Nhạc dân gian đương đại đang xuôi về đâu?

23-12-2013 07:39 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Quanh quẩn chỉ những ca khúc đã nổi từ dăm năm trước, các ca khúc mới ra đời vừa ít ỏi về số lượng, vừa thiếu ấn tượng về chất lượng, các ca sĩ chuyển hướng hoặc im hơi, khán giả tự hỏi sáng tác nhạc dân gian đương đại đang xuôi về đâu?

Quanh quẩn chỉ những ca khúc đã nổi từ dăm năm trước, các ca khúc mới ra đời vừa ít ỏi về số lượng, vừa thiếu ấn tượng về chất lượng, các ca sĩ chuyển hướng hoặc im hơi, khán giả tự hỏi sáng tác nhạc dân gian đương đại đang xuôi về đâu?

Một phút huy hoàng...

Quả không ngoa khi nói rằng có thời điểm, chỉ dăm năm về trước thôi, sáng tác nhạc dân gian đương đại đã làm mưa làm gió trên thị trường âm nhạc Việt, lấn át các thể loại âm nhạc khác nhờ trường lực quá mạnh mẽ và ấn tượng. Những Trần Tiến, Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Giáng Son, Lưu Hà An, Lưu Thiên Hương... Xa hơn là những tên tuổi đã có sáng tác khắc sâu trong lòng người yêu nhạc như các nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, An Thuyên. Họ là những người đã mang lại cho khán giả Việt những món ăn tinh thần thực sự đáng giá. Ở đó, người Việt tìm thấy giai điệu thấm đẫm hồn vía dân tộc nghìn đời lại gần gũi với cuộc sống.

Ca  sĩ Tùng Dương, Ngọc Khuê - những ca sĩ từng gắn bó với dòng dân gian đương đại.

Lẽ dĩ nhiên, những ca sĩ hát dòng dân gian đương đại như Tùng Dương, Ngọc Khuê, Thành Lê, Tân Nhàn... cũng đã kịp ghi dấu ấn nhờ giọng hát đẹp qua những giai điệu kết hợp nhuần nhị truyền thống và hiện đại. Họ là những người đã “thu phục” được một lượng khán giả đông đảo. Cũng từ đó giúp khán giả thêm hiểu biết, trân trọng giá trị vững bền trong văn hóa của từng vùng miền đất nước.

Bên cạnh dòng nhạc pop, rock, R&B, dòng nhạc dân gian đương đại không chịu lép vế, đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ qua các chương trình âm nhạc lớn như Sao Mai, Sao Mai điểm hẹn, Bài hát Việt và thu về nhiều giải thưởng lớn như giải Bài hát của năm trên sân chơi âm nhạc chuyên nghiệp Bài hát Việt 2007 (Con cò - Lưu Hà An - Tùng Dương), các album bán chạy như Giọt sương bay lên, Ngồi trên vách nắng (Nguyễn Vĩnh Tiến - 2 vạn đĩa), Bên bờ ao nhà mình (Ngọc Khuê - 1 vạn đĩa)... Các ca sĩ nhạc dân gian đương đại, vừa là những nghệ sĩ gửi gắm cảm xúc vào ca khúc, vừa là những người “làm dâu trăm họ” chiều chuộng tai nghe của công chúng nhiều lứa tuổi, vùng miền.

Le lói hay biến mất?

Có thể nói, dòng nhạc dân gian đương đại, bên cạnh giá trị giải trí còn đóng vai trò quan trọng tôn vinh những tinh hoa âm nhạc, văn hóa của các vùng miền đất nước đang dần mai một do nhịp sống hiện đại. Và nhiều nhạc sĩ đã thành công khi không chỉ người trong nước mà người nước ngoài, người Việt xa xứ đã cảm nhận được “chất Việt” trong những sáng tác vừa có tính chất giải trí, vừa chiều gu thưởng thức mà không lỗi thời, vẫn hội nhập được với các dòng nhạc khác.

