Bắt nguồn từ vùng núi Houa thuộc Tây Bắc Sầm Nưa, có một dòng chảy miệt mài qua 325km núi đồi, ghềnh thác rồi đổ vào Việt Nam qua hai huyện Quế Phong (Nghệ An) và Thường Xuân, Thọ Xuân (Thanh Hoá) trước khi sầm sập hòa nước nơi Ngã Ba Giàng, trở thành phụ lưu lớn nhất của sông Mã…
Người Tày, Thái gọi đó là Nậm Sam; người Kinh đặt tên sông là sông Lường hay sông Sủ. Và dòng sông nhỏ như một vết mào cào trên bản đồ đất nước ấy đã được người Pháp ghi lên bản đồ là sông Chu. Những người dân biên giới Quế Phong đã men theo đường mòn ngược dòng sông này sang nước bạn mua bán trâu bò, cây cảnh.
Sau một đêm dừng chân ở Mường Hinh, tờ mờ sáng, cả đoàn đã sẵn sàng lên đường. Tuy quãng đường từ Mường Hinh lên cột mốc biên giới chỉ vài chục cây số nhưng cần phải đi sớm để tránh những cơn mưa rừng thường bất ngờ ập tới. Sương len vào tay áo, quấn lên mi mắt và luẩn quẩn trong cả làn khói đen ngòm phả ra từ ống xả của chiếc xe Win cổ lỗ. Ngay ở đường biên giới, chúng tôi gặp rất nhiều đồng bào hai dân tộc Việt - Lào mua bán, trao đổi hàng hóa. Phần lớn chỉ là lương thực, thực phẩm, hàng hóa nhỏ lẻ, từ bao gạo, tải khoai đến vài ba tấm vải thổ cẩm, quần áo trẻ em, đồ dùng gia đình.
Cầu gỗ do người dân Sầm Tớ bắc qua sông Nậm Sam.
Họ đến, rồi đi, thanh bình như những phiên chợ quê mộc mạc, bình dị, không hề có cảnh tranh giành, mặc cả, chen lấn, xô bồ. Những em, những chị gái Lào mặc váy liền ống đen tuyền, cười răng vàng chóe. Những cô, những bà người Mông, người Thái… xênh xang váy áo sặc sỡ, nhai trầu bỏm bẻm. Một cảm nhận chung là người Lào rất thân thiện và nhiệt tình giúp đỡ khách lạ.
Từ cửa khẩu Thông Thụ theo hướng Tây chưa đầy 5km, chúng tôi đã gặp dòng Nậm Sam. Theo lời anh Gió - người dẫn đường của tôi thì đây được coi là “quãng nghỉ” của con sông. Trên khoảng sông rộng một vài km2, sương mờ giăng bảng lảng, dòng nước lững lờ, khoan thai chảy giống như người đi bộ nghỉ chân sau một hành trình vượt núi dài dằng dặc, nghỉ để lấy đà, tiếp sức trước khi chảy tiếp quãng đường gần 160km đèo núi trên địa phận Việt Nam và chính thức thay tên đổi họ thành sông Chu.
Những em bé Lào mình trần đen nhẻm, bì bõm nô đùa trên dòng sông ngầu đục phù sa, ngước cặp mắt tròn đen lay láy nhìn chúng tôi dò dẫm bước qua cây cầu gỗ Piêngkhun ẩn hiện trong làn sương mờ. Khi đi trên cây cầu gỗ do bà con Lào Lùm làm vội bắc qua sông đó, tôi có cảm giác giống như đi trong cổ tích. Những cây gỗ dài xếp thành hai thân cầu, ở giữa là những cây gỗ nhỏ hơn được đan xếp thật khéo, đi không lọt bàn chân. Mỗi khi trời mưa, cây cầu này trôi vèo theo dòng lũ dữ, bà con lại bắt tay làm lại, đẹp và chắc chắn hơn lần trước. Thế mới thấy được tinh thần vượt khó, vượt khổ, không trông chờ ỷ lại của bà con các bộ tộc Lào.
Vì là “quãng nghỉ” của dòng sông nên hai bên bờ xuất hiện bãi bồi bạt ngàn lau, sậy, thấp thoáng những ngôi nhà sàn nhỏ xinh, nhìn xa như những cái chuồng chim. Người sinh sống ở đây chủ yếu là người Lào Lùm, Lào Sủng và một phần người Mông ở Việt Nam di cư sang đây làm ăn rồi bén duyên nên vợ, thành chồng với người bản địa. Cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào những nương ngô, nương nếp và những chiếc thuyền độc mộc dùng để đánh cá trên dòng sông Chu nhỏ hẹp, nhiều ghềnh đá. Hầu như không có chuyện người dân phá rừng, đốt nương làm rẫy một cách tùy tiện theo ý mình.
