Người Hàn Quốc “giả chết” để giảm căng thẳng trong cuộc sống

24-12-2015 08:22 | Quốc tế
google news

SKĐS - Dịch vụ làm đám tang cho người sống đã trở nên phổ biến ở Hàn Quốc. Những người muốn được trải nghiệm cái chết hy vọng rằng họ sẽ yêu cuộc sống hơn sau lần “qua đời” này.

Những áp lực và căng thẳng trong cuộc sống hiện đại đang đè nặng lên tâm lý của rất nhiều người dân Hàn Quốc. Họ đã tìm đến các trung tâm dịch vụ “trải nghiệm cái chết” để tìm lại sự cân bằng cho mình, nhằm vượt qua áp lực và hơn hết là thấy quý trọng cuộc sống.

Tại Trung tâm Hyowon ở ngay thủ đô Seoul của Hàn Quốc, những người tham gia dịch vụ trải nghiệm cái chết mặc những bộ quần áo mà người ta thường dùng để liệm cho người chết, ở trong một căn phòng thiếu ánh sáng. Họ ngồi bên di ảnh của mình và viết những dòng di chúc cuối cùng trong cuộc đời rồi nằm vào trong quan tài.  Một người đàn ông mặc một bộ trang phục truyền thống màu đen, đội một chiếc mũ truyền thống tượng trưng cho "Thần chết" sẽ tiến hành các nghi lễ đóng nắp quan tài của mỗi người. Đèn điện được tắt hết chỉ còn le lói ánh sáng màu đỏ phát ra, cả không gian chìm vào tĩnh lặng.

Sau khi trở về với cuộc sống, ông Kwon Dae-Jung, 43 tuổi, cho biết: “Tôi cảm thấy có gì đó rất huyền bí khi bước vào quan tài. Tôi nghĩ tôi như được tái sinh vậy”. Người đàn ông này tuyên bố rằng từ nay ông sẽ sống mà không hối tiếc, sẽ đối xử tốt với gia đình, vợ con.

Chương trình "trải nghiệm cái chết" này hiện đang rất hút khách. Nó do một công ty dịch vụ tang lễ mở ra giúp người Hàn Quốc biết quý trọng cuộc sống và thấy cuộc sống ý nghĩa thế nào khi có thể một mai bạn phải "ra đi" thực sự. Trong lĩnh vực kinh doanh này, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Nhiều công ty đã đưa nhau ra tòa chỉ vì “ăn cắp ý tưởng kinh doanh” đám tang giả".

Việc giả chết xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân ở xứ sở Kim Chi, nơi có tỷ lệ tự tử cao nhất nhì thế giới. Đó là do cuộc sống của họ có quá nhiều áp lực, từ công việc đến gia đình, không chỉ những người trung tuổi mà áp lực đến với cả thanh thiếu niên, người già. Nhiều người trải nghiệm cho rằng giả chết vẫn còn hơn là chết thật, bởi chết thật để lại nhiều áp lực và đau xót cho người thân. Hơn nữa nếu chết vì tự tử vô hình trung họ trở thành những “tấm gương” xấu cho nhiều thế hệ.

Tham gia dịch vụ này không chỉ những người đang trong độ tuổi đi làm mà còn có cả những thanh thiếu niên và người cao tuổi. Họ cho biết, đây là cách họ thoát ra khỏi những căng thẳng của cuộc sống hiện đại. Ông Wang Yong-yo, 67 tuổi cho rằng, khi chết, rất nhiều cảm xúc ùa về, những kỷ niệm của quá khứ, thời kỳ rất khó khăn đối với bản thân ông. Chương trình này đã giúp ông can đảm hơn để tiếp tục sống với một niềm tin và hy vọng mới.


Hải Yến (theo AP, Insider)
Ý kiến của bạn