Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện.
BSNKV (1913 - 1997) từ hồi còn học Trường Y Hà Nội đã ham thích thể thao, từng cùng bác sĩ Tôn Thất Tùng tham gia đội bóng đá Trường Bưởi (nay là Trường Chu Văn An) đấu với học sinh “Trường Tây”, lúc mới sang Pháp từng đạp xe quanh nước Pháp; sau này về nước - do bị lao nặng, phải lên bàn mổ 6-7 lần, phải cắt hơn 1 lá phổi và 8 xương sườn, sức khỏe hạn chế nhiều, nhưng vẫn bày “lắm trò” thể thao như đá cầu, tập dưỡng sinh…, nên BSNKV có lập “kỷ lục” khi thi chạy cũng không lạ (tất nhiên là với cùng thể trạng như BSNKV).
Chuyện BSNKV “chạy” mà cháu Đoài kể đặc biệt hơn. Ông Viện không có con, nhưng anh em đông, nên rất nhiều cháu. Trong số đó, cháu Đoài được BSNKV yêu thương như con đẻ. Cũng dễ hiểu vì Đoài là con gái út của ông Nguyễn Khắc Chuyết - em trai BSNKV; mà ông Chuyết lại mất vì bệnh khi ông Viện còn ở Pháp, để lại 4 đứa con gái còn thơ dại. Hẳn là ở phía trời Tây xa cách muôn trùng, khi biết tin buồn này, ông Viện cũng băn khoăn, day dứt nghĩ đến trách nhiệm người anh cả trong gia đình. Có điều, “lực bất tòng tâm”, vì chính BSNKV lúc đó cũng trong cảnh “thập tử nhất sinh” ; vài năm sau, nhờ luyện tập khí công dưỡng sinh, sức khỏe hồi phục dần, thì ông lại phải đảm trách lãnh đạo Hội Việt kiều yêu nước tại Pháp hoạt động trong vòng bí mật. Mãi đến năm 1963, bị Chính phủ Pháp trục xuất, ông Viện về nước, cảm kích trước tình cảnh người em dâu vượt muôn vàn khổ ải nuôi dạy 4 con thơ, trong đó hai người chị của Đoài học xong cấp 2, rồi học trường chuyên nghiệp, đã xin được việc làm, BSNKV đã có ý định “xin” Đoài làm con nuôi. Nhưng người em dâu không muốn cho Đoài đi xa vì hai người chị lớn lúc đó đã ở quanh Hà Nội. Ít lâu sau khi về nước, thì ông bác cũng bị cuốn vào cuộc chiến trường kỳ lần thứ hai của dân tộc, dù có nhớ thương đứa cháu côi cút ở quê xa thì cũng chỉ có thể thỉnh thoảng gửi giúp chút ít tiền cho cháu ăn học…
Mặc dù đời sống trong thời chiến thiếu thốn đủ thứ - lên tuổi thanh niên, Đoài vẫn gầy còm, người tong teo, nhưng ý chí một người con vùng “đất học” Hương Sơn - Hà Tĩnh có thừa, Đoài học giỏi có tiếng. Tuy vậy, mấy năm liền thi đại học, bạn bè lần lượt được gọi đến trường, riêng Đoài trông chờ “mỏi cổ” vẫn chẳng ai đoái hoài, ngoại trừ danh sách đi thủy lợi, dân công thì Đoài luôn có tên.
Chính trong giai đoạn này, tôi có dịp gặp cháu Đoài ở quê. Tròn nửa thế kỷ đã qua từ ngày ấy! Hồi đó, năm 1968, tôi được Hội Nhà văn Việt Nam triệu tập ra dự Lớp Bồi dưỡng những người viết văn trẻ. Trên đường đạp xe từ Quảng Bình ra, tôi gặp từng đoàn thanh niên đi ra, sau mới biết đó là dân công đi phục vụ hỏa tuyến trở về. Hôm đó, chị Chuyết cũng nghe tin Đoài trên đường về, nên hỏi tôi có gặp cháu dọc đường không. Thế là có thể chú đã không nhận ra cháu trong đoàn quân khi đi qua Can Lộc…
Quãng 10 giờ đêm, tắt đèn ngủ rồi, bỗng nghe tiếng trẻ con gọi vọng vào: “Bác Chuyết ơi! Đoài về!”. Ngày tôi rời quê, Đoài còn bé tí, gầy còm, nay đã thành chiến sĩ. Chị Chuyết ôm lấy con, vừa nói vừa cười: “Ra đi con gái, nay về mẹ được đứa con trai rồi!” (Tội chị quá! Về làm dâu họ Nguyễn, đã bao năm chị ao ước sinh được đứa con trai “nối dõi tông đường” mà đành chịu. Lúc anh Chuyết mất, anh Nguyễn Khắc Viện đang trong cảnh “thập tử nhất sinh” ở Pháp, chẳng hy vọng gì về đường con cái, nên hẳn là chị Chuyết càng “đau khổ” về việc mình chỉ sinh toàn con gái; nay nhờ có chiến tranh, chị bỗng “được đứa con trai”!).