Có lẽ chính nhờ ý thức tự giác này mà những cánh rừng của Lào nơi thượng nguồn con sông Chu vẫn giữ được đôi nét nguyên sơ, như chưa bị tác động lớn từ bàn tay con người. Dày đặc trong cánh rừng Houaylin ngút ngàn là chò chỉ, săng lẻ, sến, táu... cổ thụ hàng chục năm tuổi. Nó trái ngược hoàn toàn với những cánh rừng trơ khấc, nhuôm nhoam vài loại cây bụi, cây tạp ở Việt Nam mà dù đi bất cứ vùng núi nào trên dải đất hình chữ S cũng có thể bắt gặp. Ngay cạnh con đường mòn đất đỏ từ biên giới vào thị trấn Sầm Tớ (huyện Sầm Tớ - tỉnh Ủa Phăn - Lào) có cơ man những cây cổ thụ soi bóng xuống dòng Nậm Sam khiến nước sông đã xanh lại càng trở nên ánh biếc.
Thiếu tá Vixay Vilaynon - Trưởng đồn biên phòng 32 (bản Nậm Tảy - Sầm Tớ - Hủa Phăn - Lào) nói rằng, người dân các bộ tộc Lào ở đây có lòng kính ngưỡng rất lớn đối với rừng, tinh thần bảo vệ rừng như một ý thức hệ được truyền đời này qua đời khác. Mỗi người dân đều xem rừng là đức mẹ tối cao, đem nguồn sống, cơm ăn, áo mặc, chở che cho họ qua những cơn lũ dữ. Bất cứ ai phá rừng đều bị cộng đồng tẩy chay, gia đình nào muốn vào rừng chặt cây gỗ to dựng nhà cho con trai lớn lấy vợ, hay chỉ vài cây gỗ nhỏ để cắm ngoài bờ rào cho con gà, con lợn khỏi chạy lên núi quên đường về, đều phải xin ý kiến già làng, trưởng bản thì mới dám vào rừng lấy gỗ.
Một cặp vợ chồng Lào Việt mới kết hôn cùng nhau lấy đất đổ nền cho ngôi nhà mới.
Rồi anh đưa chúng tôi tới nhà Trưởng bản Loong Phathay nằm cách đó chừng nửa cây số. Trưởng bản chừng gần 70 tuổi, người cao lớn, chắc nịch như cây lim quay sang nói với người dẫn đường của tôi điều gì đó. Lúc này, tôi mới được chứng kiến khả năng “nghe tiếng Lào còn dễ hơn nghe chị nói tiếng Hà Nội” của anh. Và lời trưởng bản nói với chúng tôi được dịch là: “Người dân bản ta chỉ biết sống dựa vào rừng, mọi sinh hoạt của họ đều liên quan đến rừng. Ăn rừng, ngủ rừng, ốm - cúng con ma rừng, cuối cùng, khi chết họ cũng về nằm lại với rừng”.
Ở Sầm Tớ, chúng tôi gặp rất nhiều cặp vợ chồng Việt - Lào đang sinh sống. Anh Phonsup - Phó Chủ tịch thị trấn Sầm Tớ kể cho chúng tôi nghe về mối lương duyên với người vợ Việt Nam của mình. Người vợ Lào của anh mất sớm, để lại 4 đứa con nhỏ dại khiến anh vô cùng vất vả, còn chị Lương Thị Dung, người dân tộc Thái (ở bản Đô - xã Châu Kim - Quế Phong - Nghệ An) là khách thu mua ngô, sắn của bà con địa phương chuyên chở về Việt Nam. Thấy chị hiền lành tốt bụng, lại đảm đang, yêu trẻ nên anh cảm mến lúc nào không hay. Năm 1998, anh ngỏ lời xin cưới chị và chung sống hạnh phúc đến nay cũng đã gần hai mươi năm.
Anh Phonsup nhẩm tính: “Số cặp vợ chồng Việt - Lào ở thị trấn này cũng có đến gần 20, còn trên toàn huyện Sầm Tớ thì có lẽ phải gần 200. Thị trấn Sầm Tớ có hẳn một khu toàn người Việt buôn bán”. Rồi anh nhiệt tình đưa chúng tôi ra chợ vào thăm ki-ốt của nhà chị Phà Theokhon và anh Và Seo Sủ, người Mông (ở Thông Thụ - Quế Phong - Nghệ An). Đây là cặp vợ chồng mới lấy nhau được gần 2 năm và anh Sủ cũng đã được cấp quốc tịch Lào. Những gia đình như anh chị Phon - Dung, Phà - Sủ và rất nhiều đôi khác đã xây dựng gia đình xuyên biên giới trên nền tảng của tình yêu và sự tin tưởng.
