Con tôi bị loạn thị 2 mắt khá nặng. Cả hai vợ chồng tôi không có tật về mắt. Vậy xin bác sĩ cho hỏi nguyên nhân nào khiến cháu bị loạn thị?
Lê Văn Giang (Thanh Hóa)
Nguyên nhân của loạn thị chủ yếu là do giác mạc có hình dạng bất thường. Bình thường bề mặt giác mạc có hình cầu, khi bị loạn thị, giác mạc có độ cong không đều (ví như khi ta cắt một phần qua trái bóng bầu dục). Sự thay đổi độ cong bề mặt giác mạc làm hình ảnh của vật hội tụ thành nhiều đường tiêu trên võng mạc dẫn đến nhìn mờ nhòe, biến dạng hình ảnh. Tất cả các loại loạn thị thường có triệu chứng nhìn mờ, mỏi mắt, nhức mắt, nhìn hình bị biến dạng, nhòe hình... Các loại loạn thị viễn thường gây nên suy giảm chức năng thị giác nhiều hơn. Loạn thị có thể xảy ra kết hợp với các lỗi khác khúc xạ, trong đó bao gồm: Với cận thị thành chứng cận loạn; Với viễn thị thành chứng viễn loạn. Các triệu chứng của loạn thị là: hình ảnh bị biến dạng, có thể nhìn mờ cả xa lẫn gần, nhức đầu và mỏi mắt (vùng trán và thái dương), nhìn phải nheo mắt, chảy nước mắt, mắt bị kích thích. Trẻ bị loạn thị thường nhìn mờ, khi nhìn lên bảng hay đọc nhầm. Đôi khi loạn thị không có triệu chứng mà chỉ được phát hiện khi bệnh nhân đến khám định kỳ, khám sàng lọc tại các trường hoặc khi khám khúc xạ để đeo kính đọc sách ở người lớn. Nếu trẻ bị loạn thị từ trung bình đến nặng không được điều chỉnh trước 5 tuổi thì thường dẫn tới nhược thị. Vì vậy, điều quan trọng là phụ huynh và cô giáo cần phát hiện sớm chứng loạn thị ở trẻ, đưa trẻ đi khám mắt thường xuyên để phát hiện và có phương hướng điều trị thích hợp.
BS. Nguyễn Thu Hiền