Trời trăng sáng, quả là trông Đoài trong bộ quân phục mới tinh, vai đeo ba lô, giọng thì khản đặc, ra dáng “chú bộ đội”. Đoài nói hầu như không ngừng, hết chuyện này đến chuyện khác tuôn ra ào ạt, sôi nổi, rồi trả lời những câu hỏi của bà con đến thăm. Khuya rồi, làng xóm không còn ánh đèn, nhưng nghe Đoài về, bà con kéo đến đông dần. Không đủ ghế ngồi. Và bếp nổi lửa nấu chè xanh. Đoài thích thú báo tin vui đầu tiên là xã Sơn Hòa đi 12 đứa con gái mà được nhất huyện, 9 đứa được giấy khen! Rồi Đoài kể chuyện đi đường đến 20 ngày, có dốc trèo đến 200 bậc… Khi bà con đã ra về, Đoài mới kể những chuyện đau lòng. Có đêm thương binh về hai - ba trăm, bác sĩ, y sĩ đều phải ra khiêng cáng vào. Tuy vậy, có khi nghe tiếng nói cười vui vẻ, mở bạt che cáng mới thấy anh bộ đội cụt hai chân và một tay! Các chiến sĩ nói về sự hy sinh và thương tật một cách bình thản kỳ lạ. “- M. ơi, thằng C. chết rồi!” - “X. ơi! Tao cụt chân rồi!”… Có thể hiểu là họ đã sẵn sàng đón nhận sự mất mát lớn lao khi bước vào mặt trận Quảng Trị…
Một cô gái như vậy, học rất giỏi, nhưng vì là cháu nội một vị Hoàng Giáp, từng làm quan dưới Triều Nguyễn, nên 5 lần thi đại học, xã đều bảo “không đỗ”!; Tiếc là hồi ấy, không ai nhắc rằng ông ngoại của Đoài là cụ Đinh Nho Huề, từng giúp đỡ cách mạng trước năm 1945, sau này đã được tặng Bằng Người có công với nước và cậu Quỳnh Dao (Đinh Nho Diệm) đã được truy tặng liệt sĩ… (Quỳnh Dao - nhà thơ “tiền chiến” (1918-1947) là bạn của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Anh Thơ… tác giả hai câu thơ nổi tiếng: “Một hàng Tôn Nữ cười trong nón /Sông mở lòng ra đón bóng yêu…” đã được Hoài Thanh nhắc đến trong Thi nhân Việt Nam...)
Lúc này, Ngân Hà, chị của Đoài đã đi dạy một trường ở Hà Đông, chủ nhật về Hà Nội thăm bác Viện, kể chuyện Đoài cho bác nghe với hy vọng với uy tín và quan hệ rộng rãi của mình, BSNKV sẽ mở đường thoát cho đứa em út ở quê. Nói theo ngôn ngữ “hiện đại” hôm nay, thì một người quen đến cả Thủ tướng và nhiều Bộ trưởng như BSNKV, thì việc Ngân Hà nhờ bác “chạy” giúp chẳng là “cái đinh” gì - chỉ là xin quyền được vào đại học cho một cô gái trẻ khi đã thi đậu 5 lần, đã đi dân công hỏa tuyến chiến trường Khe Sanh, chứ có phải xin nhà đất, xin làm “sếp” công ty này nọ gì đâu!
Ông bác vốn thương cháu Đoài, nên đã nhận lời “chạy”… Đoài kể chuyện xưa kèm “vật chứng” là lá thư “chạy việc” cho cháu. Lá thư viết ngày 1/6/1972, gửi một nhân vật về sau rất nổi tiếng: Ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú, người mở đầu sự nghiệp Đổi Mới... Thư nhờ Phan Chân (là chồng Kim Tỉnh - chị cả của Đoài) chuyển. Chân là bác sĩ khóa đầu tiên Trường đại học Y Hà Nội sau 1954, lúc này là một thầy thuốc rất có uy tín ở Vĩnh Phú. Nguyên văn thư như sau:
“Tôi xin phép giới thiệu cùng anh đứa cháu là bác sĩ Phan Chân, hiện công tác ở Bệnh viện 74, Vĩnh Yên, để trình bày cùng anh một việc, mong anh giúp đỡ giải quyết cho.