Hôm sau, nhớ lời mời của đồng chí Thống Thò Cờ Lau Thò - Ủy viên BTV Huyện ủy, Chỉ huy trưởng BCH Quân sự huyện Sầm Tớ hôm giao lưu hữu nghị tại UBND huyện Quế Phong, chúng tôi lên đường sang bản Nậm Táy - đây là bản người Mông có 135 hộ dân sinh sống, 100% là đồng bào Mông. Trưởng bản Hờ Bà Xếnh tự hào khoe với chúng tôi công trình nhà văn hóa bản có tổng kinh phí xây dựng hơn 1 tỷ đồng do BĐBP tỉnh Nghệ An trao tặng vừa mới hoàn thành năm 2016. Không chỉ có vậy, BĐBP tỉnh Nghệ An còn hỗ trợ triển khai xây dựng ba ngôi nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo trong bản Nậm Táy. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là vào giữa buổi chiều nóng nực, tại nhà văn hóa vẫn có một lớp học song ngữ Việt – Lào mà người đứng lớp chính là một cán bộ của Đồn Biên phòng Thông Thụ. Được biết, lớp học này đã được duy trì nhiều năm, trang bị kỹ năng giao tiếp cho cán bộ chiến sĩ, nhân dân bên ta và bạn, tạo thuận lợi cho cả ta và bạn trong quá trình quan hệ công tác, trao đổi hàng hóa, thăm thân của cư dân hai bên biên giới.
Chúng tôi quay lại thị trấn Sầm Tớ để nghỉ. Đêm ấy, trong hương thơm tinh khiết của hoa Sở nở rộ trong sương lam, chúng tôi có một bất ngờ. Chủ tịch Phăn Xaynanon đến thăm chúng tôi cùng đội văn nghệ của xã. Sau chén trà xanh mới hái trên núi cuối chiều, chị Hua Chaly cất tiếng hát bài dân ca Tằng Vải của nhân dân các bộ tộc Lào. Dẫu chưa hiểu lời, song chúng tôi cũng đu đưa đánh nhịp theo tiếng hát của chị bởi giai điệu hết sức thanh nhã, mộc mạc như chính tấm lòng của người Lào. Đến khi được dịch lại, tất cả thành viên trong đoàn đều trào lên một thứ tình cảm ấm áp và khóe mắt bỗng cay cay. Dù là bài dân ca, song ca từ lại rất “mới” với nội dung chủ đạo là ca ngợi tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước, kể câu chuyện truyền thuyết thật đẹp về hai anh em Việt Lào.
Lời hát trao đi, tiếng ca đáp lại, tôi xung phong hát ca khúc Tình Việt Lào - một sáng tác của nhạc sĩ Hồ Hữu Thới (nguyên là Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin Nghệ An). Điều khiến tôi bất ngờ là các bạn Lào vỗ tay hát theo rất tự nhiên. Bài hát cứ ngân nga, còn Thiếu tá Vixay Vilaynon thì khoe rằng, chính vùng đất này là nơi mà người nhạc sĩ tài hoa đã đi qua trong một chuyến công tác vượt biên giới Nghệ An, thế nên người dân nơi đây ai cũng thuộc.
Hôm sau, chúng tôi leo lên đỉnh Houaylin để có thể thu trọn một vùng biên cương Bắc Lào trong tầm mắt. Trái với mường tượng của tôi về một dòng sông to lớn, hùng vĩ hiên ngang chảy giữa những cánh rừng già, sông Chu trên đoạn chảy qua địa phận huyện Sầm Tớ chỉ rộng gần 20m. Án ngữ hai bên bờ sông là hai dãy núi cao sừng sững, dòng sông như bị siết chặt lại đến nghẹt thở. Nó vẫn mải miết, kiên trì nín chảy. Suốt cuộc hành trình chảy trải dài gần 325km, sông Chu chỉ mong manh như sợi chỉ, kiên nhẫn gom góp những giọt nước từ khắp các cánh rừng Sầm Nưa, Sầm Tớ để dòng chảy luôn ăm ắp nước và quần tụ biết bao tôm cá. Đứng nơi đầu nguồn sông, lòng chợt nao nao nghĩ đến tình nghĩa giữa người dân hai nước trên đoạn biên giới này để 2 ngày lang thang Sầm Tớ trở thành kỷ niệm khó quên trong tôi.