Sinh năm 1963 tại Đà Lạt, cha là kỹ sư người Việt và mẹ là người Pháp. Năm 1981, Linda Lê đến Paris theo học khóa học văn chương tại trường Henri IV, rồi học tiếp ở Sorbonne. Tiểu thuyết đầu tay của chị -Sự dịu dàng của ma cà rồng - được xuất bản năm 1986 khi chị vừa tròn 23 tuổi. Viết văn bằng tiếng Pháp xác thực, chỉn chu và súc tích, Linda Lê đã nhận được rất nhiều giải thưởng văn chương: Giải thưởng Tài năng (1990), giải Văn chương sáng tạo (1993), giải Fénéon (1997). Năm 2007, tác phẩm Hồi tưởng của chị nhận được giải Prix Femina và giải Nhất của giải Grand Prix do Viện Hàn lâm Pháp trao tặng. Nhưng nữ nhà văn lại trốn tránh báo giới và tự nhận mình là kẻ ẩn dật.
Nhà văn Linda Lê. |
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Pháp gốc Việt Linda Lê.
- Sang Pháp từ năm 13 tuổi, sống và viết chủ yếu ở Pháp, ấn tượng về văn học VN trong chị như thế nào?
- Tôi chủ yếu đọc văn học Pháp nhưng cũng rất thích Truyện Kiều của Nguyễn Du và một nhà văn VN khác tôi cũng đọc nhiều và ấn tượng, đó là Nguyễn Huy Thiệp.
- Chị có suy nghĩ như thế nào khi đưa ra chủ đề chính trong các cuộc hội thảo khi trở về VN lần này: sự bơi trải ngôn ngữ của các nhà văn lưu vong ở nước ngoài?
- Giấc mơ của tôi là tạo nên một cái gì đó mang tính quốc tế trong văn học. Tôi luôn tìm cách tạo ra những tư tưởng liên kết các nhà văn và độc giả các nền văn hóa. Tôi chưa từng có ý định từ bỏ, từ chối gốc gác của mình, trái lại, luôn bị ám ảnh bởi chính điều đó, luôn cảm thấy mình là một người nước ngoài đến viết ở Pháp. Lưu vong nhưng tính Việt trong con người tôi, tác phẩm của tôi luôn hiện hữu.
- Lựa chọn tiếng Pháp làm ngôn ngữ viết phải chăng là chủ định của chị?
- Đó là một lựa chọn cố ý. Tôi được gửi vào học trường tiếng Pháp năm 4 tuổi và đọc Victo Hugo từ thuở thiếu thời. Viết bằng tiếng Pháp nhưng tôi lại viết về nhiều nơi khác chứ không phải chỉ riêng ở Pháp.
- Chị đã bao giờ chủ động đưa văn hóa VN vào tác phẩm của mình?
- Tôi đọc văn học của nhiều nước trên thế giới. Mối quan hệ với VN với tôi chủ yếu trên phương diện gia đình, nhất là các chị gái. Các chị cũng chính là cầu nối để tôi hiểu hơn về văn hóa VN, văn học VN. Tuy nhiên khi viết, tôi thấy trong tôi có hai tâm hồn: phương Đông và phương Tây. Tôi muốn viết tự truyện nhưng lại luôn viết hư cấu, khi viết tiểu thuyết lại tự biến mình thành một người khác. Sự bội phản bản thân khi viết, những ám ảnh về VN luôn thấp thoáng trong tác phẩm viết bằng tiếng Pháp của tôi.
- Chị đã từng nói "Các tác phẩm viết trong bóng tối đều tỏ ra nổi loạn"?
- Một tác phẩm văn học thực thụ không đơn thuần chỉ để giải trí. Đó là một quá trình “ủ bệnh” trong bóng tối. Một nhà văn đồng thời cũng là một người nổi loạn. Vì thế, công việc viết văn, theo tôi là một công việc mang tính nhân bản. Nhiều người hỏi tôi liệu chọn cách đứng một mình để quan sát có cảm thấy lạc lõng không. Tôi cảm thấy sự khác biệt giữa hai khái niệm cô lập và cô đơn. Tôi là một người cô đơn khi viết văn và luôn cố tình tạo dựng, nuôi dưỡng sự cô đơn ấy.
- Kỹ thuật viết có phải là mối quan tâm hàng đầu trong lao động viết văn của chị?
- Mỗi cuốn sách của tôi có một kỹ thuật khác nhau. Khởi đầu là những gì chứng kiến trong cuộc sống hàng ngày hoặc những ám ảnh dai dẳng. Tôi nghĩ ra trong đầu cấu trúc của câu chuyện và miệt mài viết. Sách của tôi khá phức tạp, có lúc đa diện, đa chiều với rất nhiều chương, có lúc lại rất liền mạch, xuôi chèo mát mái. Nhưng điều cuối cùng tôi muốn nói với các bạn là "Sáng tác văn học là một cuộc chiến đấu rất cam go và bắt buộc nhà văn phải vượt lên chính mình".