Tưởng chừng như sáng tác nhạc dân gian đương đại sẽ được đà tiến tới nhưng thực tế là dường như đó chỉ là một trào lưu bùng lên chốc lát rồi nhanh chóng chìm xuống. Vài năm trở lại đây, rất ít những nhạc sĩ và ca sĩ tạo được ấn tượng mạnh với dòng dân gian đương đại như trước. Các nhạc sĩ ghi dấu ấn với dòng dân gian đương đại dù vẫn sáng tác nhưng có vẻ như chưa có những tác phẩm thực sự nổi đình nổi đám. Mặt khác, những ca sĩ dòng dân gian đương đại trước kia đã rẽ theo những hướng khác nhau. Ca sĩ Tùng Dương chuyển sang jazz, thậm chí ca khúc giành giải Bài hát Việt năm 2012 của anh cũng thuộc dòng cách mạng; ca sĩ Ngọc Khuê dường như lui về ở ẩn, đào tạo thế hệ ca sĩ mới; Phương Thảo - Anh Thơ - Tân Nhàn - Thành Lê và ca sĩ mới nổi Bùi Lê Mận cũng chỉ quanh đi quẩn lại với các ca khúc đã cũ, việc ra album tuyển tập các ca khúc âm hưởng dân gian đương đại trở nên khó khăn vì thiếu nguồn. Quá ít ca khúc mới cho một lực lượng ca sĩ có tài năng thể hiện khiến họ rơi vào thế bí.

Bên cạnh đó, một thực tế gây không ít bức xúc cho khán giả là một bộ phận ca sĩ trẻ không đủ lực, không đủ tài vẫn cố đấm ăn xôi, hát thả cửa và kết quả là cho ra những sản phẩm dở tây dở ta, đánh mất cả cái hay, cái đẹp mà người nhạc sĩ đã cố công vun đắp. Trên các sân khấu ca nhạc dường như cũng đã bắt đầu có tâm lý ghẻ lạnh các ca khúc nhạc dân gian đương đại. Kết quả là một bộ phận ca sĩ thuộc dòng dân gian đương đại đành lặng thinh, ít xuất hiện, một bộ phận khác thì chọn dòng nhạc khác để chiều lòng khán giả trẻ. Mặc dù tại Sao Mai năm nay, nhiều ca sĩ dòng dân gian đã thắng thế nhưng những ca khúc mới mà họ thể hiện không được đánh giá cao.

Nổi lên như một giọng ca hiếm và hay của dòng dân gian đương đại mới đây có lẽ là Quán quân Sao Mai điểm hẹn 2012 Nguyễn Đình Thanh Tâm, nhưng phong cách quái copy gần như y chang ca sĩ Tùng Dương và giọng hát lên gân, cường điệu của anh khiến ít nhiều khán giả thiếu cảm tình. Hai giọng ca dân gian đương đại khác là Tân Nhàn và Bùi Lê Mận cũng thể hiện cái tâm với dòng nhạc theo đuổi khi đưa ca khúc Sông ơi đừng chảy của Nguyễn Vĩnh Tiến lên sân khấu Bài hát Việt tháng 3 (Tân Nhàn) và ra album Ở hai đầu nỗi nhớ được giới chuyên môn đánh giá khá cao (Bùi Lê Mận). Một chương trình khác là Giọng hát Việt nhí cũng đã khiến khán giả ấn tượng vì những giọng ca nhỏ tuổi thể hiện rất có nghề những ca khúc dân gian đương đại như Võ Thu Hà, Quang Anh, Ngọc Duy...

Tháng 9 vừa qua, Osmosis (tạm dịch: “Thẩm thấu”), một dự án kết hợp nghệ thuật ca trù, hát xẩm, hát văn, ngâm thơ của Việt Nam với âm nhạc châu Âu đương đại được các nghệ sĩ biểu diễn tại Đức. Đây là một hoạt động âm nhạc kết hợp ngẫu hứng âm nhạc dân gian và đương đại giúp công chúng châu Âu có cái nhìn rộng mở hơn về triển vọng dung hòa giữa hai chất liệu âm nhạc đang tồn tại song hành ở Việt Nam.

Ngữ Nam


Ý kiến của bạn