Nguy hiểm: giãn tĩnh mạch thực quản

20-07-2015 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Giãn tĩnh mạch thực quản (varices) là bất thường, các tĩnh mạch giãn rộng ở phần dưới của thực quản - ống nối cổ họng và dạ dày.

Giãn tĩnh mạch thực quản (varices) là bất thường, các tĩnh mạch giãn rộng ở phần dưới của thực quản - ống nối cổ họng và dạ dày. Giãn tĩnh mạch thực quản xảy ra thường xuyên nhất ở những người bị bệnh gan nghiêm trọng. 1/3 trường hợp giãn tĩnh mạch thực quản sẽ vỡ gây xuất huyết, đây cũng chính là nguyên nhân chính gây tử vong ở bệnh nhân xơ gan.

Giãn tĩnh mạch thực quản là gì?

Giãn tĩnh mạch thực quản là một trong những biểu hiện của hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong.Tĩnh mạch cửa còn được gọi là tĩnh mạch gánh vì chia nhánh ở hai đầu. Nó được tạo lập bởi tĩnh mạch lách, tĩnh mạch mạc treo tràng trên, tĩnh mạch mạc treo tràng dưới. Tĩnh mạch mạc treo tràng dưới thường đổ vào tĩnh mạch lách nơi gần chỗ hội tụ của tĩnh mạch lách và tĩnh mạch mạc treo tràng trên.

Giãn tĩnh mạch thực quản có thể gây chảy máu.

Nguyên nhân do đâu?

Có rất nhiều nguyên nhân, song giãn tĩnh mạch thực quản có nguyên nhân chủ yếu do xơ gan, xảy ra trên gần 30% bệnh nhân xơ gan và chiếm gần 80 - 90% các trường hợp xuất huyết trên những bệnh nhân này. Ngoài ra còn do một số nguyên nhân khác là do máu đông (huyết khối). Một cục máu đông trong tĩnh mạch cửa hoặc trong một tĩnh mạch có nguồn cấp vào trong tĩnh mạch cửa được gọi là các tĩnh mạch lách có thể gây ra giãn tĩnh mạch thực quản; Nhiễm ký sinh trùng như sán máng, các ký sinh trùng có thể gây hại cho gan, cũng như phổi, ruột và bàng quang; Hội chứng máu trở lại trong gan. Hội chứng Budd - Chiari là một tình trạng hiếm gặp gây ra các cục máu đông có thể chặn các tĩnh mạch đưa máu tới gan

Các biến chứng nghiêm trọng

Các biến chứng nghiêm trọng nhất của giãn tĩnh mạch thực quản là chảy máu. Khi đã có chảy máu, nguy cơ khác tăng lên rất nhiều. Trong một số trường hợp, chảy máu có thể mất khối lượng máu nhiều gây ra sốc. Điều này có thể dẫn đến tử vong. Các thống kê cho thấy, có đến 50% người mắc bệnh xơ gan bị giãn tĩnh mạch thực quản. Mỗi năm, số người bị giãn tĩnh mạch thực quản tăng khoảng 5 - 15%. Khi giãn tĩnh mạch thực quản chuyển sang biến chứng nặng, tĩnh mạch thực quản sẽ bị vỡ. Nếu không đi kèm xơ gan, mức độ tử vong từ 5 - 10%. Nếu kèm theo xơ gan, tỷ lệ tử vong lên tới 40 - 70%. Với bệnh nhân vỡ tĩnh mạch thực quản, 40% trường hợp tự ngưng chảy máu. Thế nhưng, trong vòng 6 tuần sẽ có 30% chảy máu trở lại và trong vòng 1 năm, tỷ lệ chảy máu tái phát lên đến 70%.

Ðối với người mắc bệnh gan, ngoài việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám định kỳ, cần có chế độ sinh hoạt khoa học: không uống rượu, chọn một chế độ ăn uống đầy đủ các loại trái cây và rau quả; chọn toàn bộ ngũ cốc và các nguồn protein nạc; giảm lượng thức ăn béo và chiên; duy trì một trọng lượng cơ thể hợp lý; cẩn thận khi dùng hóa chất trong sinh hoạt như hóa chất gia dụng, thuốc xịt côn trùng... Ðặc biệt, bệnh nhân xơ gan cần thường xuyên kiểm tra, xét nghiệm máu đánh giá chức năng gan - mật định kỳ. Trường hợp có nguy cơ cao, cần đến cơ sở y tế để được theo dõi, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Mời độc giả đón đọc phần 2:"Phát hiện sớm giãn tĩnh mạch thực quản" vào lúc 8h ngày 21/7/2015

BS. Lê Thành

 

 

 


Ý kiến của bạn