Nhập cư trái phép: Giấc mơ đổi đời không bao giờ thành hiện thực

28-10-2019 13:00 | Quốc tế

SKĐS - Việc cảnh sát Anh phát hiện 39 thi thể bên một trong containerchở hàng đông lạnh đã khiến cộng đồng quốc tế chấn động.

Hiện, cảnh sát Anh vẫn chưa công bố danh tính và quốc tịch các nạn nhân, nhưng vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng buôn bán người xuyên quốc gia; về những giấc mơ vỡ vụn trong hành trình tìm miền đất hứa của nhiều người di cư. Nó cũng cho thấy hiểm họa của vấn nạn buôn người mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt.

Trước hết phải nói rằng, con số 39 thi thể được tìm thấy trong chiếc công-ten-nơ chở hàng đông lạnhở miền Đông nước Anh, không chỉ gây chấn độngdư luận mà còn là một “cú sốc” đối với thế giới văn minh. Bởi không ai có thể tưởng tượng rằngtrong thế kỷ 21 hiện đại này, khi Cách mạng 4.0 nổ ra, khi cuộc sống của con người ngày càng đi lên, thì lại xảy ra một vụ việc đau lòng và thương tâm đến vậy.

Kết luận ban đầu của cánh sát Anh cho thấy những con người xấu số ấy đều là nạn nhân của một đường dây buôn người xuyên quốc gia. Và vụ việc đau xót vừa nêu chỉ là một trong số rất nhiều các vụ buôn bán người ở quy mô quốc tế đã, đang hoặc chưa bị phát hiện.

Cách đây 19 năm, tháng 6/2000, một vụ việc bi thảm tương tự cũng đã xảy ra khi 58 người di cư Trung Quốc thiệt mạng trong một chiếc xe chở cà chua tại Hà Lan. Hai người sống sót sau vụ việc đã kể rằng họ bị nhốt trong công-tai-nơ suốt 18h nhưng may mắn sống sót trong khi 58 người khácđã qua đời vì ngạt khí. Cánh sát Pháp cũng đã từng phát hiện nhiều đường dây buôn người trái phép từ Calais (Pháp) qua eo biển Manche vào Anh…Không chỉ ở Anh, Hà Lan mà còn cả Pháp, Bỉ, Đức…những đường dây buôn người xuyên quốc gia này vẫn ngày ngày hoạt động, chưa bị phát hiện, đem lại những lo ngại có thực về an ninh, trật tự và sự ổn định của xã hội toàn cầu.

Nhập cư trái phépMột người nhập cư châu Phi trái phép vào nước Anh để trồng cần sa

Những người nhập cư trái phép luôn phải trả một giá rất đắt. Rất nhiều người không biết họ đang đi đâu, số phận phụ thuộc vào những băng đảng buôn người; phải trải qua một hành trình đầy rẫy nguy hiểm để rồi phải làm việc chui lủi, bị bóc lột sức lao động, bị đánh đập, bị bỏ đói, lột hết giấy tờ, thậm chí bỏ mạng nơi đất khách quê người khi bị bọn buôn người lừa đối.Đó là điều cần phải cảnh báo.

Ngược dòng thời gian, làn sóng những người di cư đến châu Âu với hy vọng có được một cuộc sống tốt đẹp hơn là vấn đề thu hút sự chú ý của thế giới từ năm 2015. Đó là khởi đầu của cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu, khi chỉ trong hơn một năm, hơn 1 triệu người tỵ nạn từ Syria, Afghanistan, Iraq, châu Phi….liều mình vượt biển tìm đến miền đất hứa châu Âu.Khó có thể thống kê chính xác đã có bao nhiêu người phải bỏ mạng trên hành trình di cư mà họ lựa chọn; cũng khó có thể đong đếm hết được nỗi đau và những giọt nước mắt của người thân, gia đình và bạn bèkhi nghe hung tin người nhà của mình đã vĩnh viễn ra đi trên con đường chinh phục miền đất hứa.

Nhắc lại những vụ việc bi thảm này để thấy rằng các đường dây buôn người xuyên quốc gia gia tăng nhanh; tình trạng di cư gia tăng nhanh đang thực sự trở thành một vấn nạn toàn cầu mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt.

Thực tế cho thấy, người di cư dù mang quốc tịch nào- khi lựa chọn con đường tha hương đều mong muốn có được một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Đó là tâm nguyện chính đáng và cần được tôn trọngnếu lựa chọn con đường ra đi hợp pháp.

Nhưng cái cách mà các tổ chức buôn người đang trục lợi; sự lỏng lẻo trong việc kiểm soát lao động không giấy tờ; sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các nước châu Âu trong đấu tranh chống tội phạm buôn người và cả những giấc mơ được tô hồng phi thực tế….đã khiến làn sóng di cư tăng nhanh, bất chấp mọi hậu quả.

Trở lại với vụ việc các thi thể được tìm thấy ở miền Đông nước Anh. Dù vụ án vẫn đang tiếp tục được điều tra nhưng rõ ràng đây là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với người nhập cư trái phép. Hãy tỉnh táo và cân nhắc trươc những lời dụ dỗ. Hãy chuẩn bị những hành trang kiến thức cho mình tạo dựng cuộc sống tốt đẹp ở quê hương, thay vì trông chờ vào viễn cảnh không có thực nơi đất khách quê người.

Ở một góc nhìn khác, việc xảy ra các thảm kịch vừa nêu có thể sẽ thúc đẩy các nước châu Âu siết chặt hơn việc kiểm tra ở khu vực biên giới cũng như tăng cường đấu tranh chống các đường dây buôn người. Có thể, Brexit sẽ gây khó khăn hơn trong việc thúc đẩy hợp tác an ninh giữa Anh và EU, nhưng dù vậy, đây là điều các quốc gia cần phải làm, nếu không muốn có những thảm kịch đau xót mới xảy ra trong tương lai./.


N.Quang
Ý kiến của bạn