Cháu sẽ trình bày chi tiết sự việc; riêng tôi, đã suy nghĩ đủ cách, nay mới nhờ đến Tỉnh, và xin bảo đảm với anh mọi sự việc cháu Chân trình bày với anh là hoàn toàn đúng. Cháu Chân sẽ nói về hoàn cảnh của cô em vợ, là cháu Phương Đoài, gọi tôi bằng bác; bố cháu mất từ lâu, nên tôi vẫn đỡ đầu cho cháu từ nhiều năm nay, và xem như con vậy.
Hoàn cảnh hiện nay không cho phép tôi lên Vĩnh Phú gặp anh, vậy nhờ cháu Chân nói lại, mong anh thông cảm.
Rất cảm ơn anh và mong gặp lại gần đây.
Đã ký - Nguyễn Khắc Viện”.
Bạn muốn biết BSNKV “chạy” xin việc chi cho cháu, chịu khó đọc tiếp đoạn thư gửi cùng ngày sau đây:
“Thăm Chân và Đoài,
Bác đi sơ tán lâu nay nên không gặp. Nhận thư vừa rồi. Bác viết thư cho ông Kim Ngọc, Chân cầm đi rồi xin gặp trình bày vấn đề với ông ấy, nhấn mạnh mình chỉ xin lao động ở một nông trường công trường nào thôi, đi đâu cũng được, không ngần ngại, lên núi cũng được. Nếu không gặp ông Kim Ngọc, hỏi xin gặp ông Phi.
Bác sẽ gửi cho Đoài một ít tiền tiêu lúc nào về Hà Nội… Hơn lúc nào cả, Đoài cần tỏ ra tinh thần kiên định, không bi quan và sẵn sàng nhận mọi công việc,
làm thật tốt để mọi người tin cậy… Đất nước còn trải qua nhiều khó khăn trước khi thắng lợi cuối cùng, mỗi chúng mình phải vững vàng chịu đựng mọi gian khổ, và tìm cách đóng góp. Thân chào Đã ký - Nguyễn Khắc Viện”.
Việc bình luận cách “chạy việc” cho người thân của BSNKV “ngày xưa” xin dành quyền bạn đọc. Tôi chỉ xin cung cấp đoạn kết của câu chuyện này. Cũng có thể gọi là cái kết “có hậu” nhưng không phải nhờ ông Kim Ngọc mà nhờ cô chị Ngân Hà - tên ban đầu là Ngọ. Có lẽ nhờ sinh tuổi con Ngựa, “chạy” giỏi và có gan, nên tuy chỉ là giáo viên “trơn” mà dám đến chực trước cửa Bộ Giáo dục, xin gặp Thứ trưởng Lê Liêm… Nghe sự tình, ông Lê Liêm liền can thiệp và Đoài được gọi vào Trường đại học Sư phạm Hà Nội.
Trước đó, có một chuyện nhỏ cũng liên quan đến Thứ trưởng Lê Liêm. Ngày 20 Tết năm 1972, biết bác Viện sẽ cùng với ông Lê Liêm vào Trường kiểu mẫu Cẩm Bình (Hà Tĩnh), Đoài xin đi theo về quê thăm mẹ, vì lúc đó tàu xe rất khó khăn. Tuy vậy, bác Viện đáp gọn một câu: “Mình cho ung tiền tàu. Xe Nhà nước đi sao được!”. Đoài liền ra ga xếp hàng mua vé…
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện làm việc trong chuyến thăm Thụy Điển năm 1978.
Sau đó, khi đến thăm ông Lê Liêm, nghe chuyện trên, ông Lê Liêm cười, bảo: “Sao hôm ấy cháu không đứng lì ở trước xe, xem bác cháu có dám húc vào cháu không?”. Ba bác cháu cùng cười vui vẻ. Rồi bác nói: “Ai cũng như bác Viện cháu thì xã hội tiến lên rất nhanh!”.
Còn bác Viện, khi cháu đưa quyết định triệu tập ra Trường Đại học, bác bất ngờ đọc đi đọc lại, rồi nói: “Ung giỏi thật! Làm sao mà gặp được ông Lê Liêm?”. Lúc này cháu mới thú thật là phải mượn bác làm cái “gậy” mới đến cửa Thứ trưởng Bộ Giáo dục được. Bác không trách cháu, chỉ quay nói với bà Nhất: “Cháu nó xin được vào trường rồi, bà lo cho cháu 13kg tem gạo, một cái bát và cho nó cái màn-một của mình”.
