Nguyên nhân gây bệnh nang gan

22-07-2015 14:50 | Y học 360
google news

SKĐS - Nang gan là một bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng người trưởng thành chiếm tỷ lệ cao nhất, trong đó nữ giới mắc bệnh nhiều hơn nam giới (1,5 lần).

Nang gan là một bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng người trưởng thành chiếm tỷ lệ cao nhất, trong đó nữ giới mắc bệnh nhiều hơn nam giới (1,5 lần). Hầu hết nang gan là đơn lẻ, lành tính, một tỷ lệ rất thấp có thể ác tính.

Gọi là nang khi tồn tại một ổ trống có thể chứa dịch, máu hoặc không chứa gì và nằm trong tổ chức gan. Nang gan xuất phát từ các tế bào gan, mạch máu nuôi gan, đường dẫn mật trong gan..., vì vậy, thường thấy nang đường mật, nang mạch tại gan. Nguyên nhân gây nên nang gan có thể do nhiễm ký sinh trùng sán lá, hoặc nhiễm vi khuẩn lao (nang lao) hoặc do nguyên nhân di truyền, bẩm sinh hoặc có thể do ung thư ở cơ quan khác di căn đến gan hoặc chưa rõ nguyên nhân. Nang gan thường lành tính, rất hiếm gặp ác tính (trừ khi nang gan do ung thư di căn từ một vùng khác ngoài gan đến). Đa số chỉ có 1 đến 2 nang, vị trí chủ yếu ở thùy gan phải, kích thước thường nhỏ hơn 4cm. Tuy nhiên, một số ít nang gan có thể có kích thước rất lớn và chứa tới 1 - 2 lít dịch, nước.

Triệu chứng của nang gan

Do nguyên nhân gây bệnh không giống nhau, vì vậy, mức độ nghiêm trọng của bệnh ở từng người cũng không giống nhau và bệnh thường lành tính. Khi nang gan có kích thước nhỏ dưới 4cm, không gây triệu chứng gì (trừ trường hợp nang gan có liên quan đến ung thư di căn của cơ quan khác đi đến gan), vì vậy, ít khi phải điều trị. Tuy vậy, cần phải theo dõi định kỳ 3 tháng kiểm tra lại một lần để xác định mức độ phát triển của nang, chỉ khi nang to lên trên 6cm mới có triệu chứng lâm sàng. Người bệnh có thể có hiện tượng đau ở vùng gan, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa. Trong trường hợp có biến chứng chảy máu sẽ gây đau nhiều hơn và có biểu hiện thiếu máu. Với trường hợp nang kích thước lớn có thể gây nên hiện tượng kém ăn, buồn nôn, nôn và có thể khó thở do nang làm gan to ra ảnh hưởng đến cơ hoành, đặc biệt là nang do ung thư di căn.

Biến chứng có thể gặp ở nang lớn là nhiễm khuẩn (nhiễm khuẩn ngược dòng từ tá tràng lên theo đường mật hoặc từ máu trong trường hợp nhiễm khuẩn huyết hoặc vãng khuẩn huyết) hoặc xuất huyết tự nhiên, hiếm hơn là bị xoắn (gặp ở các nang có cuống), vỡ nang hoặc gây tắc mật do nang chèn ép.

Nói chung phương pháp điều trị bằng ngoại khoa, hiện nay có một số phương pháp điều trị có thể áp dụng là chọc hút, có hoặc không có tiêm thuốc làm xơ. Có thể phẫu thuật nang dẫn lưu vào đường ruột ở vị trí ở hỗng tràng (phần giữa của ruột non) hoặc phẫu thuật cắt gan tùy theo mức độ của bệnh khi bác sĩ khám bệnh thấy cần thiết.

Ðối với người bị nang gan cần hạn chế ăn mỡ, lòng động vật, tránh làm việc nặng, gắng sức, tránh chạy nhảy để đề phòng vấp ngã đập vào vùng gan gây vỡ nang gan khi  nang có kích thước lớn.

Mời độc giả đón đọc phần 2:"Cách chữa trị nang gan" vào lúc 14h ngày 23/7/2015

BS. Việt Bắc

 

 

 

 


Ý kiến của bạn
Tags: