Điều này giúp nhạc Việt thêm phong phú, đa dạng. Nhưng trên hết, đó là sự tri ân của thế hệ trẻ đối với những người lính, chiến sĩ đã, đang cống hiến tuổi thanh xuân để Tổ quốc hòa bình, phát triển như hôm nay.
Trong kho tàng nhạc Việt, đến nay đã có không ít các sáng tác về hình tượng người lính, chiến sĩ cách mạng với âm hưởng hào hùng, chứa đựng nhiều cảm xúc được công chúng yêu thích và thuộc nằm lòng như: Màu hoa đỏ (thơ: Nguyễn Đức Mậu, nhạc: Thuận Yến), Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây (nhạc: Hoàng Hiệp, thơ: Phạm Tiến Duật), Vết chân tròn trên cát (Trần Tiến), Thơ tình người lính biển (nhạc: Hoàng Hiệp, thơ:Trần Đăng Khoa), Hát về anh, người chiến sĩ biên cương (Thế Hiển), Hành khúc chiến sĩ Trường Sa (Trần Xuân Tiến), Nơi đảo xa (Thế Song)... Những ca khúc về người lính dù ở thời điểm nào cũng đã cho chúng ta thấy được tầm cao lớn, phẩm chất anh hùng, phi thường trên những chặng đường lịch sử của dân tộc. Thời gian gần đây, nhiều ca sĩ trẻ cũng đã tìm về những nhạc phẩm sống mãi với thời gian hoặc cho ra đời sáng tác mới về hình tượng người lính, chiến sĩ cách mạng được công chúng đánh giá cao.
Trong Album Tri ân, ca sĩ Phạm Phương Thảo (bên phải) có hai ca khúc về người lính, thanh niên xung phong được khán thính giả đánh giá cao.
Trong năm 2017, ca sĩ trẻ Phạm Phương Thảo đã ra mắt Album Tri ân, trong đó có 2 ca khúc do nữ ca sĩ sáng tác, gồm Ru em nắm đất Truông Bồn, Mười đóa sen thơm gắn liền với hình ảnh người lính, thanh niên xung phong. Ca khúc Mười đóa sen thơm được Phương Thảo viết nên trong một chuyến đi về Ngã ba Đồng Lộc với phần ca từ gần gũi mà cảm xúc dâng trào, giai điệu sâu lắng chạm trái tim công chúng: “Mười đóa sen thơm quê mình Đồng Lộc/ Hóa thân thành huyền thoại ngã ba/ Đi ra đi vô nơi mô nỏ biết, mười chị/ Sống quên mình, tháng năm lại trọn tình với quê...”. Trong khi đó, Ru em nắm đất Truông Bồn được Phương Thảo sáng tác qua lời mẹ kể từ bé, về sự hy sinh oanh liệt của các thanh niên xung phong tại Truông Bồn. Ca khúc này cũng được người yêu nhạc đánh giá cao bởi ca từ lắng đọng, âm nhạc da diết: “Nắm đất này có phải là em/ Có phải là em cho tôi ôm vào lòng/ Ru em ru em ngủ giữa nắng trưa Truông Bồn...”. Theo ca sĩ Phạm Phương Thảo, các ca khúc do cô sáng tác bằng tất cả tình cảm tri ân của người ở thế hệ sau, biết ơn thế hệ đi trước đã hy sinh cuộc sống, tuổi xuân đẹp đẽ nhất của mình cho hòa bình.
Bên cạnh đó, năm 2016, Tuấn Dương - nam ca sĩ trẻ từng lọt vào top 10 Cuộc thi Sao Mai (dòng nhạc thính phòng) với đam mê dòng ca khúc cách mạng đã tạo dấu ấn với công chúng khi thực hiện MV cho ca khúc Khi người lính trở về (sáng tác Thế Hiển). MV của nam ca sĩ trẻ Tuấn Dương mở đầu với hình ảnh người lính đi bộ trở về nhà, trên vai khoác ba lô và cành đào. Hình ảnh ấy được lồng trên nền tiếng kèn đồng, giai điệu còn mang dư âm chiến tranh. Nhưng mọi đau thương rồi cũng qua đi khi tiếng kèn dạo giữa vang lên, tất cả vỡ òa hạnh phúc khi mẹ con đoàn tụ, quê hương chỉ còn tiếng cười và những giọt nước mắt tình thân, hạnh phúc như lời bài hát: “Chiến tranh đã qua đi/ Mùa đông đã qua đi/ Trong vòng tay của mẹ/ Có người lính trẻ/ Trở về đón mùa xuân”. Qua sự thể hiện trẻ trung của Tuấn Dương, bài hát Khi người lính trở về của nhạc sĩ Thế Hiển được ví như một khúc tráng ca trở về của người chiến sĩ cách mạng khi chiến tranh kết thúc lại càng trở nên gần gũi với công chúng hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, nam ca sĩ trẻ Dương Quốc Hưng cũng để lại ấn tượng với người yêu nhạc qua ca khúc Hát cùng lính đảo do chính anh sáng tác. Nhạc phẩm Hát cùng lính đảo mang âm hưởng hiện đại, trẻ trung và sôi động được Dương Quốc Hưng viết nên sau khi được trực tiếp hát cùng những người lính hải quân, nghe những tâm sự của họ. Lời bài hát của Dương Quốc Hưng hào hùng nhưng chất chứa sự yêu thương và động viên khích lệ tinh thần các chiến sĩ, cổ vũ lòng yêu đất nước, yêu biển đảo quê hương: “Sóng gió biển khơi không chùn chân ta bước/ Hoàng Sa, Trường Sa quần đảo của ta in sâu dáng quê nhà/ Đến với anh người lính đảo Hoàng Sa/ Bão tố hiểm nguy can trường giữ quê hương/ Mênh mông biển Đông những quần đảo Việt Nam/ Bao gian khó muôn trùng sát cánh ta cùng vượt qua...”. Người yêu nhạc đánh giá, Hát cùng lính đảo đã góp thêm một tiếng nói từ trái tim những người Việt Nam ở đất liền luôn hướng về biển Đông và các chiến sĩ Hải quân luôn chắc tay súng chốn tiền tiêu để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thực tế trên cho thấy, trải qua thời gian, các thế hệ nghệ sĩ Việt vẫn không ngừng cất vang lời ca, tiếng hát về người lính và giới thiệu sáng tác mới để truyền cảm hứng cũng như niềm tự hào dân tộc đối với người thưởng thức. Điều này rất đáng ghi nhận trong bối cảnh nhạc trẻ Việt vốn đang có không ít nhạc phẩm “thảm họa”, thiếu tính sáng tạo...