Nguy cơ Iran căng thẳng trở lại

20-03-2018 15:21 | Quốc tế

SKĐS - Phát biểu trước báo giới hôm 19/3, Ngoại trưởng Pháp Yves le Drian cho rằng Liên minh Châu Âu cần phải thảo luận về vấn đề tên lửa của Iran. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận với Mỹ về các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran. Dự thảo đề xuất này do Anh, Pháp và Đức đưa ra nhằm thuyết phục Mỹ bảo lưu thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, tất cả những điều này lại đi ngược với quan điểm của Iran.

Ngoại trưởng Pháp Jean Yves le Drian ủng hộ quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc xem xét lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Ông Jean Yves le Driancho rằng liên minh Châu Âu không được phép bỏ qua vấn đề tên lửa đạn đạo của Iran cũng như vai trò đáng ngờ của nước này đối các quốc gia khu vực, cũng như ở Trung Đông.Reuters trích dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết, các quốc gia Anh, Pháp, Đức đã đề xuất các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran vì chương trình tên lửa đạt đạo của nước này.

Trước đó, hôm 19/3, Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu đã họp kín tại Brussels nhằm thảo luận về các đề xuất mới đây do 3 nước Pháp, Đức và Anh đưa ra nhằm trừng phạt Iran. Chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump gần đây đã đưa ra đe doạ là đến ngày 12/5 tới, nếu các nước châu Âu không xem lại thái độ với Iran thì Mỹ sẽ huỷ bỏ thoả thuận hạt nhân mà nhóm P5 1, gồm các nước phương Tây là Mỹ, Pháp, Anh, Đức và Nga, Trung Quốc đạt được với Iran năm 2015.

Ngoại trưởng Iran tuyên bố sẽ không sửa đổi lại Thỏa thuận hạt nhân Iran.

Các nước châu Âu rất e ngại việc Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân này nên châu Âu đã tính đến việc trừng phạt Iran với các cáo buộc nước này vẫn theo đuổi chương trình phát triển tên lửa đạn đạo, xuất khẩu vũ khí cho các nhóm mà phương Tây coi là khủng bố như nhóm Houthi ở Yemen hay Hezbollah ở Liban… cũng như việc Iran ủng hộ chính quyền của ông Bashar Al-Assad tại Syria.Trên thực tế, quan điểm của châu Âu về vấn đề Iran là ôn hoà hơn Mỹ. Châu Âu muốn giữ thoả thuận hạt nhân với Iran, và xem con đường ngoại giao là cách tiếp cận hợp lý nhất với Iran. Nhiều nước châu Âu đang phát triển các mối quan hệ kinh tế tương đối mạnh với Iran, nhiều tập đoàn lớn ở châu Âu đã ngay lập tức xâm nhập vào thị trường Iran vốn rất giàu tài nguyên dầu mỏ, ngay sau khi có thoả thuận hạt nhân 2015.

Như vậy, EU đã chọn một giải pháp an toàn hơn trong vấn đề hạt nhân Iran. Vì thế, dù EU vẫn sẽ trừng phạt Iran nhằm xoa dịu Mỹ nhưng các biện pháp trừng phạt này sẽ được tính toán kỹ nhằm không tạo ra sự đổ vỡ hoàn toàn với Iran.

Việc Iran trả đũa châu Âu có lẽ không phải là bận tâm quá lớn với châu Âu bởi lẽ tiềm lực hiện nay của Iran không cho phép nước này đưa ra các đòn trả đũa có sức nặng. Thiệt hại lớn nhất cho các nước châu Âu sẽ là nguy cơ mất đi các lợi ích kinh tế đang xây dựng với Iran, cũng như với một số các đồng minh của Iran trong khu vực.

Nếu được thông qua, những biện pháp trừng phạt mới sẽ tác động tới tình hình khu vực. Trong một diễn biến mới nhất, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, ông Ali Shamkhani tuyên bố Iran sẽ không chấp nhận bất kỳ thay đổi nào đối với thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký với các cường quốc thế giới. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Mỹ tuyên bố Washington đang theo đuổi một hiệp ước “bổ sung” với các cường quốc châu Âu. Hãng thông tấn ISNA dẫn phát biểu của ông Shamkhani nêu rõ Iran sẽ không chấp nhận bất cứ sự thay đổi, lời giải thích hay bất kỳ biện pháp mới nào nhằm hạn chế thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran cùng nhóm P5 1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) đã ký kết hồi năm 2015.

Về phần mình, ngày 16/3, một quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ cho biết nước này và 3 đồng minh châu Âu đã có các cuộc thảo luận "vô cùng thuận lợi" về yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan tới việc sửa đổi và bổ sung một số điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc trước thời hạn chót ngày 12/5 tới. Hồi tháng 1 vừa qua, Tổng thống Trump tuyên bố thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), được Iran ký với nhóm P5 1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) phải được "sửa chữa" trước ngày 12/5 nếu không Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận này.

Phát biểu với báo giới tại Vienna (Áo), quan chức cấp cao Brian Hook của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Tổng thống Trump đã bày tỏ mong muốn đạt được một thỏa thuận "bổ sung" cho JCPOA với sự nhất trí của các nước châu Âu. Thỏa thuận này sẽ bao gồm chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, các hoạt động của nước CH Hồi giáo trong khu vực, việc chấm dứt một phần thỏa thuận hạt nhân vào giữa những năm 2020 và tăng cường sự thanh tra và giám sát của Liên hợp quốc.


N.Quang
Ý kiến của bạn