư vào đời sống chính trị bị nghiêm cấm trong khuôn khổ của những nghi thức Tổng thống và ngoại giao. Hình ảnh của Tướng De Gaulle lúc bấy giờ luôn gắn chặt với hình bóng của “Tante Yvonne”, cách gọi trìu mến mà người dân Pháp thời ấy đặt cho vị Đệ nhất phụ nhân đầu tiên của chế độ cộng hòa. Trong suốt 10 năm điều hành đất nước (1958-1968), sự tồn tại của “Tante Yvonne” chỉ gói trọn trong những buổi tiếp tân hay các chuyến công du cấp Nhà nước.

 

Hình ảnh của Tướng Charles de Gualle luôn gắn với hình bóng Tante Yvonne
Hình ảnh của Tướng Charles de Gualle luôn gắn với hình bóng Tante Yvonne

 

Thủ tướng Georges và Claude Pompidou là những người đầu tiên hé mở cánh cổng khép kín cuộc sống của cặp vợ chồng Tổng thống. Phong cách hiện đại, thích giao thiệp và đam mê nghệ thuật, cuộc sống riêng tư của Georges và Claude Pompidou được phơi bày trên báo chí như trên màn ảnh nhỏ. Đối với Georges Pompidou, “bình dân hóa” đời sống chính trị cũng là một cách đánh dấu sự khác biệt về lối thức thể hiện vai trò Tổng thống so với người tiền nhiệm là Tướng De Gaulle.

Vào một ngày tháng 10/1968, lúc bấy giờ Georges Pompidou còn là Thủ tướng cho Tướng Charles De Gaulle, xảy ra vụ án Stephan Markovic, cựu cận vệ của cặp vợ chồng điện ảnh nổi tiếng Alain và Nathalie Delon. Trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện trong sổ tay danh bạ của nạn nhân tên của nhiều quan chức cao cấp Nhà nước và các nhân vật tiếng tăm, tham gia vào các buổi dạ tiệc và những cuộc truy hoan do Markovic tổ chức. Tin đồn lúc bấy giờ cho rằng trong số các nhân vật được liệt kê có tên của phu nhân Thủ tướng Claude Pompidou.

Dù vậy, lời đồn đại đó chỉ được giới báo chí thời ấy đề cập đến “một cách dè chừng” và nhanh chóng rơi vào quên lãng do quyết định thoái nhiệm đột ngột của Tướng De Gaulle. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, vụ việc này được tung ra là nhằm hạ uy tín của Thủ tướng Georges Pompidou, do ông có ý định ra tranh cử Tổng thống thế Tướng Charles De Gaulle. Vụ việc cũng để lại tác động sâu nặng đến Georges Pompidou và làm rạn nứt mối thâm giao giữa ông với Tướng Charles De Gaulle. Cảm thấy đời sống riêng tư một lần nữa bị đe dọa bởi sự hiếu kỳ của giới báo chí nên ngay sau khi nhậm chức, G. Pompidou đã cho thông qua một đạo luật rất nghiêm ngặt, quy định việc bảo vệ đời sống riêng tư.

Những cuộc hẹn thâu đêm và những viên kim cương của Bokassa

Đến đời Tổng thống thứ ba là Valéry Giscard d’Estaing (1974-1981), vách ngăn công - tư đó vẫn bất di bất dịch. Nhưng người ta cũng nhận thấy sự xuất hiện thường xuyên hơn của đệ nhất phu nhân, một hình thức phô trương cho sự hiện đại. Điều đó cho thấy bắt đầu có sự “xé rào” trong quy định bảo vệ chuyện đời tư. Tuy nhiên, tất cả những chuyện đó là đã được cho phép trước và những tấm ảnh phơi bày trên các mặt báo về đời sống riêng tư chỉ là một sự dàn dựng.

Những cuộc hò hẹn lén lút, thâu đêm của Tổng thống Valéry Giscard d’Estaing được giữ kín rất lâu, bất chấp những lời đồn đại trên các trang báo quốc tế. Theo tiết lộ của tuần báo trào phúng Le Canard Enchainé năm 1974, trong vụ tai nạn một chiếc xe hiệu Ferrari đâm vào một chiếc xe tải nhỏ chở sữa, người ngồi sau tay lái lúc đó là Giscard và trong vòng tay ông là một nữ diễn viên nổi tiếng.

Vào ngày 10/10/1979, lại một lần nữa, chính tờ báo châm biếm Le Canard Enchainé tiết lộ một thông tin cho rằng Valéry Giscard d’Estaing, khi còn là Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính dưới thời Tổng thống Georges Pompidou đã nhận nhiều món quà đính kim cương có giá trị lớn (trong số đó có một hộp quà đính một viên kim cương 30 ca-ra) từ tay Hoàng đế Trung Phi Jean Bedel-Bokassa.

Vấn đề là khi Le Canard Echainé tiết lộ sự việc, Bokassa đã bị phế truất dưới sự hỗ trợ của quân đội Pháp cách đó một tháng. Cho rằng mình bị phản bội, Bokassa đã cung cấp các thông tin về những món quà có trị giá mà ông ta đã trao tặng cho Valery Giscard d’Estaing lúc mà “tình bạn” giữa hai người vẫn còn nồng ấm. Không những thế, Bokassa còn lên tiếng cáo buộc là VGE còn “chung chạ” với vợ của mình. Tuy sự việc cũng được dập tắt, nhưng VGE đã trả một cái giá khá đắt. Uy tín bị bôi nhọ, ông đã bị thất cử trong kỳ bầu cử Tổng thống năm 1981, mở đường cho vị Tổng thống đầu tiên thuộc đảng Xã hội lên cầm quyền.

Lê Sơn (Theo Liberation)

 

 

 


Ý kiến của bạn