Nhớ anh Hòa Vơn và câu chuyện sinh tử như cổ tích

27-07-2018 23:06 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Anh là anh họ tôi, thuộc cành trên, nghĩa là ông nội của anh là anh trai của ông nội tôi, cùng họ Vương. Sự khâm phục và những suy nghĩ về anh đã có từ lâu trong tôi.

Nó như được gói trong một bì thư, giờ bóc ra là những nội dung suy nghĩ ấy cứ theo con chữ mà hiện ra vậy. Đó là việc anh bị thương trong chiến tranh, một mình đấu tranh với thần chết để giành lấy cuộc sống thần kỳ như một huyền thoại hay chuyện cổ tích vậy.

Tôi đến thăm anh vào một chiều hè năm nào tôi cũng không nhớ nữa. Tôi và anh ngồi nói chuyện ở hành lang một ngôi nhà trong Bệnh viện 108. Lúc này anh đang chuẩn bị ghép một vạt da làm quai nối để chỉnh hình lại cằm. Do bị mất gần như toàn bộ cằm nên anh ăn và nói hết sức khó khăn, vì vậy, sau một lúc hỏi han, không cầm lòng được, tôi chào anh rồi ra về. Rồi bệnh tình của anh cũng tiến triển thuận lợi và chắp vá những lần nói chuyện, vào thăm anh tôi cũng sơ bộ biết về anh bị thương và chiến đấu với tử thần như thế nào.

Khói đạn mịt mù. Anh cũng không nhớ đó là điểm cao nào nữa, chỉ biết là rạng sáng, đại đội anh đã chiếm được đỉnh đồi và lệnh là phải trụ lại, tử thủ vì đỉnh đồi này là điểm chốt chặn cực kỳ quan trọng. Những đợt quân ngụy xông lên rồi bị đẩy xuống. Sau những loạt đạn bắn phủ đầu, anh chồm lên khỏi ụ chốt, ôm tiểu liên nhả đạn vào những áo rằn ri đang lóp ngóp ẩn vào từng ụ đất xông lên. Anh chỉ cảm thấy mát lạnh ở cằm rồi không biết gì nữa.

Một chiến sĩ bị thương trong chiến tranh đang được bác sĩ chăm sóc tại hầm trú ẩn.

Một chiến sĩ bị thương trong chiến tranh đang được bác sĩ chăm sóc tại hầm trú ẩn.

Tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài nhưng mê mệt, không biết lúc ấy là mấy giờ và đang ở đâu. Anh thấy đau và trống trải ở vùng cằm. Đưa tay sờ vào cằm thì anh thấy một đống bầy nhầy. Trời đang mưa nhỏ hạt. Rồi dần dần anh nhận ra mình bị thương và đang nằm trên đỉnh đồi, bị mất gần như toàn bộ cằm hoặc là do mảnh bom, hay mảnh đạn đại bác phạt ngang. Cũng may mà mảnh đạn phạt với tốc độ nhanh sắc ngọt nên vết thương không chảy máu và có lẽ vì vậy mà anh sống được. Nhưng có lẽ chính những giọt nước mưa đêm đó đã cứu sống anh. Anh bảo anh há miệng cho nước rơi vào miệng. Từ sáng tới giờ mải bắn nhau rồi đào hầm và thần kinh căng như dây đàn nên không thấy đói nhưng bây giờ yên tĩnh, anh thấy đói. Theo bản năng, anh với tay lấy nắm cơm đeo ở xanh-tuya-rôn đưa lên miệng định ăn, nhưng anh đau đớn nhận ra mình không thể cắn nổi nữa và anh nhét luôn nắm cơm vào cái chỗ khiếm khuyết của cái cằm và rút cái khăn dù băng lại qua đỉnh đầu để cố định lại nắm cơm đệm vào cái cằm đã khuyết.

Dần dà, bản năng đưa anh ra khỏi những ám ảnh và đưa anh trở về với thực tại, nghĩa là anh phải sống và trở về với vợ con. Anh nghĩ có lẽ số anh cũng may mắn. Sau khi chiếm được cao điểm, bọn ngụy thấy anh nằm bất động với cái mặt biến dạng và kỳ dị của anh do vết thương thì cho rằng hoặc anh đã chết hoặc sắp chết nên chúng bỏ đi không thèm phí thêm viên đạn nữa. Ấy đó chính là cái may mắn, ân huệ của số mệnh đã cho anh được trở về với vợ con

Anh cũng không nhớ là làm thế nào mà từ đỉnh cao điểm tàn khốc đó anh lại xuống tới tận chân đồi rồi cũng không biết vì sao mà khi hoàn toàn tỉnh táo thì thấy mình đang nằm trong trạm xá của một đơn vị tiền phương. Vết thương được rửa sạch sẽ. Rồi hàng ngày anh cứ nằm ngửa khi thì y tá khi thì người nào đó cứ đổ sữa hoặc cháo vào cái miệng toang hoác của mình và cứ thế mà nuốt. Anh được chuyển ra Bắc. Vừa nằm trên xe, vừa ăn, vừa khóc, vừa tự động viên, vừa hy vọng rồi cuối cùng anh cũng được chuyển về Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Đầu tiên, anh được lấy một vạt da đùi cuộn lên nối với các mạch máu được nuôi dưỡng ở bụng mà dạo đó gọi là quai Fi-la-tốp có lẽ do nhà khoa học Fi-la-tốp nước Nga sáng tạo ra. Sau một thời gian phát triển tốt, quai da này được đưa lên cánh tay rồi được cấy ghép vào cằm cho anh. Đó là cả một quãng thời gian gian khổ và thách thức với anh nhưng các bác sĩ đã thành công khi hồi phục cằm cho anh và làm cho khuôn mặt của anh khá hoàn chỉnh, gần như bình thường. Với kỹ thuật hồi đó được như vậy cũng là một thành công lớn rồi. Vì không thể ghép xương cũng như chưa có vật liệu thay thế cho nên cái cằm của anh thiếu hẳn phần cứng và khó nhai được nhưng cái mặt thì cũng dễ thương chứ không ảnh hưởng lớn đến hình thái học.

Rồi anh ra quân và trở về với vợ con với những bữa ăn hình như vẫn bằng thìa và nuốt “lống” theo cái tiếng của làng Cổ Định là trệu trạo nhai vài cái và nuốt luôn rồi phó mặc cho cái dạ dày muốn làm gì thì làm với thức ăn đã được đưa xuống.

Thế đấy. Tôi không nhớ về anh - một ông lão khổ hạnh nghiện rượu mà tôi luôn nhớ về anh trên đỉnh cao điểm, trong cái im lặng sau tiếng súng khốc liệt, mở miệng đón những giọt mưa vào cái miệng mất cằm mà cứ như là một huyền thoại vậy.


GS. VƯƠNG TIẾN HÒA
Ý kiến của bạn