Từ ngày ấy đã gần nửa thế kỷ qua! Cô Đoài TNXP hỏa tuyến Quảng Trị tròn 50 năm trước, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Hà Nội, trở thành cô giáo cấp 3 dạy ở Nha Trang, rất được học trò mến mộ và nay đã về hưu.
Chuyện “chạy…” của BSNKV còn “hồi 2”, gần đây, cháu Lê Khánh Thành mới cho tôi biết. Thành là con út bác sĩ Lê Khánh Đồng, trước 1945 là “y sĩ Đông Dương” - học vị hiếm hoi còn hơn cả tiến sĩ y khoa ngày nay - về sau là bác sĩ Tây y đầu tiên nghiên cứu sâu về khoa châm cứu. Thân mẫu của Thành là chị ruột BSNKV. Mặc dù vậy, khi một số bạn của Thành được cơ quan cử sang châu Âu làm nghiên cứu sinh, Thành đến nhờ cậu Viện “chạy” giúp. BSNKV cười và vui vẻ gợi ý: “Ung tự học cho giỏi vào, nhất là ngoại ngữ, công tác thật tốt, sẽ có ngày cơ quan cho đi”… Thế nhưng với những người tài giỏi thật sự, thì BSNKV không ngại “chạy” đến cấp cao nhất để giúp họ tiến xa hơn, mặc dù họ không phải là người thân của BSNKV, trong đó có trường hợp Lê Khánh Châu, con trai nhà báo Lê Khánh Căn và ca sĩ Tân Nhân. Năm 1980, Châu tốt nghiệp đại học loại ưu tú của Trường Lô-mô-nô-xốp Mátxcơva. Trong luận án tốt nghiệp, các giáo sư của trường nhận xét, đại ý: luận án rất xuất sắc không chỉ ở mức độ sinh viên tốt nghiệp mà còn chứa đựng một phần đáng kể của trình độ phó tiến sĩ. Nhà trường gửi giấy đề nghị phía Việt Nam cho phép Châu được ở lại làm tiếp nghiên cứu sinh. Nhưng Châu đã về nước, theo quy định của Trường đại học Quân sự, sinh viên quân sự sau tốt nghiệp đều phải qua ba tháng đi khai khẩn đất hoang, trồng ngô sắn góp phần chống đói và rèn luyện, trước khi được công nhận sĩ quan và phân công tác. Nhưng xong nghĩa vụ 3 tháng ấy thì hết cơ hội sang Liên Xô học tiếp, ca sĩ Tân Nhân “gõ cửa” nhiều nơi, kể cả Bộ Quốc phòng, nhưng không ai dám phá “lệ” đã có từ thời còn chiến tranh. Nghe chị thở than, Thành nhớ cậu Viện từng kể cho nghe rằng cậu chỉ giúp những trường hợp thật đặc biệt, nên bảo chị thử đến nhờ BSNKV…
Thế là BSNKV đến gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng… Có lẽ cần nói thêm, nghệ sĩ Tân Nhân ngại làm phiền Thủ tướng, chứ hồi đó, người hát Xa khơi nổi tiếng đã nhiều lần biểu diễn cho “bác Đồng” và nhiều vị lãnh đạo cao cấp nghe.
Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Châu và 3 bạn cùng tốt nghiệp Lô-mô-nô-xốp được sang Mátxcơva, khi các lớp vào học được ba tuần. Hai năm sau, Châu nhận bằng phó tiến sĩ loại ưu (thường phải ba năm). Một lần nữa nhà trường đề nghị học viên “cá biệt” này ở lại làm tiếp tiến sĩ. Điều thú vị nữa là từ đây, Châu trở thành con rể nhà thơ Tố Hữu…
Toàn là “chuyện xưa” thuộc thế kỷ trước. Đến nay, nghệ sĩ Tân Nhân “đi xa” đã trọn 10 mùa Xuân và giáo sư Lê Khánh Châu đã trở thành nhà toán học có uy tín trên thế giới, đang giảng dạy tại một đại học ở Đức… Phương Đoài cũng có người con rất giỏi đang sống ở nước ngoài. Còn BS. Nguyễn Khắc Viện, theo giấy khai sinh thì Xuân này tròn 105 tuổi! Quả là “Chuyện cổ tích” nên mới kể lại vào lúc Tết đến Xuân sang…